Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành thắng lợi vẻ vang, kết thúc oanh liệt cuộc kháng chiến lâu dài của quân và dân ta chống quân xâm lược đế quốc Pháp và bọn can thiệp Mỹ.
Năm 1958, nhân dịp kỷ niệm 4 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết bài cho báo Nhân Dân dưới nhan đề Điện Biên Phủ và được Nhà xuất bản Sự thật xuất bản hai lần vào các năm 1958, 1960 với tên gọi Bài học thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó nêu lên một số kinh nghiệm về chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta: vấn đề chỉ đạo chiến lược, vấn đề chỉ đạo chiến dịch, mấy vấn đề chiến thuật, tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân đội, tinh thần phục vụ tiền tuyến của nhân dân. “Tinh thần đoàn kết chiến đấu của quân và dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là yếu tố quyết định thắng lợi. Và đó cũng là bài học kinh nghiệm vĩ đại nhất”. Tác giả khẳng định: “Chính con đường đấu tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đã đưa dân ta đến chiến thắng Điện Biên Phủ. Con đường đoàn kết đấu tranh đó nhất định sẽ đưa dân ta đến những thắng lợi mới to lớn hơn, trong sự nghiệp xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh để thực hiện thống nhất nước nhà”.
Năm 1964, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trên cơ sở của bài viết Điện Biên Phủ đăng trên báo Nhân Dân, Đại tướng đã bổ sung và viết cuốn Điện Biên Phủ đầy đủ hơn, phong phú hơn. Tác giả đã phân tích hình thái cuộc kháng chiến của ta vào mùa hè năm 1953, vạch rõ âm mưu thâm độc của thực dân Pháp, trình bày những chủ trương vô cùng sáng suốt của Đảng ta, nhắc lại diễn biến của tình hình chiến sự, nêu rõ ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ và của các chiến thắng Đông Xuân nói chung. Tác giả kết thúc cuốn sách với niềm tin: “Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại sẽ mãi mãi cổ vũ nhân dân ta, dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, kiên quyết tiến lên giành những thắng lợi mới ngày càng to lớn. Với các thế hệ mai sau, Điện Biên Phủ sẽ sống mãi”.
Năm 1979, nhân dịp kỷ niệm 25 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cuốn sách Điện Biên Phủ được xuất bản lần thứ sáu với sự bổ sung toàn diện trong cả sáu phần của cuốn sách. Với lập luận rõ ràng, lời bình sâu sắc, cách viết ngắn gọn, súc tích, tác giả trình bày những suy nghĩ rút ra từ cuộc kháng chiến lâu dài chống đế quốc Pháp và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ - những suy nghĩ sau chiến dịch Điện Biên Phủ 25 năm.
Nhận xét về địch, tác giả viết: "Nhìn lại âm mưu của địch, thấy nổi lên một điểm là chúng luôn luôn chủ quan, luôn luôn phạm sai lầm... Chúng luôn luôn chủ quan là vì chúng không nắm được quy luật của chiến tranh nhân dân, do đó không thể đánh giá đúng ngay bản thân lực lượng của chúng, càng không thể lường hết được sức mạnh to lớn của cả một dân tộc đang đứng lên đấu tranh vì độc lập, tự do... Và trong chiến tranh, đã không nắm được quy luật thì tất nhiên không tránh được những quyết định chủ quan, dẫn đến sai lầm về chiến lược. Thất bại là tất yếu".
Về sự chỉ đạo chiến lược của Đảng, tác giả viết: "Cái tinh túy nhất và cũng là nét đặc sắc nhất của sự chỉ đạo chiến lược đó là luôn luôn chủ động, luôn luôn tiến công, giành lấy quyền chủ động, giữ vững và phát triển quyền chủ động. Nắm vững quyền chủ động là biểu hiện cao nhất của tư tưởng chiến lược tiến công. Phải nắm vững quyền chủ động trong mọi tình huống, chủ động trong phản công, chủ động trong tiến công, chủ động cả trong tình huống tạm thời tiến hành phòng ngự. Có nắm được quyền chủ động mới buộc được địch hành động theo ý định của ta, mới có thể tạo nên thời cơ mới để tiến công tiêu diệt địch, mới có thể liên tục tiến công quân địch".
