Hoạt động xuất bản sách góp phần tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam
Xuất bản tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về chủ quyền biển, đảo
Từ năm 2009 đến nay, tình hình Biển Đông ngày càng trở nên phức tạp dẫn đến hàng loạt tranh chấp tại Biển Đông như: tranh chấp về chủ quyền của quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc; tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philíppin; tranh chấp các vùng biển tại Biển Đông; tranh chấp về tự do hàng hải, an ninh hàng hải, khai thác kinh tế biển;… Đối với Việt Nam, Trung Quốc liên tiếp có những hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đã được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta khẳng định quan điểm nhất quán kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt những hành vi vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về chủ quyền biển, đảo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
Trong những năm qua, dưới sự định hướng, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, hoạt động xuất bản sách đã tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, cho ra mắt độc giả nhiều ấn phẩm viết về chủ quyền biển, đảo, không chỉ có giá trị về mặt nội dung mà còn phong phú về hình thức thể hiện. Nhiều nhà xuất bản đã tổ chức xây dựng các tủ sách, sêri sách về biển, đảo hướng tới nhiều nhóm đối tượng bạn đọc khác nhau, từ sách phục vụ công tác nghiên cứu, tham khảo, sách tri thức phổ thông cho đến sách giáo dục dành cho học sinh, thiếu niên, nhi đồng,… Các đầu sách đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ đông đảo bạn đọc và dư luận xã hội. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 930/QĐ-TTg, ngày 28/7/2018 phê duyệt Đề án tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020, hoạt động xuất bản sách về mảng đề tài này ngày càng phong phú, đa dạng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Mặc dù hiện nay chưa có thống kê cụ thể đối với mảng sách về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhưng thực tế cho thấy, nhiều ấn phẩm về biển, đảo Việt Nam đã liên tục được giới thiệu đến bạn đọc. Xác định biển, đảo là một trong những mảng đề tài trọng tâm, các nhà xuất bản từ Trung ương tới địa phương đều tập trung huy động nguồn lực để khai thác và phát triển mảng sách này, tiêu biểu như Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh niên, Nhà xuất bản Trẻ… đã khai thác và cho ra mắt bạn đọc nhiều cuốn/bộ sách lớn có giá trị, không chỉ cung cấp những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mà còn ngợi ca cuộc sống của các chiến sĩ, con người đang kiên cường lao động, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện khát vọng hòa bình của dân tộc ta ở tuyến đầu của Tổ quốc, từ đó khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc đối với bạn đọc.
Nhiều bản thảo về mảng đề tài này được các nhà xuất bản đầu tư công phu, từ khâu lên ý tưởng đề tài, tổ chức cộng tác viên, lựa chọn tác giả đến khâu thẩm định, biên tập - xuất bản. Do đó, số lượng đầu sách về chủ quyền biển, đảo ngày một tăng; chất lượng, giá trị nội dung sách cũng được nâng cao, hình thức trình bày đa dạng, phong phú.
- Cung cấp bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
Cuốn sách Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản tóm lược những tư liệu lịch sử xác thực, rõ ràng, gồm các sách địa lý, lịch sử và bản đồ cổ; các hiệp định, nghị định, sắc lệnh đã ký; bia chủ quyền của Việt Nam dựng trên các quần đảo cùng những tuyên bố tại hội nghị quốc tế khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây chính là cơ sở pháp lý và những bằng chứng lịch sử có tính thuyết phục thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với vùng lãnh thổ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời bác bỏ những luận điệu xuyên tạc lịch sử, những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những vùng biển khác trên Biển Đông của Việt Nam.
Cuốn sách Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là công trình cung cấp những tư liệu phong phú, đa dạng được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau ở trong và ngoài nước; trong đó có tư liệu từ các văn bản mang tính lịch sử, pháp lý cao như Châu bản triều Nguyễn, văn bản thực thi chủ quyền của chính quyền Tây Sơn, thư tịch và bản đồ cổ của Nhà nước phong kiến Việt Nam, tư liệu và bản đồ cổ của phương Tây và người Trung Quốc liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Thông qua nguồn tư liệu lịch sử, địa lý đáng tin cậy của Việt Nam và những tư liệu, bản đồ xưa của các nhà truyền giáo và hàng hải phương Tây, cuốn sách Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam của Nhà xuất bản Trẻ mang đến cho người đọc cái nhìn khái quát về Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XV, khẳng định chủ quyền hiển nhiên, không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo này ở Biển Đông.
