Giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2024

Ngày đăng: 31/07/2024 - 16:07

Sáng 31/7/2024, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2024. Hội nghị nhằm đánh giá công tác xuất bản 6 tháng đầu năm và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Hội nghị Giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2024

Các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các cơ quan chủ quản nhà xuất bản; Giám đốc, Tổng Biên tập, đại diện lãnh đạo các nhà xuất bản; phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và thành phố Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật dự Hội nghị.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp chặt chẽ, chủ động trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản; thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối trong chỉ đạo, định hướng chính trị, tư tưởng, nội dung xuất bản phẩm; bảo đảm việc chỉ đạo, định hướng thống nhất, kịp thời và thuyết phục.

Đồng chí Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày Báo cáo đánh giá hoạt động xuất bản 6 tháng đầu năm 2024

Đánh giá chung về hoạt động xuất bản và nội dung xuất bản phẩm, đồng chí Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 25.510 cuốn với gần 397,8 triệu bản (tăng gần 19% về cuốn và tăng 31% về bản). Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 23.066 cuốn với hơn 370 triệu bản (tăng 20% về cuốn và tăng hơn 29% về bản); xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.550 xuất bản phẩm (tăng 1,4%); xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 894 xuất bản phẩm với hơn 27,2 triệu bản (tăng 29% về số xuất bản phẩm và tăng gần 63% về bản). Con số tăng trưởng về số đầu sách, bản sách trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới cũng như trong nước cho thấy hoạt động của ngành xuất bản trong 6 tháng đầu năm về cơ bản vẫn duy trì nhịp độ tăng ổn định, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.

Công tác xuất bản trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả nổi bật: Thứ nhất, xuất bản nhiều ấn phẩm chất lượng, có giá trị lý luận và thực tiễn, phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Thứ hai, xuất bản các ấn phẩm đa dạng về đề tài, chuyên sâu về nội dung, phát huy vai trò định hướng giáo dục, thẩm mỹ cho bạn đọc; Thứ ba, tăng cường khai thác bản quyền, xuất bản các đầu sách dịch, đưa xuất bản phẩm Việt Nam ra quốc tế, phục vụ công tác thông tin đối ngoại của Đảng, Nhà nước; Thứ tư, áp dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa quy trình biên tập và quản lý xuất bản phẩm theo chuẩn quốc tế; Thứ năm, triển khai tích cực các chương trình sách quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất bản vẫn còn một số hạn chế: tình trạng những xuất bản phẩm có chất lượng kém, có những nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức phải xử lý; tình trạng buông lỏng hoạt động liên kết làm giảm vai trò, uy tín, thương hiệu nhà xuất bản. Tình trạng thiếu hụt nguồn cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản vẫn còn diễn ra, thậm chí có nơi để tình trạng này kéo dài đến mức cơ quan quản lý phải có văn bản nhắc nhở. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan quản lý nhà nước đã xử lý 10 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung với mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, so với quy mô nhập khẩu sách, dòng chảy xuất khẩu sách còn rất nhỏ bé, khiêm tốn; thiếu một chiến lược đầu tư dịch thuật, quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài.

Đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo đánh giá công tác quản lý nhà nước 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, việc triển khai thực hiện Quy định số 100-QĐ/TW, ngày 28/2/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản; Hướng dẫn 115-HD/BTGTW, ngày 15/9/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai thực hiện Quy định 100-QĐ/TW, quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện, hiệp y bổ nhiệm lãnh đạo nhà xuất bản được thực hiện đúng quy định; công tác đào tạo, quy hoạch lãnh đạo nhà xuất bản được quan tâm, chú trọng và đi vào nền nếp; công tác tổng kết thi hành các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật về xuất bản được quan tâm. Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành kế hoạch tổng thể, kèm đề cương chi tiết; kế hoạch khảo sát tiến hành đánh giá, tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản để kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền những chủ trương, quan điểm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.

Tại Hội nghị, lãnh đạo một số nhà xuất bản đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương hướng nhằm đưa công tác xuất bản ngày càng phát triển hơn trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành xuất bản đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024. Đồng chí nêu bật 05 nội dung cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, tập trung đánh giá, tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản để kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản mới thay thế, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản trong tình hình mới. Bên cạnh đó, các nhà xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tập trung triển khai kế hoạch, đề tài, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; sáng tạo, đổi mới các hình thức xuất bản phẩm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ để phục vụ tuyên truyền Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; tích cực triển khai các chương trình sách quốc gia, nhất là việc tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII theo hướng nâng tầm vị thế, uy tín của Giải theo chức năng, nhiệm vụ. Tạo ra các liên kết quốc tế để mở rộng thị trường xuất bản và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Đồng chí Phan Xuân Thủy yêu cầu: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tiếp tục tăng cường phối hợp trong lãnh đạo, quản lý hoạt động xuất bản, nhất là trong triển khai thực hiện Quy định 100-QĐ/TW, Hướng dẫn 115 hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản; quản lý nội dung xuất bản phẩm, hoàn thiện hệ thống pháp luật chuyên ngành; xây dựng, triển khai chiến lược phát triển nhà xuất bản, chiến lược chuyển đổi số xuất bản; hoàn thiện đề án Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; phối hợp tổ chức thật tốt Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả