Tác giả: TS. Nguyễn Thế Kỷ (Chủ biên)
Số trang: 300
Báo chí nước ta đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân; tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong giai đoạn mới của cách mạng, báo chí nước ta đã và đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức không nhỏ. Vì vậy, để tiếp tục phát triển sự nghiệp báo chí, cần tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản và các cơ quan báo chí cần bám sát những nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư tưởng nói chung, của báo chí nói riêng; tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới; phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; kế thừa và phát huy các giá trị quý báu của tinh hoa văn hóa nước nhà; tiếp nhận, phát huy tinh hoa văn hóa nhân loại.
Nhằm giúp các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản, các cơ quan báo chí và các cán bộ, phóng viên, biên tập viên báo chí có thêm tài liệu nghiên cứu, tìm hiểu về những vấn đề nêu trên, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trong 25 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới của tập thể tác giả do TS. Nguyễn Thế Kỷ chủ biên.
Cuốn sách gồm 3 chương:
Chương I: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý báo chí – Cơ sở lý luận
Chương II: Công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trong 25 năm đổi mới đất nước
Chương III: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý báo chí
Nội dung cuốn sách đi sâu nghiên cứu sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động báo chí trong 25 năm đổi mới đất nước; làm rõ nội dung, phương thức, sự đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước đối với báo chí; chỉ ra những ưu điểm, thành tựu và cả yếu kém, khuyết điểm; đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý báo chí của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới.
Đinh Trọng Minh