Tác giả: TS. Phạm Thanh Hà
Số trang: 200 trang
Giá tiền: 39.000đ
Bản sắc dân tộc là tổng thể những phẩm chất, đặc điểm, tính cách, cách thức để tồn tại và biểu hiện của một cộng đồng xã hội - dân tộc cụ thể, riêng biệt mà nhờ đó người ta có thể phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Đối với nước ta, bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp nên qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Những đặc điểm tích cực trong bản sắc dân tộc Việt Nam là: lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng nghĩa tình, … Tất cả đã kết tinh thành sức mạnh và in đậm dấu ấn độc đáo của cộng đồng các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam. Ngày nay, vấn đề bản sắc dân tộc và việc giữ gìn bản sắc dân tộc là mối quan tâm của nhiều quốc gia trong bối cảnh toàn cầu. Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã mở rộng quan hệ, giao lưu, hợp tác quốc tế. Tuy nhiên trong quá trình mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế sẽ không tránh khỏi sự va chạm, thậm chí là đụng độ giữa các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc với các giá trị bên ngoài. Vấn đề đặt ra là làm sao để chúng ta có thể vừa bảo tồn, giữ gìn, phát huy được các giá trị đạo đức truyền thống và vừa tiếp thu được những giá trị tích cực của nhân loại, làm cho bản sắc dân tộc thực sự trở thành nguồn động lực nội sinh thúc đẩy phát triển trong xu thế toàn cầu hóa? Tất cả những điều này sẽ được phân tích cụ thể trong cuốn Giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay của TS. Phạm Thanh Hà.
Tác giả đã phân tích cơ sở hình thành, những đặc điểm và nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh toàn cầu hóa và những tác động hai mặt của toàn cầu hóa, tác giả đã đề ra những định hướng và giải pháp chủ yếu nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt Nam, phát triển lành mạnh con người, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.
Thực tế cho thấy việc nghiên cứu bản sắc dân tộc Việt Nam không chỉ nhằm xác định sự giống nhau và sự khác biệt giữa dân tộc ta với dân tộc khác mà quan trọng hơn là nhằm xây dựng niềm tự hào, khơi dậy nguồn sức mạnh nội sinh thúc đẩy đất nước phát triển. Theo tác giả, giữ gìn bản sắc dân tộc không có nghĩa là giữ lại tất cả những gì của quá khứ, mà phải giữ gìn một cách hợp lý. Chúng ta phải chủ động hội nhập trên cơ sở lựa chọn cái tốt đẹp của dân tộc mình và dân tộc khác, đồng thời phải mạnh dạn vứt bỏ cái lạc hậu, cái không phù hợp. Ở phần cuối cuốn sách, tác giả nhấn mạnh, muốn giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam thì việc giữ gìn phải được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và cần có sự quan tâm của mọi cấp, ngành, địa phương.
Cuốn sách được chia thành 3 chương: Chương I: Bản sắc dân tộc Việt Nam và vai trò của việc giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam. Chương II: Toàn cầu hóa và tác động của toàn cầu hóa đến bản sắc dân tộc Việt Nam. Chương III: Định hướng cơ bản và một số giải pháp nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.