Đặc biệt, cuốn sách Đội Hoàng Sa, từ cội nguồn đến lễ tri ân do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản kể về những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được Nhà nước Đại Việt thành lập cách đây hơn 400 năm và được giao sứ mệnh lịch sử hết sức thiêng liêng là thực hiện việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Qua đó khẳng định, Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam và người dân nước ta đã có mặt ở hai quần đảo này từ rất sớm.
Gần đây nhất là cuốn sách Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa - Tư liệu và sự thật lịch sử của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Cuốn sách cung cấp những chứng cứ khoa học vững chắc, trong đó có những chứng cứ lịch sử - pháp lý, khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Bên cạnh đó, nhiều cuốn sách như: Luật Biển Việt Nam; Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Tìm hiểu về biển đảo Việt Nam; Chủ quyền biển đảo Việt Nam; 100 câu hỏi đáp về biển - đảo Việt Nam;… cũng là những tài liệu quan trọng khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Với những bằng chứng lịch sử chân thực và sống động được trình bày trong các ấn phẩm trên, một lần nữa khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc là không thể chối cãi. Những cuốn sách là công cụ thiết thực bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, đồng thời là “vũ khí” hữu hiệu chống lại mọi quan điểm, hành động xâm lược biển đảo của thế lực bên ngoài, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta: “biển đảo là nhựa sống, là máu thịt, là phần hồn của dân tộc”.
- Công cụ thông tin tuyên truyền về phát triển kinh tế, văn hóa biển, đảo
Bộ sách Văn hóa biển đảo Việt Nam do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản gồm 9 tập: Tập 1 - Tổng quan văn hóa biển, đảo Việt Nam; Tập 2 - Văn hóa biển đảo vùng Đông Bắc Bộ; Tập 3 - Văn hóa biển đảo vùng Bắc Trung Bộ; Tập 4 - Văn hóa ven biển vùng Nam Trung Bộ; Tập 5 - Văn hóa đảo và quần đảo vùng Nam Trung Bộ; Tập 6 - Văn hóa biển đảo vùng Đông Nam Bộ; Tập 7 - Văn hóa biển đảo vùng Tây Nam Bộ; Tập 8 - Văn hóa biển đảo Phú Quốc; Tập 9 - Quản lý văn hóa biển đảo Việt Nam là công trình nghiên cứu giàu tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện, hệ thống hóa các vấn đề liên quan đến văn hóa biển, đảo các vùng trên cả nước, đề xuất các giải pháp để quản lý, phát triển văn hóa biển, đảo, thiết thực góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như phát triển kinh tế - văn hóa biển, đảo quê hương, đất nước.
Cuốn sách Hoàng Sa, Trường Sa trong vòng tay Tổ quốc (2 tập) do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản tuyển chọn, giới thiệu có hệ thống các bài báo và tư liệu viết về cuộc sống của người dân, các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió và những hoạt động kết nối nghĩa tình, thắm đượm ý nghĩa nhân văn cao đẹp, tạo nên sự đổi thay kỳ diệu của Trường Sa; từ đó khơi gợi bạn đọc ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình đối với những người con đất Việt đã và đang kiên cường bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Những bài viết ở hai tập sách này đậm chất ký, giúp người đọc như thấy được, nghe và cảm nhận rõ ràng những điều thực tế diễn ra mà người viết muốn truyền đạt, ký thác, gửi gắm cho người đọc.
