Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế
Thừa Thiên Huế là quê hương, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu, cũng là nơi đã nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần, ý chí cách mạng của đồng chí. Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế đồng thời để lại đã để lại những tình cảm sâu đậm về một vị tướng tài đức vẹn toàn, vị Chủ tịch nước gần gũi, giản dị và thân thương.
Đối với quê hương Thừa Thiên Huế, đồng chí Lê Đức Anh luôn dành thời gian và tình cảm đặc biệt. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí nhiều lần trở lại Thừa Thiên Huế và gợi mở giúp quê hương khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội; gợi ý cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế xin phép Chính phủ xây dựng Cảng Chân Mây để phục vụ song song hai nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng. Trong những năm 2004 - 2007, Đồng chí đã nhiều lần cùng với cán bộ, ban, ngành Trung ương về làm việc với lãnh đạo tỉnh và đặc biệt quan tâm đề xuất để tỉnh triển khai thực hiện các đề án lớn như: Đề án công trình thủy lợi hồ Tả Trạch; Đề án nâng cấp thành phố Huế từ đô thị loại 2 lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh; Đề án nâng cấp sân bay Phú Bài. Đồng chí luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải không ngừng chăm lo cho đời sống, học tập và lao động sản xuất của nhân dân, đồng bào, chiến sĩ; phải đoàn kết, đồng lòng tích cực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh. Với niềm tự hào và kính trọng đồng chí Lê Đức Anh, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên Huế luôn khắc ghi sâu sắc những lời căn dặn của Chủ tịch nước, Đại tướng; nêu cao ý chí, lòng kiên trung cách mạng, đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh (01/12/1920 - 01/12/2020), sáng 30/11/2020, tại thành phố Huế, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”. Hội thảo nhằm góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương đồng chí Lê Đức Anh và các đồng chí lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng, cách mạng Việt Nam, ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn “Đồng chí Lê Đức Anh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”. Cuốn sách tập hợp các bài phát biểu, bài viết tham dự Hội thảo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng; Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị; các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội; lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và những người đã từng tiếp xúc, làm việc với Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Nội dung cuốn sách được chia làm ba phần:
Phần thứ nhất: Những vấn đề chung, gồm phát biểu khai mạc Hội thảo của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Phát biểu chào mừng của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo cáo đề dẫn của lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam và các bài viết của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung và một số bài viết của các tướng lĩnh cấp cao, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, của các nhà khoa học là lãnh đạo các viện nghiên cứu: Viện Sử học Việt Nam, Viện Lịch sử Đảng, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam…
Trong phần này, nội dung các bài viết, bài phát biểu đều thống nhất với phân tích, nhận định, đánh giá Đại tướng – Chủ tịch nước Lê Đức Anh là vị tướng tài ba, bản lĩnh, dày dạn trận mạc, có tầm nhìn chiến lược, có chiến thuật tài tình và xử lý linh hoạt trong mọi tình huống; luôn có mặt trên các chiến trường trọng yếu nhất, trong những thời điểm khó khăn nhất với nhiều trận đánh mang tính lịch sử, tạo ra những bước ngoặt lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đồng chí luôn quyết đoán, mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng và Nhà nước, luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết. Những suy nghĩ và hành động của đồng chí luôn thể hiện sự trăn trở, trách nhiệm của một vị tướng, một nhà lãnh đạo đối với đất nước, quân đội và dân tộc.
Phần thứ hai: Đồng chí Lê Đức Anh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là phần trọng tâm của cuốn sách, tập hợp các bài viết của các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, chỉ huy các tổng cục, các quân khu, quân đoàn, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về lịch sử chiến tranh, lịch sử quân sự, lịch sử kháng chiến của dân tộc ta… Nội dung phần này phản ánh khá đầy đủ, toàn diện về cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến cảnh lầm than của người dân dưới ách đô hộ của thực dân, phong kiến; đồng chí Lê Đức Anh đã sớm giác ngộ cách mạng và hăng hái tham gia hoạt động phong trào ở địa phương. Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều vị trí quan trọng: Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn; Quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ; Tư lệnh Quân khu 9; Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001. Là vị lãnh đạo tài ba, quyết đoán và dũng cảm, đồng chí Lê Đức Anh đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945; cùng với các đồng chí trong Quân ủy, Bộ Tư lệnh miền, hoạch định và tổ chức thực hiện thành công nhiều kế hoạch tác chiến chiến lược, như: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Cuộc tiến công chiến lược năm 1972; Cuộc Tổng tiến công chiến lược năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, đồng chí Lê Đức Anh đã trực tiếp chỉ huy chiến trường và giành nhiều thắng lợi quan trọng, góp phần bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, cứu nguy dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng và hồi sinh đất nước. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1974, đồng chí Lê Đức Anh được Chủ tịch nước ký quyết định phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Năm 1980, đồng chí được thăng quân hàm từ Trung tướng lên Thượng tướng và lên Đại tướng vào năm 1984. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với vai trò Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí đã cùng Quân ủy Trung ương tham mưu cho Đảng, Nhà nước vận dụng đúng đắn đường lối chính trị, quân sự của Đảng, từng bước xây dựng kế sách giữ nước một cách toàn diện, củng cố nền quốc phòng toàn dân; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh toàn diện. Trên cương vị Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh đã có nhiều quyết sách quan trọng trong công tác đối nội, đối ngoại; góp phần đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh được giữ vững và củng cố. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam viết: Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng trận mạc, một nhà chỉ huy xuất sắc, vị tướng mà bộ quân phục thấm đẫm khói lửa chiến tranh. Ông đã từng chỉ huy bộ đội tham gia những trận đánh, những chiến dịch quan trọng, những sự kiện mang tính bước ngoặt của chiến tranh. Đồng thời, là người trực tiếp thị sát, chỉ đạo và có những đóng góp quan trọng trong hoạch định tổ chức xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Phần thứ ba: Đồng chí Lê Đức Anh với quê hương Thừa Thiên Huế gồm một số bài viết của các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế và Bí thư huyện ủy Phú Lộc; cuối cùng là bài viết của đồng chí Lê Mạnh Hà, con trai của Đại tướng Lê Đức Anh. Thông qua các bài viết ở phần này, độc giả có thể cảm nhận được sự sâu sắc của những trang viết đầy sức lay động về tình yêu quê hương, gia đình, dòng họ của Đại tướng; những tình cảm sâu nặng, lòng nhân ái của ông với quê hương và của quê hương với người con ưu tú của mình.
Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng đã được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đảm bảo tính khoa học, vừa khẳng định những cống hiến xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, vừa thể hiện lòng kính trọng và sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng và nhân dân ta đối với Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Nội dung cuốn sách cũng làm phong phú, sâu sắc thêm những thông tin về cuộc đời, sự nghiệp, tôn vinh những cống hiến to lớn của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân ta và của quê hương Thừa Thiên Huế; đồng thời góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, bồi đắp những giá trị đạo đức, lòng yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023