Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Trong các bài nói, bài viết, rất nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng từ “nêu gương”, “làm gương”. Điều đó cho thấy, Người rất coi trọng việc “nêu gương”, “làm gương” của mọi tổ chức, mọi lực lượng cách mạng và mọi cá nhân trong xã hội. Tư tưởng đó vẫn giữ nguyên giá trị và càng trở nên cần thiết trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, xem đây là một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng, là truyền thống quý báu của Đảng và đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó cán bộ, đảng viên phải “tự giác nêu gương” là luận điểm nổi bật. Có thể nói, thực hiện nêu gương là thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, là cam kết chính trị của cán bộ, đảng viên đối với chính mình và đối với toàn Đảng, toàn dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên và nếp văn hóa của mỗi người; chức vụ càng cao càng phải nêu gương mẫu mực, tạo sự lan tỏa từ trên xuống dưới, củng cố lòng tin yêu của nhân dân, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cuốn sách Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về nêu gương và trách nhiệm nêu gương do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản, được chia làm hai phần: Hồ Chí Minh về nêu gương và trách nhiệm nêu gương; Quy định của Đảng về nêu gương và trách nhiệm nêu gương, bao gồm những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương, góp phần khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương chính là “kim chỉ nam”, là những chỉ dẫn rất cần thiết và quý báu cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ ở Việt Nam hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần tư tưởng “nêu gương”, nghiêm túc thực hiện những quy định của Đảng về “nêu gương”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống để xứng đáng là “người đày tớ trung thành của nhân dân” như lời căn dặn của Bác.
Cuốn sách là tài liệu bổ ích, góp phần thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên một cách hiệu quả.