Hội nghị thông tin chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giáo dục liêm chính; quán triệt, triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương

Ngày đăng: 27/08/2024 - 15:08

Sáng 27/8/2024, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến thông tin chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và giáo dục liêm chính; quán triệt, triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Đảng bộ Khối. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 239 điểm cầu, với 30.305 đảng viên tham dự. Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chủ trì Hội nghị.

Hội nghị thông tin chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giáo dục liêm chính và quán triệt, triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Tham dự tại điểm cầu Đảng bộ cơ quan Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật có các đồng chí Lãnh đạo Nhà xuất bản; Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ; chi ủy các chi bộ trực thuộc; toàn thể đảng viên, lãnh đạo từ cấp phòng trở lên, biên tập viên các đơn vị.

Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Địa phương I, Ban Nội chính Trung ương trình bày chuyên đề: Một số kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Công tác giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Báo cáo chuyên đề nhấn mạnh, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, có bước đột phá, toàn diện, rõ rệt, đạt nhiều kết quả rất quan trọng. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

TS. Nguyễn Xuân Trường đã khái quát 8 kết quả nổi bật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua; 7 vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay và 8 nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để đưa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Theo đó, những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng được thể hiện qua các mặt: phát hiện, xử lý nhanh chóng, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng lớn; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng, tiêu cực”; công tác cán bộ được chú trọng, gắn liền với công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giám định, định giá, thu hồi tài sản tham nhũng được quan tâm chỉ đạo, đạt kết quả tích cực; tăng cường, mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra ngoài khu vực Nhà nước; tăng cường năng lực phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thúc đẩy mạnh mẽ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng…

Hiện nay, toàn cầu hóa và hội nhập; mối quan hệ giữa quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị; việc nảy sinh tư tưởng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm; thu nhập thực tế của cán bộ, công chức; vấn đề xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được nguồn gốc; yêu cầu xây dựng hệ thống quan điểm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mang đặc sắc Việt Nam… là những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trên cơ sở đó, báo cáo chuyên đề đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, như: phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phương châm phòng ngừa từ sớm, từ xa, cả gốc lẫn ngọn; kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, đẩy mạnh giáo dục liêm chính; đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm và làm đi đôi với nói, đã nói là làm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể tham nhũng, tiêu cực”; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào; đẩy mạnh kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng; kiểm soát xung đột lợi ích, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai; siết chặt kỷ luật, giám sát cán bộ, đảng viên.

Hội nghị cũng nghe đồng chí Đặng Hữu Ngọ, Vụ trưởng Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ tư, ngày 10/11/2022.

Luật quy định nội dung, cách thức thực hiện và phát huy dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, Luật đã cụ thể hóa đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là nền tảng thực tiễn quan trọng để Đảng và Nhà nước hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân.

Việc thực hiện pháp luật về dân chủ trên tất cả các lĩnh vực diễn ra ở cơ sở không chỉ giúp cho pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, nhân dân tự mình làm chủ trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, mà còn là nơi giám sát và phản ánh chất lượng, tính khoa học, khả thi, gần dân đối với các đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta.

Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở vừa là điều kiện, vừa là yêu cầu nhằm kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; bảo đảm và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tốt hơn. Việc thực hiện dân chủ luôn nhằm tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Việc thực hành dân chủ ở cơ sở cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thực hành phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giúp công tác này đi vào thực chất, quyết liệt và hiệu quả hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương khẳng định, trong thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã tăng cường chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến” và tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những thành tựu to lớn, được nhân dân trong nước đồng tình, được bạn bè quốc tế ủng hộ.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương yêu cầu, trong thời gian tới, cần đặc biệt quan tâm tới công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực thông qua việc đẩy mạnh tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Do đó, các cấp ủy trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền sâu rộng các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, về sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực; thúc đẩy sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu cao tinh thần gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiên trì, thường xuyên giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, trung thực, xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.

Trên cơ sở các nội dung quán triệt tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối đề nghị từng cán bộ, đảng viên cần vận dụng ngay vào thực hiện nhiệm vụ của mình; đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ nhanh chóng triển khai quán triệt, thông tin đầy đủ đến cán bộ, đảng viên nhằm giúp cán bộ, đảng viên nắm bắt kịp thời, hiểu đúng, đầy đủ và tham gia thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giáo dục liêm chính, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các quy định về phòng ngừa tham nhũng; thực hiện nghiêm việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; công khai, minh bạch về tài chính, tài sản cơ quan hằng năm theo đúng quy định.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đảng bộ cơ quan Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả