Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 11-6 hằng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua yêu nước trên cả nước đang được đẩy mạnh và triển khai sâu rộng. Để thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc và hưởng ứng, đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia vừa xuất bản và cho ra mắt độc giả cuốn sách quý Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước. Nội dung cuốn sách gồm 3 phần:
Phần thứ nhất: Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước giới thiệu 97 bài nói, bài viết, thư, lời kêu gọi của Người về thi đua yêu nước. Thi đua ái quốc, theo Lời kêu gọi của Người, là với bất kỳ việc gì cũng phải làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều; bất kỳ ai, già, trẻ, trai, gái, giàu, nghèo đều phải thi đua ái quốc và thi đua trên khắp các mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá. Qua các bài nói, bài viết của Người, chúng ta hiểu rằng thi đua ái quốc không chỉ là những việc lớn, mà còn là những việc làm đơn giản, như: một cụ già gửi 500 đồng để làm giải thưởng cho bộ đội, chịu khó dạy học cho các cháu trong làng cũng là thi đua ái quốc; một người thầy thuốc gắng tìm các thứ thuốc cần cho dân cũng là thi đua ái quốc; hay các cháu thiếu nhi cố học cho biết chữ cũng là thi đua ái quốc.
Phần thứ hai: Một số bài viết chọn lọc về phong trào thi đua yêu nước nhằm tìm hiểu một cách hệ thống tư tưởng thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó thấy được những điều vô cùng phong phú, những nét đặc sắc, sáng tạo, độc đáo, nhất quán xuyên suốt trong tư tưởng của Người; đồng thời phản ánh thực tiễn sống động của phong trào thi đua ở các cấp, các ngành và các địa phương qua các thời kỳ cách mạng. Quan điểm, luận điểm và phương pháp thi đua của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Đảng và nhân dân ta vận dụng, quán triệt sâu sắc: Mọi việc đều thi đua; Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua; Thi đua sản xuất và tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu; Thi đua phát huy sáng kiến, phổ biến và áp dụng rộng rãi sáng kiến, kinh nghiệm tiên tiến; Thi đua cải thiện đời sống, gây hạnh phúc cho dân; Thi đua xây dựng con người mới…
Phần thứ ba: Một số văn kiện của Đảng về thi đua yêu nước tập hợp các chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ năm 1948 đến nay, cho thấy sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng đối với phong trào thi đua trong từng thời kỳ.
Tại buổi họp báo công bố cuốn sách trên tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ngày 4/6/2008, đồng chí Phó trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương Ngô Văn Lai phát biểu: “Chặng đường 60 năm của công tác thi đua khen thưởng đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, cần phải nhân rộng và tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng… Là những người làm công tác thi đua khen thưởng, chúng tôi rất vui mừng khi Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước… mong rằng cuốn sách sẽ đến được với nhiều bạn đọc để hiểu rõ về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua yêu nước, về cơ sở lý luận và bài học thực tiễn của công tác này”.