Kết nối trực tuyến tiếp sức ngành xuất bản
Ngày Sách Việt Nam dần trở thành hoạt động thường niên nhiều ý nghĩa với không chỉ ngành xuất bản, in và phát hành mà còn là điểm hẹn văn hóa dành cho bạn đọc. Song, trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam 2020 đã chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến.
Tọa đàm giới thiệu cuốn sách "Báo cáo mật của Tổng thống - Chuyện chưa kể về các báo cáo tình báo vắn tắt gửi đến các Tổng thống Mỹ" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức nhân Ngày Sách Việt Nam 2018.
Tổ chức ngày sách trực tuyến
Sau 6 lần tổ chức trên phạm vi toàn quốc, các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam đã góp phần tạo lập nên những giá trị văn hóa từ gia đình, dòng họ đến cơ quan, đoàn thể mà minh chứng rõ nhất là sự hình thành và phát triển của hệ thống tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách cơ quan, doanh nghiệp, khu công nghiệp… Tiếp nối sức lan tỏa đó, Ngày Sách Việt Nam 2020 (21/4) đang được xúc tiến với một hình thức mới mẻ, phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết, hoạt động bán sách online đã được nhiều nhà xuất bản, nhà sách, đơn vị liên kết xuất bản… thực hiện từ rất lâu, vì thế, ý tưởng xây dựng Ngày Sách Việt Nam 2020 theo hình thức này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều đơn vị. Không đơn thuần chỉ là nơi trưng bày, bán sách, Ngày Sách Việt Nam trực tuyến còn tổ chức giao lưu trực tuyến giữa người làm sách, tác giả với bạn đọc. Việc thu hẹp khoảng cách về địa lý, không giới hạn về thời gian, không gian sẽ giúp cho nhiều đối tượng độc giả được tiếp cận tốt hơn với sách, nhờ đó mà phong trào đọc sách cũng được kỳ vọng sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn.
Theo kế hoạch, Ngày Sách Việt Nam 2020 sẽ được thực hiện trực tuyến trong khoảng 10 ngày. Hiện Ban Tổ chức đang làm việc với các đơn vị trong ngành, cũng như các đối tác thương mại để có thể đưa sách đến độc giả thuận tiện và nhiều ưu đãi nhất. “Nếu thuận lợi, đáp ứng những lợi ích của độc giả cũng như các đơn vị liên quan thì Ngày Sách Việt Nam trực tuyến có thể kéo dài cả tháng và lâu hơn”, đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành kỳ vọng.
Tiếp sức xuất bản, in và phát hành
Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: Khi kinh tế khó khăn thì sách luôn là mục được tính mua cuối cùng. Những tháng đầu năm, tình hình phát hành có nhiều dấu hiệu chững lại và nay thì việc bán sách theo hình thức truyền thống đã “đóng băng”. Tuy nhiên, việc bán sách qua mạng đã đưa lại nhiều tín hiệu tích cực. Theo nắm bắt nhanh từ nhiều nhà xuất bản cũng như đơn vị phát hành, kênh phân phối, phát hành sách online bất ngờ tăng trưởng.
Một số đơn vị phát hành, nhà sách như Cá Chép, Phương Nam… đã ghi nhận doanh thu phát hành online tăng 30%-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Nắm bắt cơ hội này, các hình thức khuyến khích, hỗ trợ bạn đọc qua kênh phát hành này đã được đưa ra, như: giảm phần trăm theo tỷ lệ giá bìa, bán theo combo có ưu đãi, miễn phí vận chuyển… Dù đã rất nỗ lực, song theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, thực tế việc phát hành sách theo hình thức truyền thống hiện vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn (từ 70%-80%), vì thế dù kênh phân phối qua online tăng trưởng tới 70% nhưng mỗi doanh nghiệp vẫn đối mặt với doanh thu giảm đến 60%.
Không chỉ thế, việc bán sách trực tuyến cũng đang đối mặt với nạn sách giả trên các fanpage mạng xã hội. Đánh vào tâm lý người mua, những fanpage này thường lấy tên đi thẳng vào yếu tố “giá rẻ” như: “Tổng kho sách”, “Sách hay giá rẻ”… với cam kết: “giảm giá shock”, “giảm giá đặc biệt”, “xả kho sách”... Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã khuyến cáo và đưa ra danh sách hàng chục fanpage bán sách không đáng tin cậy, song tình hình chưa có dấu hiệu giảm khiến cho người làm sách đã khó lại càng thêm khó.
Về vấn đề tồn tại này, ông Nguyễn Nguyên cho biết, Cục Xuất bản, In và Phát hành thường xuyên nhắc nhở, khuyến cáo các nhà xuất bản, các nhà sách phải rà soát kỹ lưỡng xem đó có phải là những cuốn sách của mình bị xâm hại không, rồi trực tiếp làm đơn và cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng cứ để các mạng xã hội lớn bảo vệ. Cùng với đó, Cục sẽ thường xuyên phối hợp với đơn vị chức năng rà soát các trang web vi phạm để thực hiện các giải pháp kỹ thuật ngăn chặn.
Đại diện Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng chia sẻ, cùng nỗ lực vượt khó của mỗi đơn vị, cơ quan quản lý đã đề xuất hỗ trợ nhiều chính sách mang tính vĩ mô, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn vị phát hành và in. Nỗ lực chung của các đơn vị sản xuất, quản lý và bạn đọc sẽ góp phần giúp ngành xuất bản nhanh chóng vực dậy sau giai đoạn khó khăn này.
Theo Báo Sài Gòn giải phóng online
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023