Tác giả: Hữu Thọ
Số trang: 228 trang
Giá tiền: 40.000đ
Trong một bài phỏng vấn, khi có phóng viên ví nhà báo Hữu Thọ, lúc đó trên cương vị là Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, như một cảnh sát báo chí, lúc bật đèn xanh, lúc bật đèn đỏ, nhà báo Hữu Thọ đã trả lời: “ở ngã ba, ngã tư đông người thì phải có đèn xanh, đèn đỏ và cả đèn vàng nữa chứ. Cũng là vì lợi ích của người đi đường, của kỷ cương xã hội. Có đèn thì đường phố trật tự, người đi đường đi nhanh hơn…”. Và điều này được ông khẳng định trong một bài viết của mình, “Đúng là làm nghề quản lý báo chí, tham gia chỉ đạo công tác văn hóa, tư tưởng là phải có các thứ đèn trong tay. Chỉ khác là với công nghiệp hiện đại, bật đèn không cần có người vì có dụng cụ hẹn giờ, còn ở đây là phải có người, phân rõ đúng sai, với bản lĩnh vững vàng nhưng với lòng bao dung, đồng cảm”.
Cuốn sách “Đèn xanh, đèn đỏ” của nhà báo Hữu Thọ thay lời tự sự của ông về nghề làm báo và quản lý báo chí.
Là một nghề rất vinh quang, tuy nhiên nghề làm báo lại hết sức vất vả và nhiều thử thách. Với hơn nửa thế kỷ làm nghề, nhà báo Hữu Thọ đã đúc rút được nhiều bài học cho các thế hệ nhà báo sau này như: “Không đổi mới thì không giữ vững được ngọn cờ báo chí”, “Sáng tạo, phát triển mới có thể kiên định”, “ Kiên trì đối thoại, hướng về cơ sở”, “Không giữ được bản sắc dân tộc thì không thể giao lưu bình đẳng”, “Nghe được nhiều sẽ hiểu thêm”… Người làm báo phải luôn trau dồi kiến thức, bản lĩnh nghề nghiệp mới có thể làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình.
Với 18 bài viết, tác giả đã mang đến cho bạn đọc tình yêu đối với nghề làm báo. Một nghề mà theo ông phải xuất phát từ cái đầu và trái tim, phải tin và yêu mới có thể viết hay được.