Hội nghị toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Ngày đăng: 17/08/2023 - 14:08

Sáng 17/8/2023, tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh Hội nghị

Tới dự Hội nghị có đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, lãnh đạo một số cơ quan báo chí… Đồng chí Võ Văn Bé, Ủy viên Hội đồng Biên tập - Xuất bản, Trưởng Ban sách Kinh điển - Lý luận, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tham dự Hội nghị.   

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Báo cáo khẳng định, việc ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW là một chủ trương lớn của Đảng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Năm năm qua, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW đã đạt nhiều kết quả ấn tượng, thể hiện ở 05 điểm nổi bật: (1) Các cấp ủy quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, có sự đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất và con người, tạo điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng, góp phần gia tăng tính hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, cơ sở. (2) Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng được các cấp ủy coi trọng, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Kết quả nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của nhiệm kỳ Đại hội XII và bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát huy tính ứng dụng trong công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị tại các trường chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện và các trường phổ thông, góp phần tích cực vào công tác chính trị, tư tưởng, lý luận của Đảng trong tình hình mới. (3) Công tác sưu tầm tài liệu được đẩy mạnh, trong đó nổi bật là nguồn tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, qua các kênh ngoại giao văn hóa. Công tác lưu trữ, bảo quản tư liệu lịch sử được tổ chức, sắp xếp khoa học theo hướng đẩy mạnh số hóa theo quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng. (4) Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chỉ đạo thực hiện một cách hệ thống, bài bản với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. (5) Công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương đã được đẩy mạnh thực hiện lồng ghép trong các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và giáo dục quốc dân. Thông qua việc tích cực đổi mới phương pháp dạy học, lấy người học làm trung tâm, coi trọng phẩm chất, năng lực của người học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng linh hoạt nhiều hình thức tổ chức dạy học, chất lượng và hiệu quả giáo dục được cải thiện đáng kể.

Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra, bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Số lượng các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống được nghiên cứu, biên soạn và xuất bản tuy nhiều nhưng chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, nội dung rộng nhưng chưa sâu, còn mang nặng tính liệt kê sự kiện, dàn trải. Việc khai thác, sử dụng tài liệu tham khảo gặp nhiều khó khăn do nguồn tư liệu bị thất lạc, hư hỏng. Nguồn kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử Đảng cơ bản thấp, hạn chế khả năng khuyến khích, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia tham gia…

Với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, dân chủ, tại Hội nghị, đại biểu các cơ quan ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học đã cùng nhau phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những đóng góp nổi bật của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII của Đảng, đồng thời chỉ ra những mặt còn hạn chế; trên cơ sở đó xác định phương hướng, tầm nhìn, đề xuất, kiến nghị những giải pháp khả thi, hữu hiệu nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận và bế mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, thường xuyên, sâu rộng, sáng tạo và hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng của cấp ủy các cấp nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, phấn đấu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau: (1) Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ý nghĩa, vai trò của việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. (2) Xác định trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong chỉ đạo và thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị. (3) Tiếp tục đẩy mạnh tổ chức nghiên cứu, biên soạn, nâng cao chất lượng, tính ứng dụng của các công trình lịch sử Đảng; đa dạng hóa nội dung và cách thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. (4) Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác lịch sử. Có cơ chế, chính sách thu hút những người có năng lực, có trình độ cao, đúng chuyên ngành phục vụ công tác. (5) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình; phát huy, nhân rộng những sáng kiến, mô hình, cách làm hay, tạo sức lan tỏa trong xã hội, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…

Trong khuôn khổ Hội nghị, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Triển lãm sách về Lịch sử Đảng. Đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu mảng sách lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đến các đại biểu dự Hội nghị, qua đó củng cố và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các ban, bộ, ngành và các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản, phát hành sách nhằm tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Những ấn phẩm về lịch sử Đảng có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, những đóng góp to lớn của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo trên suốt chặng đường 93 năm của Đảng, qua hơn 35 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; nhân dân có cuộc sống tốt đẹp hơn; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội được ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững; độc lập, chủ quyền được bảo đảm; vị thế và uy tín đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế.

 Đại biểu tham quan ấn tượng với các ấn phẩm với chủ đề “Đảng ta thật là vĩ đại” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trưng bày tại không gian triển lãm sách tại Hội nghị

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả