Đất nước Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc mang bản sắc văn hóa cũng như phong tục tập quán riêng, cùng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương. Dân tộc Hmông có dân số đứng thứ sáu (có 1.068.189 người, theo Tổng điều tra dân số 2009) và được coi là một cộng đồng đặc biệt với lịch sử hình thành và phát triển với nhiều nét đặc thù, nền văn hóa phong phú. Người Hmông cư trú chủ yếu ở vùng núi cao các tỉnh phía Bắc trên một địa bàn khá rộng, dọc theo biên giới Việt - Trung và Việt - Lào, từ Lạng Sơn đến Nghệ An.
Nhằm góp phần giúp độc giả tìm hiểu về qua trình di cư tự do của người Hmông nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung, giúp các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách có thêm tư liệu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Di cư của người Hmông từ đổi mới đến nay của tác giả, TS. Đậu Tuấn Nam.
Với 204 trang, tác giả cuốn sách đã phân tích cụ thể từ nguyên nhân, tác động của tình trạng di cư tự do của người Hmông đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là vấn đề an ninh quốc gia và môi trường sinh thái. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế hoạt động di cư tự do của người Hmông, ổn định đời sống của dân tộc Hmông trong bối cảnh mới.
Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Đảng và nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Hmông nói riêng vươn lên ổn định kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa của mình, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới đất nước. Tuy nhiên, do một số yếu tố tác động như điều kiện tự nhiên, trình độ văn hóa, tiếp cận khoa học kỹ thuật còn hạn chế và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước còn chưa tác động đến tất cả các bộ phận dân cư ở các vùng, miền một cách triệt để nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số cũng như dân tộc Hmông còn nhiều khó khăn. Trong những năm qua, tập quán du canh du cư của nhiều dân tộc thiểu số và của dân tộc Hmông vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều diễn biến phức tạp, tác động nhiều chiều, đòi hỏi có sự quan tâm, nghiên cứu, phối hợp quản lý tốt hơn để đồng bào an tâm định canh định cư, ổn định cuộc sống, góp phần giữ vững an ninh quốc gia và bảo vệ lãnh thổ.
Vấn đề di cư tự do của người Hmông là vấn đề khó do nguồn tư liệu hạn chế, tài liệu lưu trữ hầu như không có và tác giả phải dùng phương pháp khảo sát thực tế là chính, trong khi địa bàn cư trú và điểm di cư lại rộng lớn. Cuốn sách của tác giả đi sâu vào nghiên cứu người Hmông ở miền Tây Thanh Hóa và Nghệ An... Có thể nói, di cư tự do của người Hmông trong thời gian qua ngày càng trở nên phức tạp, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn xuyên quốc gia, rất cần được nghiên cứu chuyên sâu, nhằm rõ vấn đề này cả về phương diện lý luận và thực tiễn.
Việc nghiên cứu, tìm hiểu quá trình di cư tự do của người Hmông, những nguyên nhân dẫn đến việc di cư tự do, những tác động, ảnh hưởng của quá trình di cư tự do đến kinh tế - xã hội của các địa phương có ý nghĩa quan trọng để từ đó đề xuất những chính sách phù hợp, hiệu quả nhằm hạn chế di cư tự do, ổn định cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.