Di động xã hội của nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ra đời với những biến đổi vượt trội, không ngừng về khoa học, công nghệ đòi hỏi sự thay đổi về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới. Di động xã hội của nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới diễn ra như một tất yếu xã hội. Tuy nhiên, một thực tế đang trở thành vấn đề đáng quan tâm hiện nay đó chính là quá trình di động xã hội của các nguồn lao động, trong đó có nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao. Hiện tượng này diễn ra trong các tổ chức, các quốc gia ngày càng phổ biến, phức tạp hơn.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, khi mà cơ hội và nguy cơ còn chưa được phân định rõ ràng trong việc thu hút hay giữ chân nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới thì việc phân tích và đưa ra những giải pháp chính sách để quản lý luồng di động xã hội của nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới là cần thiết.
Cuốn sách Di động xã hội của nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của PGS.TS. Đào Thanh Trường được kết cấu thành 5 chương: Chương 1, trình bày tổng quan hướng nghiên cứu về chính sách quản lý di động xã hội của nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đặc biệt nhấn mạnh ba khái niệm công cụ: nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới; di động xã hội của nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới; và chính sách quản lý di động xã hội của nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới.
Chương 2, tác giả đưa ra cách tiếp cận, phương pháp và quy trình thiết kế nghiên cứu. Ngoài cách tiếp cận xã hội học là chính yếu để nghiên cứu, tác giả còn kết hợp cách tiếp cận “đa chiều”, “đa ngành”, “liên ngành” để nhận định, đánh giá một cách toàn vẹn vấn đề. Các phương pháp nghiên cứu cũng được mô tả, phân tích, làm rõ, đảm bảo sự tin cậy của các số liệu nghiên cứu thực trạng.
Chương 3, dưới góc độ xã hội học, các loại hình di động xã hội của nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới được tác giả phân tích, làm rõ các mối liên hệ, quan hệ bên trong của từng loại. Theo đó, bốn loại hình di động xã hội tương đối phổ biến của nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới Việt Nam hiện nay được phân tích sẽ khái quát nên bức tranh về sự chuyển dịch của các luồng chất xám: di động kèm di cư, di động không kèm di cư, di động dọc và di động ngang.
Chương 4, tác giả đi sâu phân tích chính sách với vai trò là chủ thể và tác nhân đối với các luồng di động xã hội của nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới. Các chính sách được xem xét theo quy trình quản lý nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới nhằm nêu bật những tác động của từng nhóm chính sách.
Chương 5, tác giả tích hợp một số ý tưởng về quản lý luồng di động xã hội của nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới theo hướng tăng lợi ích, giảm rủi ro; đề xuất những giải pháp chính sách nhằm quản lý luồng di động xã hội của nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới để phát triển khoa học và công nghệ, tránh lãng phí chất xám, tăng cường các nguồn lực phát triển cho Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cuốn sách là một trong số rất ít những công trình nghiên cứu chuyên sâu về chủ đề này, là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách; giảng viên, học viên và sinh viên trong công tác chuyên môn, góp phần hoàn thiện chính sách quản lý nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023