Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế”

Ngày đăng: 11/10/2024 - 17:10

Sáng 11/10/2024, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo

Các đồng chí: PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền chủ trì Hội thảo.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Hội thảo có sự tham dự của hơn 150 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; đại biểu các ban, bộ, ngành; lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội; lãnh đạo các nhà trường, học viện, các cơ quan nghiên cứu…

Với mục tiêu nâng cao năng lực về truyền thông chính sách tại Việt Nam, từ năm 2016 đến năm 2023, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã phối hợp tổ chức thành công 08 hội thảo khoa học quốc tế về truyền thông chính sách trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Học viện Báo chí và Tuyên truyền nâng cao năng lực thực thi chính sách của Chính phủ do KOICA tài trợ.

Nối tiếp thành công trên, Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế” năm 2024 được tổ chức nhằm làm sáng tỏ, hệ thống hóa khái niệm, mục đích, đặc trưng của truyền thông chính sách về đa văn hóa; đồng thời tìm hiểu thực trạng, mô hình truyền thông chính sách về đa văn hóa tại Việt Nam, Hàn Quốc và trên thế giới. Hội thảo cũng là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý luận, các nhà lãnh đạo, quản lý tiếp tục quán triệt đầy đủ, thống nhất nhận thức, làm rõ và sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn; trên cơ sở đó thảo luận, đề xuất các giải pháp phù hợp, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở Việt Nam, Hàn Quốc cũng như các nước khác trên thế giới.

PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chủ đề của Hội thảo năm nay đề cập đến vấn đề mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã và đang hết sức quan tâm, đó là nghiên cứu cơ sở lý luận, cũng như kinh nghiệm và giải pháp cho việc tăng cường hiệu quả của quá trình truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

PGS.TS. Dương Trung Ý đề nghị, trên cơ sở Hội thảo lần này và các hội thảo trước đây, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có sự tổng kết toàn diện, xây dựng báo cáo kiến nghị về nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu về truyền thông chính sách. Đây sẽ là đóng góp rất quan trọng cho sự nghiệp truyền thông chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần bảo đảm hiệu quả và hiệu lực của truyền thông chính sách, đặc biệt là đối với chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Lee Byung Hwa, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam cho rằng, Hội thảo là dịp để khẳng định tình hữu nghị, hợp tác mà Việt Nam và Hàn Quốc đã xây dựng trong suốt thời gian qua.

Theo Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam, KOICA đã và đang tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Học viện Báo chí và Tuyên truyền và các đối tác truyền thông tại Việt Nam và Hàn Quốc nhằm tăng cường hiểu biết và tạo mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước.

Ông Lee Byung Hwa cũng bày tỏ tin tưởng, sự hợp tác này sẽ không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của hai nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một tương lai bền vững cho thế giới.

TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Theo TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, truyền thông về chính sách nói chung và truyền thông về đa văn hóa nói riêng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đây cũng là vấn đề được Việt Nam và Hàn Quốc đặc biệt quan tâm, đầu tư, nghiên cứu làm rõ. Thực tiễn chứng minh, truyền thông chính sách ở nước ta đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là kênh thông tin hữu hiệu để các cơ quan chức năng kịp thời lắng nghe ý kiến góp ý của các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nhất là những đối tượng trực tiếp chịu tác động của chính sách. Trong thành công chung của các hoạt động đó, truyền thông chính sách về đa văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, sự hòa hợp dân tộc, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; qua đó, giới thiệu đất nước, văn hóa, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, đóng góp vào sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Tuy nhiên, truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách về đa văn hóa nói riêng ở Việt Nam vẫn còn những điểm hạn chế và bất cập nhất định. Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế” sẽ làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn; các bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm sáng tạo và nhiều giải pháp mới, đặc biệt là những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả truyền thông đa văn hóa trong tình hình mới.

PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát biểu Đề dẫn Hội thảo

Đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách về đa văn hóa nói riêng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập. Đặc biệt, truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế là vấn đề mới, còn nhiều khoảng trống nghiên cứu về cả lý luận cũng như thực tiễn.

Không ít chủ thể truyền thông chính sách chưa nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của vấn đề văn hóa, dân tộc; ở một số nơi thông tin chính sách đến đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là các vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Có lúc, có nơi, một số thông tin đưa ra chưa phù hợp thuần phong, mỹ tục, lịch sử của các địa phương, tộc người… Hệ quả của việc truyền thông chính sách về đa văn hóa không bảo đảm chất lượng có thể dẫn đến sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách về đa văn hóa tiên quyết phải được chú trọng thực hiện một cách chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế” nhận được gần 60 tham luận có chất lượng cao của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, trong đó tập trung nêu bật những điểm mới trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong vấn đề truyền thông chính sách về đa văn hóa và việc vận dụng những quan điểm này trong thực tiễn truyền thông; thực tiễn, cơ hội và thách thức đặt ra đối với truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam, Hàn Quốc cũng như một số nước trên thế giới.

Ngoài ra, các tham luận còn nêu những kinh nghiệm, cách làm hay, thực tiễn tốt tại Việt Nam, Hàn Quốc và các quốc gia khác trong hoạt động truyền thông chính sách về đa văn hóa; từ đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông chính sách về đa văn hóa…

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo

Trong phần thảo luận, Hội thảo diễn ra gồm 02 phiên.

Phiên thứ nhất “Lý luận truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: Tăng cường hoạt động truyền thông về bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh giao lưu đa văn hóa; Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc đã định hình các gia đình văn hóa như thế nào; Truyền thông chính sách về đa văn hóa ở Việt Nam và những vấn đề mang tính định hướng của các chuyên gia trong và ngoài nước ...

Phiên thứ hai “Kinh nghiệm và thực hành tốt trong truyền thông chính sách về đa văn hóa” tập trung thảo luận: Chủ nghĩa thể chế trong nền kinh tế như một văn hóa; Truyền thông chính sách Hàn Quốc: Trải nghiệm, dấu ấn và gợi ý cho truyền thông chính sách Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Truyền thông về đa dạng văn hóa với tư cách là một giá trị quan trọng của sức mạnh mềm quốc gia Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế…

Hội thảo quốc tế “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế” đã bước đầu làm sáng tỏ, hệ thống hóa khái niệm, mục đích, đặc trưng và tầm quan trọng của truyền thông chính sách về đa văn hóa đồng thời tìm hiểu kinh nghiệm, mô hình truyền thông chính sách về đa văn hóa tại Việt Nam, Hàn Quốc và các nước trên thế giới.

Những kết quả thu được từ Hội thảo là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng, là nguồn tài liệu nghiên cứu và tham khảo quý đối với các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định và thực thi chính sách, và các nhà hoạt động thực tiễn… liên quan tới vấn đề có tính thời sự này trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của kinh tế - xã hội đất nước với thế giới.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả