Hội nghị cơ quan chủ quản nhà xuất bản 2015
Sáng ngày 8-1-2016, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản nhà xuất bản năm 2015.
Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tổng kết Hội nghị.
Đến dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đỗ Quý Doãn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, các ban, bộ, ngành ở Trung ương, cơ quản chủ quản 63 Nhà xuất bản và lãnh đạo các nhà xuất bản trên các toàn quốc.
Đồng chí Đỗ Quang Dũng, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập, đại diện lãnh đạo Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật tham dự Hội nghị.
Đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, đồng chí Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo tóm tắt đánh giá hoạt động xuất bản và công tác chủ quản của các nhà xuất bản năm 2015; phân tích làm rõ ưu điểm, kết quả, hạn chế yếu kém và các vấn đề cần quan tâm trong hoạt động xuất bản trong công tác chủ quản các nhà xuất bản, làm rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp khắc phục. Tính đến ngày 31-12-2015, các nhà xuất bản trong cả nước đã đăng ký 75.531 cuốn; Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận đăng ký xuất bản là 73.597 cuốn; tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu cho cơ quan quản lý nhà nước là 29.120 cuốn với 363,012 triệu bản in. Có thể thấy, về cơ bản, ngành Xuất bản, In và Phát hành vẫn duy trì được tốc độ và tăng trưởng về số cuốn và số bản, so với năm 2014. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng xuất bản phẩm khi phát hành vẫn còn có lỗi nội dung vẫn tồn tại. Năm 2015, Cục đã xử lý 323 xuất bản phẩm vi phạm của các nhà xuất bản, trong đó có 128 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung. Các lỗi nội dung thường gặp trong xuất bản phẩm năm 2015 về cơ bản vẫn là: sai sót về sự kiện, thời gian, nhân vật lịch sử; nội dung phiến diện, dung tục, phản cảm, thể hiện không đúng, không đầy đủ chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia,… Một số nhà xuất bản hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả, thu nhập thấp, đời sống cán bộ công nhân viên gặp nhiều khó khăn. Một số cơ quan chủ quản còn chưa đảm bảo các điều kiện hoạt động của nhà xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản; một số cơ quan chủ quản còn chưa sát sao trong công tác chỉ đạo, giám sát hoạt động của nhà xuất bản, dẫn đến việc nhà xuất bản liên tiếp có xuất bản phẩm sai phạm, bị xử lý; một số cơ quan chủ quản còn chưa phối hợp kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các yêu cầu về thẩm định nội dung xuất bản phẩm hoặc trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ cho hoạt động của nhà xuất bản.
Đồng chí Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In, Phát hành trình bày Báo cáo công tác xuất bản năm 2015.
Thực hiện Luật Xuất bản 2012 về vai trò, trách nhiệm, tiêu chuẩn của biên tập viên, tổng biên tập, giám đốc nhà xuất bản, năm 2015, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức được 11 lớp “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản và nghiệp vụ biên tập” cho 1.144 học viên là lãnh đạo, biên tập viên các nhà xuất bản trong cả nước, cấp chứng chỉ hành nghề biên tập cho 970 học viên.
Đồng chí Nguyễn An Tiêm, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày Báo cáo công tác chủ quản xuất bản năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ năm 2016.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn An Tiêm, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo về công tác chủ quản nhà xuất bản năm 2015. Báo cáo khẳng định, việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của các cơ quan chủ quản đã dần đi vào nền nếp; nhiều cơ quan chủ quản đã tổ chức tốt công tác định hướng kế hoạch xuất bản ngay từ đầu năm, thường xuyên theo dõi, chỉ đạo, định hướng thông tin cho các nhà xuất bản. Theo đó, hầu hết các nhà xuất bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, thể hiện qua việc xuất bản kịp thời được nhiều bộ sách hay, có giá trị, phục vụ tốt công tác tuyên truyền của năm có nhiều sự kiện trọng đại, lễ kỷ niệm lớn như bộ sách 22 đầu sách gồm các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật; sách kỷ niệm 61 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của Nxb. Kim Đồng; sách kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Nxb. Quân đội Nhân dân, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh,… Bên cạnh đó, công tác quản lý, chỉ đạo của cơ quan chủ quản đối với nhà xuất bản trực thuộc cũng như công tác phối kết hợp giữa cơ quan chủ quản nhà xuất bản và cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế còn tồn tại. Một số cơ quan chủ quản nhà xuất bản còn thiếu quan tâm, chỉ đạo, định hướng nên vẫn còn tình trạng xuất bản phẩm có “sạn” về nội dung mà vẫn được phát hành; công tác đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động cho nhà xuất bản chưa được chú trọng, dẫn đến tình trạng: chỉ có 24/63 nhà xuất bản (38,1%) bảo đảm đủ điều kiện hoạt động theo quy định của Luật Xuất bản về vốn, trụ sở, nhân lực. Trong số các nhà xuất bản chưa bảo đảm đủ điều kiện hoạt động có: 36 nhà xuất bản (57%) thiếu nguồn tài chính để hoạt động; 9 nhà xuất bản (14%) không bảo đảm đủ nguồn nhân lực, thiếu chức danh lãnh đạo, biên tập viên cơ hữu; 3 nhà xuất bản (4%) thiếu diện tích làm trụ sở (dưới 200m2).
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận, phát biểu ý kiến để khắc phục những hạn chế còn tồn tại; đề xuất các giải pháp thực hiện nhiệm vụ chung của toàn ngành trong năm 2016.
Quang cảnh Hội nghị.
Phát biểu Tổng kết Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã biểu dương các thành tích, nỗ lực mà toàn ngành xuất bản Việt Nam đã đạt được trong năm vừa qua, khẳng định tầm quan trọng của cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong việc chỉ đạo, định hướng công tác xuất bản và các công tác khác. Đồng chí cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại của nhà xuất bản cũng như cơ quan chủ quản nhà xuất bản. Trên cơ sở đó, đồng chí chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan chủ quản nhà xuất bản trong năm 2016, như: (1) Tập trung chỉ đạo thường xuyên, liên tục để các nhà xuất bản hoàn thành nhiệm vụ chính trị theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; tập trung tháo gỡ các khó khăn về điều kiện hoạt động của nhà xuất bản theo Luật Xuất bản và các văn bản pháp lý có liên quan; (2) Tăng cường phối hợp, nắm bắt thông tin, định hướng cho các nhà xuất bản xây dựng kế hoạch xuất bản sát với nhiệm vụ chính trị; (3) Quan tâm đầu tư, bổ sung, tăng cường cơ sở vật chất cho nhà xuất bản, vận dụng linh hoạt để tạo nguồn vốn cho nhà xuất bản hoạt động; (4) Quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ biên tập, tạo điều kiện để nhà xuất bản khắc phục tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực; (5) Cơ quan chủ quản tích cực nghiên cứu, phối hợp với cơ quan quản lý, tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách phù hợp để thực hiện quy hoạch phát triển ngành xuất bản, in, phát hành đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.
Tin và ảnh: Thúy Lan
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023