Không chỉ chú trọng xuất bản nhiều ấn phẩm sách viết, trong thời gian gần đây, các nhà xuất bản còn cho ra mắt bạn đọc nhiều cuốn sách ảnh về biển đảo Tổ quốc. Trong đó phải kể tới cuốn sách ảnh Trường Sa - Nơi ta đến (song ngữ Việt - Anh), một cuốn sách ảnh đặc biệt của nữ nhà báo Mỹ Trà. Cuốn sách được nhà thơ Trần Đăng Khoa đánh giá “như một cột mốc chủ quyền lãnh thổ mà nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Mỹ Trà và Nhà xuất bản Kim Đồng đã cắm cho quần đảo Trường Sa thiêng liêng của chúng ta”. Hay cuốn sách Hoàng Sa, Trường Sa - Khát vọng hòa bình của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, gồm hơn 500 bức ảnh tư liệu và nghệ thuật được trình bày dưới dạng văn bản phóng sự, các bức ảnh có mối tương quan tinh tế với lời tường thuật chân thực và sinh động, dẫn dắt độc giả theo trình tự của một câu chuyện về những sự kiện hào hùng, bi tráng như Hoàng Sa tháng 01/1974, Trường Sa tháng 3/1988 hay những công trình xây dựng đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn DK1 để bảo vệ chủ quyền trong những tháng năm nghiệt ngã, gian nan,... Đây thực sự là một ấn phẩm đẹp, tôn vinh chủ nghĩa yêu nước, phục vụ cho nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội.
- Giáo dục thanh niên, học sinh về biển, đảo Tổ quốc
Bên cạnh các bộ sách nghiên cứu, tham khảo về chủ quyền, văn hóa biển, đảo Tổ quốc, các nhà xuất bản cũng chú trọng đến việc xuất bản sách, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, giáo dục học sinh, sinh viên, thiếu niên, nhi đồng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã ấn hành những bộ sách trực tiếp phục vụ việc giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ quyền và trách nhiệm của công dân đối với chủ quyền biển, đảo theo nhiệm vụ giáo dục quốc phòng - an ninh trong nhà trường như: Kể chuyện biển, đảo Việt Nam (4 tập). Đây là bộ sách giúp học sinh, giáo viên, bạn đọc có thể tiếp cận nhiều tư liệu (lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội) về biển, đảo của Việt Nam một cách cơ bản, có hệ thống với tư cách như một không gian sinh tồn và phát triển, cũng như vai trò của nó trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; tư liệu về 12 huyện đảo hiện nay của nước ta.
Bộ sách Giáo dục về biển - đảo Việt Nam (3 tập) dành cho giáo viên và học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Bộ sách cung cấp những kiến thức chung về giáo dục biển, đảo, các phương pháp giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp phù hợp với công tác dạy - học về biển đảo Việt Nam ở từng cấp, lớp. Đặc biệt, hệ thống câu hỏi và bài tập phong phú của sách không chỉ giúp học sinh khám phá kiến thức mới mà còn biết cách tự tìm hiểu biển đảo quê hương, tích lũy tri thức về biển đảo và tự kiểm tra nắm vững kiến thức.
Có thể nói, những cuốn sách giáo dục về biển, đảo Việt Nam giữ vai trò quan trọng và vô cùng cần thiết đối với các thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên; giúp họ hiểu thấu đáo hơn về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời có ý nghĩa thiết thực đối với việc tuyên truyền sâu rộng về chủ quyền biển đảo Việt Nam, tôn vinh những người con đất Việt đang kiên cường bám biển, bám đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa; là những tư liệu quý báu giúp các độc giả trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhận thức sâu sắc về chủ quyền của Tổ quốc đối với các quần đảo này.
Mặc dù hoạt động xuất bản sách phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về chủ quyền biển, đảo đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế như: số lượng đầu sách tăng nhưng lượng bản in lại chưa cao; một số ấn phẩm còn sai sót về nội dung; chưa chú trọng đúng mức việc xuất bản sách song ngữ,… Đặc biệt, với những cuốn sách dịch của Trung Quốc rất dễ xảy ra sai sót về nội dung liên quan đến chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Có thể nêu lên một số trường hợp sách còn sai sót như: cuốn sách Bước thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc do tác giả Cát Kiếm Hùng chủ biên, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành. Cuốn sách đã đưa thông tin sai lệch về chủ quyền biển, đảo Trung Quốc, sai chú thích của bản đồ, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển, đảo bất khả xâm phạm của Việt Nam; hay như bộ sách Đạo mộ bút ký gồm 8 tập do Nhà xuất bản Thời đại liên kết với Công ty Bách Việt ấn hành, hiện ở Việt Nam đã phát hành hai tập, trong đó tập 1 ra lần đầu năm 2013, tái bản năm 2014, tập 2 ra tháng 3/2015, nội dung cuốn sách có những chi tiết thể hiện lệch lạc chủ quyền biển đảo của Việt Nam;… Các đầu sách đó đều đã được thu hồi.
Giải pháp tăng cường công tác xuất bản sách để khẳng định, đấu tranh, giữ vững chủ qyuền biển, đảo trong thời gian tới
Trước hết, Đảng và Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đối với hoạt động xuất bản sách về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc như: đầu tư ngân sách nhà nước đặt hàng xuất bản phẩm; hỗ trợ công tác tuyên truyền, giới thiệu xuất bản phẩm đến bạn đọc trong và ngoài nước,... Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, cụ thể là Cục Xuất bản, In và Phát hành cần có chính sách ưu tiên trong quá trình xác nhận đăng ký xuất bản các đề tài liên quan đến vấn đề bảo vệ chủ quyền, biên giới lãnh thổ, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị. Cần có cơ chế khuyến khích các nhà xuất bản đa dạng hóa các thể loại sách (sách viết, sách tham khảo, sách ảnh, sách điện tử,…) về mảng đề tài này, đặc biệt là sách song ngữ, sách điện tử để mở rộng tuyên truyền chủ quyền biển, đảo với bạn bè quốc tế.
Thứ hai, đối với các nhà xuất bản cần đặc biệt chú ý đến vấn đề khai thác, thẩm định nội dung xuất bản phẩm về mảng đề tài biển, đảo. Ngay từ khâu lên ý tưởng đề tài, lựa chọn tác giả cần có những định hướng rõ ràng, bảo đảm tính khoa học, chính xác của nội dung tác phẩm. Với những tác phẩm có nội dung chuyên ngành sâu, các nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định nội dung, xin ý kiến các cơ quan chuyên ngành. Ví dụ như các đề tài liên quan đến cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc cần có sự thẩm định của các cơ quan chuyên môn như các viện nghiên cứu về lịch sử, luật pháp,… để bảo đảm chất lượng và giá trị nội dung xuất bản phẩm.
Thứ ba, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ biên tập viên. Vấn đề chủ quyền biển, đảo là một trong những đề tài khó bởi nó liên quan đến nhiều khía cạnh, từ lịch sử, cơ sở pháp lý cho đến chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh - quốc phòng, do đó, để biên tập tốt mảng sách này đòi hỏi biên tập viên phải có trình độ lý luận, vốn tri thức nhất định để có thể thẩm định, kiểm tra, biên tập nhằm bảo đảm chất lượng nội dung xuất bản phẩm. Ví dụ: khi biên tập các đầu sách dịch Trung Quốc, biên tập viên cần lưu ý cách gọi tên các đảo của người Trung Quốc, các biểu đồ liên quan đến biển, đảo, tránh tình trạng để sót lỗi vi phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thứ tư, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các xuất bản phẩm về mảng đề tài chủ quyền biển, đảo thông qua các hoạt động như tổ chức các hội sách hằng năm, tham gia hội sách quốc tế. Đặc biệt, đối với các hội sách quốc tế, cần tập trung tuyên truyền, giới thiệu nhiều hơn nữa các đầu sách về mảng đề tài này, xem đây là cơ hội để giới thiệu, quảng bá, khẳng định quyền chủ quyền biển, đảo của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Biển, đảo Việt Nam là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay và mai sau. Hơn lúc nào hết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành thống nhất của Nhà nước, ngành văn hóa - tư tưởng nói chung, hoạt động xuất bản nói riêng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, biên tập - xuất bản sách về mảng đề tài này, để toàn xã hội cùng chung tay giữ vững độc lập, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, toàn vẹn vùng biển nói riêng và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc nói chung, xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.◈
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023