Với hơn 600 trang sách, nội dung cuốn sách gồm 12 chương, tập trung phân tích một cách toàn diện một số vấn đề lý luận cơ bản sau:
Một là, cuộc gặp gỡ lịch sử tất yếu của Hồ Chí Minh với dân tộc và thời đại là hai yếu tố chủ quan và khách quan bắt gặp nhau, kết hợp với nhau trên con đường cứu nước của Người.
Hai là, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng Hồ Chí Minh, là tổng hợp những quan điểm chiến lược có ý nghĩa chỉ đạo lớn về chính trị và lý luận, về nhận thức và hành động; và cũng là do sự vận dụng thành công lối sáng tạo ấy mà cách mạng Việt Nam đã khẳng định sự sáng ngời của chân lý đó.
Ba là, từ tư tưởng xuyên suốt ấy, cuốn sách mở rộng việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trên các vấn đề chiến lược và sách lược cách mạng, xác định rõ thiên tài chỉ đạo chiến lược và nghệ thuật chỉ đạo sách lược của Hồ Chí Minh và của Đảng ta, là bậc thầy của việc vận dụng và phát triển vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Bốn là, nổi lên trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc - một chiến lược xuyên suốt trong quá trình kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, động viên lực lượng đại đoàn kết toàn dân, kết hợp sức mạnh của dân tộc và sức mạnh quốc tế, hình thành sức mạnh tổng hợp to lớn để đánh thắng kẻ thù dân tộc và chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu.
Năm là, điểm nhấn quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh mà cuốn sách đặc biệt quan tâm là tư tưởng về Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đó là nhà nước mà “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, bao nhiêu “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, một nhà nước “việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.
Sáu là, tư duy mới về Đảng cầm quyền của tư tưởng Hồ Chí Minh được cuốn sách xem như là trung tâm của sự phân tích. Đó là tư duy mới về mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, tư duy mới về xây dựng Đảng ta thành một đảng trí tuệ, một đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Bảy là, điểm mới và cũng là đóng góp của cuốn sách này là đã đi sâu làm rõ tư tưởng triết học Hồ Chí Minh là triết học thực tiễn và nhân sinh, triết học giải phóng và phát triển. Cuốn sách còn làm nổi bật phép biện chứng Hồ Chí Minh được Người tiếp thu từ nhiều nguồn, nhiều hướng, nhiều cơ sở khác nhau, tất cả đều được đặt trong những điều kiện lịch sử cụ thể của cách mạng Việt Nam, được hình thành một cách tự nhiên, hết sức sinh động, đầy sáng tạo, không nhầm lẫn với bất cứ nhân vật lịch sử nào.
Tám là, cuốn sách khẳng định một nhận thức luận Hồ Chí Minh. Điểm nhấn mạnh của nhận thức luận Hồ Chí Minh là quá trình thực tiễn hóa lý luận và lý luận hóa thực tiễn. Đưa lý luận vào cuộc sống, kiểm nghiệm lý luận trong thực tiễn, là quá trình hiện thực hóa vai trò lý luận đối với hoạt động thực tiễn. Gắn lý luận với thực tiễn, lý luận liên hệ với thực tiễn, học đi đôi với hành, đó là quá trình thực tiễn hóa lý luận, là điểm nổi bật của nhận thức luận Hồ Chí Minh mà cuốn sách đi sâu phân tích làm sáng tỏ.
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh khá công phu của Giáo sư Trần Nhâm, góp phần luận giải và làm sáng tỏ hệ thống những vấn đề lý luận phong phú, sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh.