Công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quá trình phát triển lực lượng sản xuất trong cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay (Sách chuyên khảo)
Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trải dài từ năm 1760 đến khoảng năm 1840, bắt đầu bằng việc xây dựng các tuyến đường sắt và phát minh ra động cơ hơi nước, đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên sản xuất cơ khí. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai, diễn ra từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, được thúc đẩy bởi sự ra đời của điện năng và dây chuyền lắp ráp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba bắt đầu vào những năm 1960, thường được gọi là cuộc cách mạng máy tính hay cách mạng số bởi vì nó được xúc tác bởi sự phát triển của chất bán dẫn, máy tính cỡ lớn (thập niên 1960), máy tính cá nhân (thập niên 1970 và 1980) và internet (thập niên 1990). Ngày nay, chúng ta đang sống trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0), bắt đầu vào thời điểm chuyển giao sang thế kỷ XXI và hình thành dựa trên cuộc cách mạng số. Đây là cuộc cách mạng với sự tiến bộ thần kỳ và phát triển như vũ bão của khoa học, kỹ thuật, công nghệ; làm biến đổi sâu sắc và khá toàn diện về phương thức sống của con người. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư không giống với bất cứ điều gì nhân loại đã từng trải qua cả về quy mô, phạm vi và độ phức tạp của nó. Chúng ta vẫn chưa nắm bắt được đầy đủ tốc độ và phạm vi ảnh hưởng của cuộc cách mạng này. Hàng tỷ người được kết nối thông qua các thiết bị di động vốn sở hữu những tính năng chưa từng có trong tốc độ xử lý, dung lượng lưu trữ và tiếp cận các kiến thức là không giới hạn; sự hội tụ đáng kinh ngạc của những đột phá công nghệ mới nổi, bao gồm các lĩnh vực trên quy mô rộng lớn có thể kể đến như trí thông minh nhân tạo, rô bốt, mạng lưới vạn vật kết nối internet, các phương tiện không người lái, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học vật liệu, lưu trữ năng lượng và máy tính lượng tử.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mở ra cơ hội phát triển, thúc đẩy mối quan hệ gắn bó trực tiếp giữa công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Đây là cơ hội quý mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, từ đó xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, đủ sức tham gia một cách có hiệu quả vào hợp tác quốc tế, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Cuốn sách Công nghiệp hóa, hiện đại hóa với quá trình phát triển lực lượng sản xuất trong cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay của TS. Phan Thị Kiên có cấu trúc gồm 03 chương: Chương 1: Những vấn đề lý luận chung về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và lực lượng sản xuất; Chương 2: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực trạng tác động của nó đối với quá trình phát triển lực lượng sản xuất trong cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay; Chương 3: Phương hướng và giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển lực lượng sản xuất trong Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam hiện nay. Đây là tài liệu chuyên khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, sinh viên ngành triết học, kinh tế chính trị, quản lý khoa học và độc giả quan tâm đến vấn đề này.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023