Kinh tế biển xanh: Các vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam (Sách tham khảo)

Ngày đăng: 06/05/2021 - 08:05

Biển và kinh tế biển ngày càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia. Việt Nam đã đưa ra nhiều chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế biển. Ngày 09/02/2007, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII của Đảng đã tổng kết, đánh giá toàn diện về việc thực hiện Chiến lược biển và ban hành Nghị quyết số 36/ NQ-TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn… Đây là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong việc khai thác hợp lý các nguồn lực từ biển để phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước. Nhiều quan điểm và cách đặt vấn đề mới được nêu ra trong chiến lược của Việt Nam, đặc biệt là cách nhìn tổng thể và dài hạn về biển, phát triển kinh tế biển phải được nhìn nhận trong không gian 3 chiều: mặt biển, đáy biển, không gian trên biển.

Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững, kinh tế biển xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Xây dựng và phát triển kinh tế biển xanh là một mô thức phát triển kinh tế mới, đang nổi và thịnh hành, tập trung chủ yếu vào mục tiêu tạo việc làm xanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, ngăn ngừa suy thoái môi trường và sự ấm lên toàn cầu, sự quyệt quệ tài nguyên và hủy hoại sinh thái.

Cuốn sách Kinh tế biển xanh: Các vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm chủ biên

Cuốn sách Kinh tế biển xanh: Các vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nghề cá Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam làm chủ biên đã góp phần làm rõ cơ sở lý luận, cách tiếp cận và mục tiêu thực hiện kinh tế biển xanh; những bài học kinh nghiệm, các giải pháp xanh trên thế giới và ở Việt Nam thời gian qua; cũng như cơ hội, thách thức và định hướng phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam trong thời gian tới. Đây là công trình góp phần vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 – NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Ngoài phần Mở đầu và Thay lời kết, nội dung cuốn sách có cấu trúc gồm 4 chương. Chương 1: Các vấn đề toàn cầu liên quan đến kinh tế biển xanh, ở chương này, nhóm tác giả đề cập các vấn đề như: vốn tự nhiên biển đối với sự thịnh vượng của loài người; đại dương là di sản chung của loài người; vốn tự nhiên biển đang bị bòn rút; sự phát triển bền vững biển, phát triển bền vững kinh tế biển và kinh tế biển xanh. Chương 2: Kinh tế biển xanh trên thế giới, đưa ra quan niệm chung về kinh tế biển xanh: khái niệm, nội hàm, vai trò và lợi ích, các nguyên tắc; bên cạnh đó nhóm tác giả cũng phác họa tình hình phát triển kinh tế biển xanh trên thế giới, đồng thời khẳng định đầu tư kinh tế biển xanh là đầu tư cho tương lai. Chương 3: Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, phác họa sơ lược vị thế biển, phát triển đa ngành kinh tế biển; tiềm năng phát triển các ngành kinh tế biển; thực trạng phát triển các ngành kinh tế biển; những thách thức đối với phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam; chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Chương 4: Kinh tế biển xanh - Nền tảng cho kinh tế biển bền vững ở Việt Nam, đề cập những vấn đề phát triển bền vững, xây dựng và thúc đẩy phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam. Kinh tế biển xanh cần phải được triển khai ngay trong các ngành kinh tế biển, ở các địa phương ven biển có đặc thù khác nhau theo cách tiếp cận dựa vào hệ sinh thái, áp dụng quản lý biển theo không gian.

Tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế biển xanh ở nước ta là lĩnh vực mới cả về nội dung và cách tiếp cận. Vì thế, cuốn sách Kinh tế biển xanh: Các vấn đề và cách tiếp cận cho Việt Nam góp phần làm rõ các khái niệm, cách tiếp cận, những bài học kinh nghiệm, các giải pháp xanh trên thế giới và ở Việt Nam thời gian qua, cũng như các cơ hội, thách thức và định hướng phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam trong thời gian tới. Nhiều nhận định, giải pháp, kiến nghị nêu trong cuốn sách có giá trị tham khảo tốt, nhưng vẫn có nhận định, giải pháp, kiến nghị cần tiếp tục trao đổi và nghiên cứu thêm. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích đối với các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên chuyên ngành quản lý tài nguyên môi trường biển, quản lý kinh tế và độc giả quan tâm đến vấn đề này.

Bình luận