Tác giả: GS, TS. Trần Hữu Tiến
Số trang: 364 trang
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc. Phần lớn các dân tộc thiểu số sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo – những địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, giao lưu quốc tế và môi trường sinh thái. Nhận thức rõ vị thế đó, ngay từ khi thành lập đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn coi việc hoạch định và thực hiện đúng đắn đường lối, chính sách dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược. Nhờ thực hiện nhất quán chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển mà chúng ta đã xây dựng được khối đoàn kết dân tộc vững chắc, đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giành được những thắng lợi vẻ vang trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và nhiều thành tựu quan trọng trong giai đoạn cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược trong sự nghiệp cách mạng nước ta.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc những nhận thức và hiểu biết sâu sắc về vấn đề dân tộc, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản cuốn sách Dân tộc trong lịch sử và trong thời đại ngày nay của GS. TS. Trần Hữu Tiến – nguyên Tổng biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, nguyên Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương.
Trong cuốn sách này, vấn đề dân tộc không chỉ được tiếp cận dưới góc độ dân tộc học, xã hội học cụ thể mà đi sâu phân tích dưới góc độ chủ nghĩa duy vật lịch sử và những vấn đề lý luận, thực tiễn của chủ nghĩa xã hội khoa học. Vấn đề dân tộc, trọng tâm của cuốn sách, được đặt trong các vấn đề chung của thời đại là hòa bình, dân chủ, phát triển, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Nhận thức và xử lý đúng đắn về mặt lý luận và thực tiễn vấn đề dân tộc, trong đó nổi bật lên vấn đề quan hệ dân tộc – giai cấp, là nền tảng của đường lối chiến lược, sách lược của các đảng cộng sản và công nhân, nhất là các chính đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc – dân chủ, đưa đất nước tiến lên theo con đường xã hội chủ nghĩa. Bài học từ lịch sử cách mạng thế giới và lịch sử cách mạng Việt Nam chỉ ra rằng, con đường đi của các cuộc cách mạng thuận lợi hay khó khăn, thàng công hay thất bại, đều liên quan mật thiết với việc nhận thức và xử lý đúng đắn, sáng tạo hay sai lầm tả khuynh, hữu khuynh vấn đề quan hệ dân tộc - giai cấp.
Cuốn sách là tài liệu tham khảo bổ ích với bạn đọc, các nhà khoa học, nhất là các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định và thực thi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Nguyễn Minh Ý