Chuỗi hoạt động kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày đăng: 06/09/2022 - 21:09

Chiều 06/9/2022, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao phối hợp với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết số 24C/18.65 về việc kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

Lễ kỷ niệm bao gồm chuỗi các hoạt động mít tinh; Lễ ra mắt sách Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh; triển lãm: “Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cuộc đời và sự nghiệp” và Hội thảo quốc tế: “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại”. Các hoạt động nhằm góp phần lan tỏa sâu rộng hơn nữa về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế, là hoạt động thiết thực góp phần thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Lễ kỷ niệm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Thay mặt Đảng, Nhà nước đến dự buổi lễ có đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; lãnh đạo Bộ Ngoại giao, lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và một số địa phương liên quan. Về phía khách quốc tế có sự tham dự của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, hơn 30 Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Ngoài ra, sự kiện đã thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu gồm các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (tham gia trực tuyến); các nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong và ngoài nước cùng 94 cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.

Năm 1987, Đại hội đồng UNESCO đã ra Nghị quyết số 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết khẳng định, Người “là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội” và “là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ phát biểu tại buổi Lễ

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh, vào thời điểm đó, Việt Nam đứng trước vô vàn khó khăn, việc UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần lớn lao, tiếp thêm sức mạnh để cả dân tộc Việt Nam quyết tâm, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách. Đối với dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhà ngoại giao lỗi lạc, là khởi nguồn cho niềm tin tất thắng của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và phồn vinh của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành những thắng lợi vĩ đại, vẻ vang, tiêu biểu là cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên độc lập cho dân tộc; hai cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân, thống nhất đất nước. Tư tưởng của Người cũng chính là nền tảng để Việt Nam bước vào sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Đối với nhân dân thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết, mẫu mực, thủy chung; là biểu tượng của khát vọng hòa bình, đấu tranh chống áp bức, bất công; là sứ giả của hòa bình, của đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa các dân tộc trên thế giới. Người đã truyền cảm hứng, cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức, khát khao tự do và đứng lên đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới.

Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO phát biểu tại buổi Lễ

Tại Lễ kỷ niệm, bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO cho biết, vào năm 1987, các thành viên của UNESCO mới có 155 nhưng nay đã là 193 thành viên. Ở thời điểm đó, UNESCO đã xét quyết định vinh danh hai lãnh tụ là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lãnh tụ Jawaharlal Nehru với những giá trị trường tồn của di sản mà hai danh nhân này để lại cho thế giới. Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định, di sản lớn nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại chính là việc Người đã có tầm nhìn đúng đắn về giáo dục đối với toàn dân. Bà Audrey Azoulay cho rằng: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khai sinh ra nước Việt Nam độc lập mà ảnh hưởng của Người còn vươn xa ra ngoài biên giới đất nước”.

Đồng chí Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trao tặng cuốn sách Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh (The world people's affection for President Ho Chi Minh) cho bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO

Nhân dịp này, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành cuốn sách song ngữ Việt - Anh Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh (The world people's affection for President Ho Chi Minh). Cuốn sách vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết Lời tựa, trong đó  khẳng định: “Người để lại một di sản tư tưởng vô cùng quý báu, mãi mãi nguyên vẹn những giá trị to lớn mang tính thời đại, một tấm gương đạo đức, phong cách, lối sống sáng ngời”. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, đây là một việc làm có ý nghĩa nhằm tưởng nhớ và tôn vinh những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ.

PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu giới thiệu cuốn sách

Tác phẩm tập hợp một khối tư liệu hình ảnh phong phú, khắc họa sinh động, sâu sắc chân dung người Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.

Cuốn sách Tình cảm của nhân dân thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh (The world people's affection for President Ho Chi Minhtrưng bày tại buổi Lễ

Nội dung sách được chia làm 3 phần: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc; Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất; Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sống mãi với thế giới. Qua cuốn sách, bạn đọc cảm nhận được tình cảm thắm thiết, niềm tin yêu, kính trọng và sự tôn vinh của Đảng, dân tộc và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham quan triển lãm ảnh và sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hai phiên: Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại; Các hoạt động lan tỏa di sản Hồ Chí Minh.

Hội thảo quốc tế với chủ đề “Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại”

Dự Hội thảo có các đồng chí: Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Dy Niên, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; cùng đông đảo đại sứ, trưởng cơ quan đại diện, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng các học giả và nhà nghiên cứu.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi về sự nghiệp cách mạng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam nói riêng, với thế giới nói chung. Các đại biểu đều nhất trí cho rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc của nhân dân và để lại những giá trị tiêu biểu, cao quý cho nhân loại. 

Người là kết tinh cho trí tuệ, đạo đức, phẩm giá, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại, rạng ngời cốt cách của một vĩ nhân, có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng vượt không gian, thời gian. Trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống và sau hơn 50 năm kể từ khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được nhân loại tiến bộ không ngừng tôn vinh và ngợi ca. Đến nay, ở 22 quốc gia trên thế giới đã có 36 tượng, tượng đài Hồ Chí Minh; 6 bia tưởng niệm, 14 khu tưởng niệm, 5 trường học, 6 đại lộ, 7 con đường trên thế giới mang tên Hồ Chí Minh. Ở Việt Nam, có khoảng 700 di tích và địa điểm lưu niệm Hồ Chí Minh, phân bố ở hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hàng ngàn nghiên cứu viết về Người. Tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh được ghi trong nhiều bộ bách khoa toàn thư, từ điển danh nhân lỗi lạc trên thế giới…

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước đểu khẳng định, di sản của Hồ Chí Minh đối với nhân loại có giá trị trường tồn. Thế hệ ngày nay cần ghi nhớ, học tập và lan tỏa những giá trị cao quý này cho thế hệ mai sau.

Bình luận