Tác giả: Huyện Thanh Trì - Thành phố Hà Nội
Số trang: 228 trang
Giá tiền: 46.000đ
Chu Văn An (1292 - 1370), người làng Quang Liệt (nay là thôn Văn), xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội; mất tại Phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương; tên hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triết. Các chính sử của Việt Nam cho đến nay viết về ông không nhiều và chưa thật tường tận, nhưng qua những tư liệu ít ỏi đó, chúng ta cũng đủ thấy Chu Văn An là “bậc Nho học tiêu biểu nhất của nước Việt ta”, “bậc thánh cao nhất”, “ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến Việt Nam”, được tôn vinh là “vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời).
Ngay từ nhỏ, Chu Văn An đã nổi tiếng là một người cương trực, luôn sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Khi còn ở quê hương, ông mở trường dạy học ở Huỳnh Cung, học trò tìm đến theo học rất đông, có nhiều người đỗ đạt và làm quan to trong triều đình, như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát. Tư cách thanh cao, học vấn sâu rộng đã làm cho tiếng tăm của ông ngày một lan xa, học trò đến theo học ngày càng đông.
Do tài năng và phẩm hạnh, Chu Văn An được vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy dỗ các thái tử và phò giúp nhà vua. Khi triều đình rối ren, vua quan ăn chơi sa đọa, không quan tâm đến việc triều chính, ông đã nhiều lần khuyên can nhưng không được. Quá bất bình, ông đã dâng Thất trảm sớ, xin chém đầu bảy tên nịnh thần để mong giữ yên triều chính. Thất trảm sớ của ông không được vua đoái hoài đến, ông đã trả mũ áo từ quan, nêu khí tiết của người thầy và cũng là tấm gương sáng trong về đạo làm tôi cho muôn đời sau noi theo.
Về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, Chí Linh, Hải Dương, ông tiếp tục dạy học, nghiên cứu y học, viết sách, làm thơ… Các tác phẩm của ông theo sử sách ghi lại có Tứ thư thuyết ước, Y học yếu giải, một số sách khác và 12 bài thơ chữ Hán.
Chu Văn An được tôn vinh là người thầy của muôn đời không chỉ vì ông là một nhà giáo tài năng, đã có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam mà còn vì ông đã nêu tấm gương sáng về đạo làm người. Chính vì vậy, khi qua đời ông đã được truy tặng tước Công - tước phẩm cao nhất trong các hạng tước, được tòng tự ở Văn Miếu và được hậu thế dựng đền miếu phụng thờ.
Cuốn sách Chu Văn An - Người thầy của muôn đời do Huyện ủy Thanh Trì - Thành phố Hà Nội tổ chức biên soạn với sự góp sức của nhiều nhà khoa học đầu ngành, nhiều cơ quan, ban, ngành ở trung ương, Hà Nội và thị xã Chí Linh - tỉnh Hải Dương. Cuốn sách được kết cấu gồm 5 chương và phần kết:
Chương 1: Quê hương Chu Văn An.
Chương 2: Thân thế và sự nghiệp.
Chương 3: Sự nghiệp giáo dục.
Chương 4: Sự nghiệp văn chương.
Chương 5: Một số di tích thờ Chu Văn An.
Phần kết: Chu Văn An - Người thầy của muôn đời.
Ngoài ra, cuốn sách còn có phần phụ lục các văn bia viết về Chu Văn An, đặc biệt có đề cập đến các di tích thờ vị học trò đặc biệt của Chu Văn An - Thủy thần hồ Long Đàm (Linh Đàm) như truyền thuyết đã đề cập.
Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách công phu về cuộc đời và hành trạng của danh nhân - nhà giáo - nhà thơ Chu Văn An. Dựa trên nhiều nguồn tư liệu khác nhau, cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những thông tin đầy đủ để các thế hệ sau có một cách nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về cuộc đời, sự nghiệp và những công lao, đóng góp của thầy giáo - danh nhân Chu Văn An.
Mặc dù cho đến nay vẫn còn nhiều tồn nghi chưa được làm sáng tỏ như về năm sinh, về gia đình và dòng dõi của Chu Văn An, về nội dung Thất trảm sớ, về việc ông có đỗ Thái học sinh hay không, v.v., nhưng qua nội dung cuốn sách, chúng ta cũng hiểu được tương đối đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách và những đóng góp của ông cho nền giáo dục nước nhà.
Cuốn sách là nguồn tài liệu bổ ích để trên cơ sở đó chúng ta sẽ có những công trình nghiên cứu tiếp theo đầy đủ hơn về Chu Văn An.
Phạm Thị Thinh