Đại tướng Lê Đức Anh – Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng

Ngày đăng: 08/03/2021 - 09:03

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nhà lãnh đạo tài ba, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và quân đội. Cuốn hồi ký Đại tướng Lê Đức Anh - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh đã tái hiện khá đầy đủ, chi tiết cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Đại tướng đối với Đảng, cách mạng và dân tộc Việt Nam.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế; lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến đời sống lầm than, lam lũ của nhân dân dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến, đồng chí Lê Đức Anh đã sớm có lòng yêu nước, thương dân. Năm 18 tuổi, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ khi còn trẻ, đồng chí đã tích cực tham gia hoạt động trong Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; tổ chức và phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh, Bình Phước. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Lê Đức Anh tham gia quân đội và bắt đầu cuộc đời binh nghiệp đầy gian khổ nhưng oanh liệt. Hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã tôi luyện ý chí và tài năng, giúp đồng chí không ngừng trưởng thành và có những đóng góp quan trọng trên các cương vị được Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó. Đồng chí đã tham gia nhiều chiến dịch lớn, như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975…
Từ năm 1976 đến năm 1980, đồng chí được giao các chức vụ: Tư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm Chỉ huy trưởng cơ quan Tiền phương của Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980. Ngày 29/6/1981, đồng chí Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Năm 1982, đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V bầu vào Bộ Chính trị; năm 1984, đồng chí được thăng quân hàm Đại tướng và giữ các trọng trách của quân đội như: Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1986; Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng năm 1987.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng năm 1991, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được bầu vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Ngày 23/9/1992, Quốc hội khóa IX đã bầu đồng chí làm Chủ tịch nước.
Sau khi thôi chức vụ Ủy viên Ban Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 4/2001), đồng chí Lê Đức Anh nghỉ hưu. Trong quá trình hoạt động cách mạng, dù ở cương vị nào, đồng chí đều nỗ lực, tận tâm, làm tròn nhiệm vụ của mình; đồng chí luôn hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã viết: “Đồng chí Lê Đức Anh - một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta”.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Lê Đức Anh - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (01/12/1920 - 01/12/2020), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ hai cuốn hồi ký của đồng chí Lê Đức Anh: Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng do Đại tá Khuất Biên Hòa và Đại tá Nguyễn Trọng Dinh thể hiện. Nội dung cuốn hồi ký được chia thành 11 chương, gắn với những giai đoạn, bước ngoặt trong cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng.
Chương 1: Tuổi thơ và những ngày đầu tham gia cách mạng. Ở chương này, độc giả thấy được quê hương Thừa Thiên Huế có sức ảnh hưởng to lớn tới lòng yêu nước, ý chí quyết tâm, tinh thần đấu tranh cách mạng từ khi còn rất trẻ của Đại tướng Lê Đức Anh. Chính truyền thống quê hương, gia đình, đời sống cơ cực của nhân dân Thừa Thiên Huế dưới ách thống trị của thực dân Pháp, phong trào đấu tranh cách mạng ở Nghệ An thời kỳ 1930 - 1931 và sự khủng bố dã man của thực dân Pháp đối với quần chúng và cán bộ cách mạng đã hun đúc nên tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng ở người thanh niên trẻ tuổi. Độc giả có thể thấy được, ở tuổi 15 - 16, người thanh niên trẻ Lê Đức Anh đã tiếp cận các tư tưởng, sách báo cách mạng, từng bước giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng ở tuổi 17, được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Đông Dương ở tuổi 18. Đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều hoạt động sôi nổi, tích cực trong Mặt trận Dân chủ huyện Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939). 
Chương 2, là những trang viết của đồng chí Lê Đức Anh về quá trình hoạt động ở Nam Bộ, tổ chức và phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh, Bình Phước, tham gia đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám (1945). 
Chương 3, đánh dấu một bước ngoặt khi đồng chí tham gia quân đội, trực tiếp tham gia tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Đông Nam Bộ, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Chương 4, cho thấy rõ quá trình đồng chí Lê Đức Anh tập kết ra Bắc sau Hiệp định Giơnevơ (1954), về Bộ Tổng Tham mưu, tham gia xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam từng bước tiến lên chính quy, hiện đại (1954 - 1963). Đó là những hoạt động và đóng góp của đồng chí từ khi làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn bộ binh 330, sau đó làm Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, Cục phó Cục Quân lực. Năm 1958, đồng chí được phong quân hàm Đại tá. 
Chương 5, đề cập những hoạt động và đóng góp của đồng chí Lê Đức Anh từ khi về Bộ Chỉ huy Miền (1963), trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường B2. Năm 1963, với cương vị là Phó Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí Lê Đức Anh đã tích cực chuẩn bị cho lực lượng miền Nam tập kết ra Bắc hành quân vào Nam chiến đấu. Cuối năm 1963, đồng chí trở lại chiến trường miền Nam. 
Từ năm 1969, đồng chí Lê Đức Anh về Quân khu 9, làm Tư lệnh Quân khu, chỉ huy quân dân miền Nam bám trụ và đánh địch lấn chiếm. Toàn bộ những hoạt động này của đồng chí cho đến trước Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được phản ánh cụ thể trong Chương 6.
Toàn bộ Chương 7, Chương 8, giúp người đọc thấy rõ những đóng góp của đồng chí Lê Đức Anh khi đồng chí tham gia chỉ huy các mặt trận, chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, từ chỉ huy chiến dịch giải phóng tỉnh Phước Long, cuối năm 1974 đến chỉ huy cánh quân hướng tây - tây nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong quá trình đó, năm 1974, từ Đại tá, đồng chí được phong hàm Trung tướng, làm Phó tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh cánh quân tây nam đánh vào Sài Gòn.
Chương 9, Chương 10, nêu bật quá trình hoạt động và những đóng góp của đồng chí Lê Đức Anh trong khoảng thời gian từ năm 1974 đến năm 1986. Đó là quá trình đồng chí tham gia lãnh đạo, chỉ huy xây dựng quân đội ở đồng bằng sông Cửu Long và chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Năm 1976, đồng chí về làm Tư lệnh Quân khu 9, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng cơ quan Tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam (1978). Khi làm nhiệm vụ quốc tế tái thiết Campuchia, năm 1980, đồng chí được phong hàm Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (1981). Năm 1983, đồng chí được phong hàm Đại tướng, năm 1986 giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chương 11, làm rõ quá trình đồng chí Lê Đức Anh tham gia lãnh đạo Đảng và Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ năm 1986 đến năm 1997. Trong quá trình đó, năm 1987, đồng chí giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư thứ nhất Đảng ủy Quân sự Trung ương. Năm 1992, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nội dung cuốn hồi ký đã phác thảo khá đầy đủ, toàn diện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh, gắn với những sự kiện quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, trong đó các nhân vật, sự kiện, biến cố lịch sử được phản ánh một cách sinh động qua nhãn quan của một người trong cuộc. Đây là cuốn tài liệu hữu ích, giúp độc giả có cái nhìn sâu sắc về một nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta - Đại tướng Lê Đức Anh.

Bình luận