Về bí quyết thắng lợi, tác giả viết: "Bí quyết thắng lợi lớn nhất của dân tộc ta, của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm là đường lối đúng đắn, độc lập tự chủ và sáng tạo của Đảng ta, là sự kết hợp hữu cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng với tinh thần quyết chiến và trí thông minh sáng tạo của quân và dân cả nước, giữa tinh thần cách mạng tiến công triệt để của giai cấp công nhân với truyền thống đoàn kết đấu tranh bất khuất của dân tộc, là sự phát triển ngày càng hoàn chỉnh của khoa học và nghệ thuật quân sự đánh giặc, cứu nước của nhân dân ta, là sự kết hợp chặt chẽ giữa sức mạnh của cả dân tộc được tổ chức lại ở trình độ ngày càng cao với sức mạnh to lớn của thời đại mới, tạo nên sức mạnh tổng hợp áp đảo, đánh thắng mọi kẻ thù, giành lại độc lập và tự do cho Tổ quốc".
Năm 1989, nhân dịp kỷ niệm 35 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tác giả viết bài Quyết định khó khăn nhất đăng trên báo Nhân Dân Chủ nhật, nói về sự thay đổi phương châm tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua bài viết, người đọc thấy rõ tinh thần thận trọng và kiên quyết, phong cách, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm cao của người chỉ huy, cách xử lý mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm thắng lợi của chiến dịch, bảo đảm thực hiện lời dặn của Bác Hồ: “Trận này quan trọng. Phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh; không chắc thắng, không đánh”.
Tác giả nhận định: việc thay đổi phương châm tác chiến là “một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”. Chúng ta đều hiểu quyết định này có tầm quan trọng đặc biệt trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài viết có những trang sinh động về cuộc họp của Bộ Chính trị, cuộc hành quân ra tiền tuyến, buổi gặp một số nhà văn, nhà báo nước ngoài, cuộc họp Đảng ủy mặt trận, v.v.. Bài viết là một hồi ký đặc sắc, có nội dung quân sự và chính trị sâu sắc, có tính văn học cao, được đông đảo bạn đọc hoan nghênh.
Năm 1994, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tác giả viết bài Điện Biên Phủ - 40 năm sau nhìn lại. Từ đỉnh cao thắng lợi ngày nay, nhìn lại cuộc kháng chiến chống Pháp, cuộc kháng chiến chống Mỹ, những thành tựu và những thiếu sót của công cuộc xây dựng đất nước, tác giả nói lên những suy nghĩ của mình về những giá trị tinh thần và kinh nghiệm thực tiễn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo đường lối đổi mới của Đảng.
Năm 1999, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong bài Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu - trả lời phỏng vấn của Tạp chí Cộng sản, tác giả đã kể về những ký ức và kỷ niệm sâu sắc của mình với Bác Hồ kính yêu và Bộ Chính trị; phân tích ý nghĩa và tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc Việt Nam và quốc tế.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tác giả viết bài Tinh thần Điện Biên Phủ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta, tham gia Hội thảo quốc gia Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và công cuộc đổi mới, phát triển đất nước do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tổ chức, ngày 7-3-2004...
Năm 2004, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, được sự đồng ý của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi sưu tầm và tập hợp trong cuốn sách này những bài viết của Đại tướng về Điện Biên Phủ.
Với tinh thần của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao truyền thống "quyết chiến quyết thắng", phát huy những bài học thắng lợi của Điện Biên Phủ, làm nên những Điện Biên Phủ mới trong công cuộc đổi mới hiện nay, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần kiệm xây dựng nước nhà, xóa bỏ nghèo nàn và lạc hậu, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhân kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày quốc phòng toàn dân năm nay, tiến tới kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Điện Biên Phủ, như một sự tri ân, một nén hương tưởng niệm Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp - nguyên Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa từ trần.
Để bạn đọc tiện theo dõi, sau khi cân nhắc thận trọng, được sự đồng ý của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng tôi sắp xếp cuốn sách thành bốn phần theo trật tự sau:
- Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Điện Biên Phủ
- Các bài viết về Điện Biên Phủ
- Phụ lục
Đây có thể xem là cuốn sách tập hợp tương đối đầy đủ các công trình, các bài viết của Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp về Điện Biên Phủ.