Giới thiệu, ra mắt cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế

Ngày đăng: 14/02/2024 - 13:02

Nhân dịp kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng tới chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ, sáng 14/02/2024, tại Phố sách Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức buổi Giới thiệu, ra mắt sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế”. Đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chủ trì buổi Giới thiệu, ra mắt sách.

Quang cảnh buổi giới thiệu, ra mắt sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế

Dự buổi Giới thiệu, ra mắt sách có: Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đại diện lãnh đạo một số cơ quan Trung ương; lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và một số đơn vị trực thuộc; các thành viên Câu lạc bộ Trái tim người lính, Quỹ mãi mãi tuổi 20, đông đảo bạn đọc yêu sách và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

Cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế trưng bày tại buổi Giới thiệu, ra mắt

Cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, phát hành. Cuốn sách sưu tầm, tập hợp, giới thiệu tới bạn đọc những lá thư thời chiến được tuyển chọn từ hàng nghìn lá thư hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, góp phần khắc họa, tôn vinh những phẩm chất nhân cách, sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Những lá thư thể hiện tâm tư của những đôi lứa yêu nhau phải tạm chia xa, của những người vợ đợi chồng, những người con nhớ mẹ, những người chị ngóng tin em... Sự ngăn cách giữa hậu phương và tiền tuyến khiến họ đành gửi gắm những yêu thương, vui buồn cuộc sống và động viên nhau qua những lá thư. Mỗi trang thư là mỗi dòng tâm tư, tình cảm; là niềm thương, nỗi nhớ; là sự sẻ chia những vui buồn cuộc sống thường nhật nơi hậu phương và những mất mát nơi tiền tuyến. Những lá thư còn là nguyện ước, tâm tình đong đầy cảm xúc và lý tưởng cao đẹp của các mẹ, các chị về một ngày mai tươi sáng, một niềm tin bất diệt vào ngày chiến thắng non sông. Đó là những minh chứng sâu sắc về tình yêu gia đình, tình yêu lứa đôi hòa quyện với tình yêu quê hương, Tổ quốc, góp phần làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Có thể kể đến những bức thư của Nguyễn Thị Ngọc Toản - y sĩ cứu thương trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, dành cho người yêu là Khánh (sau này là Trung tướng Cao Văn Khánh (1917-1980), nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) được viết trong thời gian từ năm 1954 đến năm 1973. Những lá thư phản ánh câu chuyện về tình yêu, về cuộc sống của hai người chiến sĩ trong giai đoạn cuộc chiến đang diễn ra vô cùng ác liệt, sẽ đưa mỗi chúng ta qua nhiều cung bậc cảm xúc, tựu trung là sự ngưỡng mộ tình yêu của anh chị chưa một lần tách biệt với tình yêu và trách nhiệm với công việc, với Đảng.

Hay như, những bức thư giữa nhạc sĩ Trần Hoàn và vợ. Mặc dù cưới nhau năm 1950 nhưng phải đến sau ngày đất nước thống nhất, gia đình vợ chồng Trần Hoàn - Thanh Hồng mới chính thức được đoàn tụ. Vì vậy, những cánh thư và những trang nhật ký là phương tiện duy nhất lúc đó để họ gửi gắm tình cảm và liên lạc với người bạn đời của mình. Qua mỗi lá thư, dù không trau chuốt về từ ngữ, không sử dụng những câu từ hoa mỹ, nhưng tràn ngập mỗi trang thư là nỗi nhớ gia đình, những lời động viên, an ủi và mong gia đình sẽ được sum họp, đoàn tụ.

Chúng ta thật xúc động khi nhắc đến bức thư của một nữ thanh niên xung phong gửi cho mẹ. Đây là một bức thư đặc biệt, vì đâu ai ngờ rằng chỉ 5 ngày sau, chị và 9 đồng đội của mình đã anh dũng hy sinh. Đó là Bức thư gửi mẹ được chị Võ Thị Tần, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 4, Đại đội 552 Thanh niên xung phong Hà Tĩnh viết ngày 19/7/1968, là thời điểm địch đánh phá ác liệt nhất tại Ngã ba Đồng Lộc, có ngày chúng trút xuống đây gần 1.000 quả bom các loại và lá thư được viết vội ngay tại chiến trường, trong điều kiện thiếu thốn, không có thời gian và giấy viết để viết nháp, trau chuốt từng câu chữ. Đã gần nửa thế kỷ từ ngày “Bắc - Nam sum họp một nhà” nhưng bất kỳ ai khi đọc được bức thư này cũng rưng rưng xúc động và tự hào về những cô gái “Mãi mãi tuổi 20”. Dù trong đau thương, mất mát, cận kề giữa sự sống và cái chết, nhưng tinh thần lạc quan, lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ vẫn còn sống mãi.

Đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu tại buổi giới thiệu, ra mắt cuốn sách

Phát biểu tại buổi Giới thiệu ra mắt sách, đồng chí Nguyễn Thái Bình, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chia sẻ, thời gian càng lùi xa, những vật chứng ấy lại càng trở nên có giá trị, đã trở thành kỷ vật vô giá đối với người ở lại, thành di sản chung của dân tộc. Đồng chí bày tỏ tin tưởng, cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế ra mắt hôm nay sẽ là tư liệu quý giá, cung cấp cho độc giả cái nhìn chân thực nhất về phẩm chất anh hùng của một thế hệ sẵn sàng hy sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp giải phóng đất nước, và để mỗi chúng ta hiểu và trân trọng hơn những giá trị mà lịch sử mang lại cho hòa bình hôm nay. Đồng chí vọng rằng, buổi giới thiệu, ra mắt sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế sẽ khơi dậy ý chí, lý tưởng sống cao đẹp, phát huy tài năng, tính sáng tạo để mỗi người trong chúng ta trở thành một thế hệ công dân hữu ích, mạnh mẽ, năng động, xây dựng đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


Giao lưu giữa độc giả và các diễn giả tại buổi Giới thiệu, ra mắt sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế

Tại buổi giới thiệu, ra mắt sách, các đại biểu và bạn đọc yêu sách đã được giao lưu, trò chuyện với 3 vị diễn giả: Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng và Nhà văn, nhà báo Nguyễn Quang Hưng; đồng thời cập nhật nhiều thông tin xúc động, thú vị về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến nói riêng và những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Giá trị, ý nghĩa và thông điệp của cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế cũng được các diễn giả của chương trình chuyển tải đến với thế hệ hôm nay, đặc biệt là bạn đọc trẻ.

Đại biểu tham dự buổi giới thiệu, ra mắt cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế chụp hình lưu niệm

Với dung lượng gần 400 trang, cả trăm bức thư khắc họa hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ Việt Nam trong thời chiến, cuốn sách Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế giúp thế hệ trẻ hôm nay cảm nhận sâu sắc và hiểu đầy đủ hơn về một thời hoa lửa, về những con người đi qua cuộc chiến, đồng thời tiếp lửa cho thế hệ phụ nữ hôm nay học tập, tiếp bước, noi theo thế hệ những người mẹ, người chị phụ nữ Việt Nam anh hùng trong thời chiến, để trau dồi, rèn luyện bản thân có thêm năng lực, bản lĩnh, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Song song với bản sách giấy truyền thống, bạn đọc có thể đọc bản điện tử cuốn sách trên trang https://sachquocgia.vn.

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả