Đưa sách đến gần hơn với người dân ở nông thôn
Cải tạo, tích hợp không gian văn hóa đọc cộng đồng trong nhà văn hóa là hoạt động phát triển văn hóa đọc bền vững vùng nông thôn.
Tám năm qua, từ khi có Ngày sách Việt Nam, nay là Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, nhiều hoạt động khuyến đọc đã được thực hiện. Tại một số thành phố, mô hình đường sách trở nên ưu việt khi kết hợp bán sách với tạo dựng không gian văn hóa. Ở các địa phương khác, thư viện và các không gian đọc được hình thành.
Sáng 25/02/2022, nhà văn hóa và không gian văn hóa đọc cộng đồng đã ra mắt tại thôn Như Lân, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Đây là điểm đầu tiên của dự án “Phát triển không gian văn hóa đọc cộng đồng”.
Từ trái qua: Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Trần Thanh Lâm - Phó ban Tuyên giáo Trung ương, bà Nguyễn Kim Thoa tại lễ ra mắt không gian văn hóa đọc. Ảnh: Dương Triều.
Phát triển văn hóa đọc vùng nông thôn
Từ không gian cũ, sau hơn một tháng cải tạo, nhà văn hóa thôn Như Lân có thêm nhiều đầu sách, trở thành một không gian văn hóa đọc cộng đồng. 6.000 đầu sách được đưa tới sắp xếp trên các kệ theo từng chủ đề, thuận tiện người đọc tìm kiếm. Sách được chia theo các chủ đề: Sách chính trị - pháp luật, sách lịch sử - văn hóa, danh nhân - doanh nhân, phát triển bản thân, nuôi dạy con, y học phổ thông, văn học. Khu vực sách cho thiếu nhi được quan tâm với diện tích rộng, cập nhật nhiều đầu sách hay về văn chương, kiến thức cho các em nhỏ. Không gian được cải tạo từ ý tưởng, thực hiện bởi bà Nguyễn Kim Thoa - CEO Tân Việt - cùng các mạnh thường quân chung tay xây dựng. Một số người dân, nhất là học sinh ở thôn Như Lân đã được sử dụng không gian đọc tại nhà văn hóa.
Em Lương Bảo Khánh thể hiện sự ngạc nhiên khi có một nhà sách để đọc. Em Nguyễn Phương Linh, thôn Như Lân, cho biết: “Trước kia, con mơ ước có một nhà sách ở đây. Con không ngờ nhà sách có thật và gần nhà”. Cùng cảm nhận trên, em Lương Bảo Quốc cho biết, trước đây thường hay đi mượn sách của bạn bè, còn bây giờ có nhiều sách trong nhà văn hóa nên rất tiện cho Quốc và bạn bè cùng trang lứa.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Hưng Nguyễn Đức Hồng thông tin, trước đây, nhà văn hóa thôn là nơi để hội họp, được xây dựng từ 60 năm trước, nay đã xuống cấp. “Gần đây, nhà văn hóa được đầu tư cải tạo, xây dựng và đặt nhiều đầu sách. Đó là điều mà chúng tôi rất trân trọng”, ông Hồng cho biết. Ông Nguyễn Bảo Toàn, Trưởng thôn Như Lân chia sẻ, việc cải tạo nhà văn hóa, xây dựng không gian văn hóa đọc là việc làm ý nghĩa với người dân làng Như Lân.
Phát triển văn hóa đọc từ cơ sở
Bà Nguyễn Kim Thoa - người khởi xướng không gian văn hóa đọc cộng đồng tại nhà văn hóa thôn Như Lân - nói về ý tưởng khuyến đọc ở các địa phương. Vốn sinh ra tại vùng nông thôn, cho đến lớp 12, bà Thoa chưa đọc cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa. Sau này, khi được tiếp cận thế giới sách, bà Thoa luyến tiếc vì 18 năm đầu đời không được đọc sách. Quá trình đó rất quan trọng với sự phát triển của con người.
Học sinh thôn Như Lân đọc sách trong không gian văn hóa. Ảnh: Tân Việt.
“Khi đọc, sách vở nâng ý tưởng, tâm hồn, tôi học được kiến thức, sự mạnh mẽ từ sách vở. Từ đó, tôi chọn đưa sách đến địa phương, nhất là vùng nông thôn - nơi khó tiếp cận với sách hơn ở thành phố”, bà Thoa chia sẻ.
Theo bà Thoa, các nhà văn hóa được Nhà nước đầu tư xây dựng, nhưng chưa được sử dụng thường xuyên. Bởi vậy, bà muốn cải tạo không gian văn hóa trở nên tốt hơn, đưa sách vào, bởi sách cũng là một yếu tố của văn hóa. Bên cạnh đó, bà Thoa cũng muốn có những hoạt động để người dân thích đọc, muốn đọc.
Đây là dự án kêu gọi nguồn xã hội hóa, các tổ chức, doanh nghiệp muốn phát triển văn hóa đọc cùng chung tay để phát triển dự án. 300 không gian văn hóa đọc tại địa phương là mục tiêu của những người thực hiện dự án.
“Chúng tôi muốn gieo hạt giống tri thức, để sau một thời gian hy vọng những hạt giống ấy sẽ nảy mầm”, bà Thoa thông tin. Bà đề nghị Ủy ban nhân dân xã tổ chức ban chuyên môn để vận động người dân đọc sách.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông gửi lời cảm ơn những người tham gia dự án đã có mô hình đầu tay thiết thực, đóng góp vào phát triển văn hóa đọc cộng đồng. Việc làm này gắn với phát triển văn hóa đọc từ cơ sở. Ông Nguyễn Ngọc Bảo thay mặt Hội Xuất bản Việt Nam tặng 500 đầu sách tới không gian đọc.
“Chúng tôi mong muốn phát triển văn hóa đọc cộng đồng từ cơ sở. Đây là gốc để phát triển văn hóa đọc cộng đồng bền vững. Tôi hy vọng mô hình sẽ được ngành nhân rộng”, ông Bảo cho biết.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là người có nhiều năm tham gia hoạt động khuyến đọc. Bà đánh giá cao mô hình không gian văn hóa đọc đặt tại nhà văn hóa, điều đó phù hợp việc đưa sách đến gần hơn với người dân.
Bà Ngà cho rằng, đây là một khởi đầu tốt đẹp. Để phát huy được không gian, bà Ngà đề nghị, cần sự chung tay của hệ thống thư viện, giáo dục tỉnh Hưng Yên.
Theo Zing
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023