Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2019
Sáng 15/8/2019, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2019.
Toàn cảnh Hội nghị
Chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và các nhà xuất bản trong cả nước. Đồng chí Phạm Chí Thành, Q. Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật dự Hội nghị.
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), 6 tháng đầu năm 2019, các nhà xuất bản đăng ký xuất bản hơn 39.000 tên xuất bản phẩm với hơn 1 tỷ bản. Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận đăng ký xuất bản 39.190 tên xuất bản phẩm với hơn 1,1 tỷ bản. So với cùng kỳ năm 2018, số lượng đăng ký và xuất bản đều tăng, số xuất bản phẩm đạt hơn 17.000 với gần 251 triệu bản (tăng 6,9% về xuất bản phẩm và 43,6% về số bản).
Các xuất bản phẩm bên cạnh việc phục vụ nhu cầu đọc của xã hội với nhiều đối tượng khác nhau, các nhà xuất bản đã xuất bản được nhiều xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương, như: Xuất bản phẩm phục vụ tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xuất bản phẩm tuyên truyền bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; phục vụ công tác thông tin đối ngoại; phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức phổ thông về văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xuất bản phẩm phục vụ các ngày lễ kỷ niệm lớn như: Kỷ niệm 40 năm chiến thắng chiến tranh biên giới Tây Nam; 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh; v.v…
Để có được những kết quả như trên, ngoài việc đầu tư về mặt nội dung xuất bả phẩm, một số nhà xuất bản đã mở rộng hoạt động liên kết xuất bản và giao dịch mua bản quyền, thu được hiệu quả cao như: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Nhà xuất bản Phụ nữ,…Công tác truyền thông cũng được các nhà xuất bản và các công ty sách chú trọng thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua việc tổ chức, tham gia các sự kiện: Hội thảo, tọa đàm, họp báo, hội chợ sách, nhằm đưa sách đến với nhiều bạn đọc trong và ngoài nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất bản trong 6 tháng đầu năm vẫn còn những hạn chế cần lưu ý: Đăng ký đề tài không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản; đăng ký xuất bản ấn phẩm thuộc loại hình báo chí, không phải xuất bản phẩm; tên đề tài không phù hợp với tóm tắt nội dung; tóm tắt nội dung không rõ ràng hoặc trích nguyên tên sách vào phần tóm tắt nội dung; viết tắt hoặc thiếu thông tin hoặc thông tin không chính xác về tác giả, dịch giả, số lượng in, đối tác liên kết, v.v… gây khó khăn, lãng phí cho cơ quan quản lý nhà nước và nhà xuất bản. Trong 6 tháng đầu năm có 44 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý (giảm 8,4% so với cùng kỳ 2018). Cụ thể, có 22 xuất bản phẩm vi phạm nội dung, bị đình chỉ phát hành, sửa chữa tái bản…; 8 xuất bản phẩm sai sót về câu chữ, chính tả (giảm 20% so với cùng kỳ 2018); 14 xuất bản phẩm khác cũng được các nhà xuất bản tự nhận ra sai sót và xử lý, báo cáo Cục Xuất bản.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các nhà xuất bản trong cả nước cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: toàn ngành tập trung rà soát kế hoạch đề tài, xuất bản các ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước, bộ, ngành, địa phương, tuyên truyền các sự kiện chính trị, lịch sử những ngày lễ lớn của đất nước...; chủ động xây dựng cơ cấu đề tài hợp lý, làm tốt công tác khai thác bản thảo có giá trị, chất lượng, cải tiến nội dung và hình thức; nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo và biên tập viên nhà xuất bản. Các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản, nhà xuất bản chú trọng hơn trong việc giữ đúng tôn chỉ, mục đích của các nhà xuất bản, gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023