Hội thảo xuất bản và phát hành sách điện tử
Ngày 15 tháng 12, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin Truyền thông) tổ chức Hội thảo xuất bản và phát hành sách điện tử.
Đề cập đến vai trò của sách giáo khoa điện tử trong giáo dục, GS. TS. Vũ Văn Hùng, Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho rằng, công nghệ thông tin ngày nay đã thâm nhập, làm thay đổi căn bản nội dung, công cụ, phương pháp, hình thức và hiệu quả lao động. Đối với giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin đang làm thay đổi sâu sắc nội dung, phương pháp hình thức dạy học và quản lý giáo dục. Việc ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo tất yếu hướng tới việc hình thành mô hình “sách giáo khoa điện tử”.
GS.TS. Vũ Văn Hùng phân tích, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông thì cuốn sách giáo khoa truyền thống với nội dung tĩnh và tuyến tĩnh sẽ có thể không còn phù hợp với người đọc trong thời đại công nghệ số. Một cuốn sách giáo khoa của thế kỷ XXI phải sống, hoạt động, kiến tạo, sáng tạo những tri thức của người học, của giáo viên và của cộng đồng. Sách giáo khoa điện tử với hình thức hấp dẫn và đa dạng như: máy tính, lap top hay smart phone... sẽ làm giờ học trên lớp không còn đơn điệu với phấn trắng bảng đen và những dãy bàn xếp thẳng tắp, mà là một kho thư viện số hóa khổng lồ với các bài giảng đa phương tiện, bách khoa toàn thư số và các đoạn tư liệu ngắn.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của sách điện tử với văn hóa đọc của lớp trẻ, Thạc sỹ Vũ Thùy Dương, Phó Trưởng Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, xuất bản điện tử đang có tốc độ phát triển cực kỳ nhanh chóng. Chỉ vài năm trước đây sách điện tử còn được xem như là phương thức đọc dành cho người yêu thích công nghệ thông tin, thì ngày nay, trên thế giới, sách điện tử vượt xa sách in cả về doanh thu, số bản và trở nên phổ biến. Thậm chí, theo dự báo khoảng 10 năm tới, sách in sẽ giảm chỉ còn bằng 50% hiện nay và thay vào đó là sách điện tử. Sách điện tử cũng được xem là cứu cánh của văn hóa đọc khi lượng trẻ em nhờ có nó mà quay lại đọc sách tăng cao, do nó có nhiều tính năng hấp dẫn, thuận tiện như: âm thanh, hình ảnh và tính tương tác cao.
Về phần mình, bà Nguyễn Thị Hạnh - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời đại số hóa, sách điện tử đã lấn át sách in truyền thống nhờ những ưu điểm vượt trội về công nghệ, tính năng, hình ảnh, gọn nhẹ, tiện lợi, thông tin đa dạng phong phú và sống động. Nếu năm 2010, số người truy cập Internet qua điện thoại di động chỉ ở mức 27%, thì sau 4 năm tỷ lệ này đã tăng 38% và đạt mức 65% năm 2014. Hạ tầng công nghệ thông tin phát triển và tỷ lệ truy cập Intenet tăng nhanh là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của loại hình sách điện tử tại Việt Nam trong thời gian gần đây.
Đại diện Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông khẳng định: Chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, thời đại mà vai trò của tin học, máy tính, công nghệ thông tin đang lan tỏa, có ý nghĩa quyết định trong sự thành công của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, là một trong các động lực quan trọng nhất của sự phát triển, làm biến đối sâu sắc đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của thế giới hiện đại. Công nghệ thông tin tác động đến mọi lĩnh vực, và lĩnh vực xuất bản cũng không nằm ngoài sự tác động đó. Công nghệ thông tin làm thay đổi gần như toàn bộ mọi mặt của ngành xuất bản từ khi nó ra đời, đưa xuất bản trở thành một ngành công nghiệp thực sự, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia và sự tiến bộ văn minh của loài người. Việc kết hợp công nghệ thông tin trong xuất bản sẽ tạo ra các xuất bản phẩm điện tử, góp phần quan trọng trong việc phát triển lĩnh vực xuất bản, giảm thiểu chi phí in ấn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả. Bên cạnh những thuận lợi, các tham luận trình bày tại Hội thảo còn đề cập khó khăn, thách thức trong thương mại điện tử và sản xuất kinh doanh xuất bản phẩm điện tử, tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách…
Ông Nguyễn Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, so với tiềm năng, quy mô, trình độ của xuất bản điện tử tại Việt Nam còn khá nhỏ bé, hạ tầng thương mại dành cho thương mại điện tử và sản xuất kinh doanh xuất bản phẩm điện tử còn rất hạn chế. Tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử diễn biến hết sức phức tạp, trở thành rào cản làm nản lòng các doanh nghiệp, nhà xuất bản muốn phát triển xuất bản điện tử. Vấn nạn e-book lậu, không bản quyền đang bị “phá giá” hoặc các cư dân mạng hồn nhiên chia sẻ miễn phí trên rất nhiều diễn đàn, phát tán rộng rãi trên các trang mạng trong và ngoài nước đã phát triển một cách chóng mặt trong thời gian qua như e-thuvien.com, 360-books.com, ebook4u.vn… Sự tồn tại của các website vi phạm bản quyền một cách công khai như vậy không chỉ làm thiệt hại trực tiếp cho tác giả và nhà xuất bản, phát hành sách điện tử mà còn làm xói mòn thị trường sách điện tử mới manh nha hình thành, để lại nhiều hệ lụy cả trước mắt cũng như lâu dài.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ khẳng định, vi phạm tác quyền vẫn là vấn nạn lớn nhất hiện nay, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc xuất bản các ấn phẩm điện tử và nhiều năm nay, các nhà xuất bản, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản điện tử đều rơi vào tình trạng phải bù lỗ. Từ khoảng năm 2008, trên thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện các website dạng diễn đàn, mạng xã hội tự tổ chức thu thập và chia sẻ sách điện tử miễn phí hoặc có thu phí với mức giá khá rẻ. Các website này không cần xin phép xuất bản/phát hành sách điện tử từ cơ quan chức năng và không trả tiền tác quyền cho tác giả.
Đại diện Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam cho biết, những website cho đọc sách này phát triển ở muôn hình vạn trạng, có đọc trực tuyến, tải file về máy tính dưới các định dạng PDF, epub, định dạng scan… Việc này không chỉ ảnh hưởng đến kinh doanh e-book có bản quyền mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất bản.
Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, để thị trường sách điện tử có bản quyền phát triển được thì luật pháp phải là công cụ bảo vệ bản quyền chứ không phải kỹ thuật. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, có biện pháp nghiêm khắc đối với chế tài các cá nhân, đơn vị vi phạm bản quyền. Luật đang quản rất chặt các đơn vị phát hành sách điện tử có bản quyền nhưng hàng trăm đơn vị phát hành sách điện tử vi phạm bản quyền thì thản nhiên hoạt động bất chấp mọi quy định pháp luật. Bản thân doanh nghiệp không thể suốt ngày lùng sục trên mạng tìm từng tựa sách điện tử của mình bị vi phạm bản quyền để làm văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước can thiệp. Vì vậy, cần có một cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn trong lĩnh vực phát hành sách điện tử, tài liệu số trái phép dựa trên những quy định pháp luật đã có rất đầy đủ...
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023