Nhân kỷ niệm 110 năm sinh (1902-2012) và 70 năm ngày mất (6-9-1942 - 6-9-2012) của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản cuốn sách Lê Hồng Phong - Chiến sĩ cộng sản quốc tế kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta. Cuốn sách tuyển chọn hơn 60 bài viết, bài nghiên cứu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, của các nhà khoa học, lãnh đạo một số địa phương, đơn vị đã đánh giá toàn diện và tương đối đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp quang vinh cũng như những cống hiến xuất sắc của Tổng Bí thư Lê Hồng Phong cho cách mạng Việt Nam và phong trào cộng sản quốc tế.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nghệ An - mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, đồng chí Lê Hồng Phong đã thể hiện tinh thần yêu nước, thương dân. Sớm giác ngộ và với ý chí tiếp bước truyền thống cách mạng của lớp cha anh để cứu nước, cứu dân, đầu năm 1924, nghe theo tiếng gọi của các nhà yêu nước, Lê Hồng Phong hăng hái tham gia phong trào giải phóng dân tộc. Lúc bấy giờ, ở trong nước, chế độ thực dân, phong kiến đàn áp tàn khốc, nhiều nhà yêu nước cách mạng và nhiều thanh niên yêu nước trong đó có Lê Hồng Phong tìm cách ra nước ngoài. Và Lê Hồng Phong là một trong số những thanh niên yêu nước được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn, bồi dưỡng, đào tạo thành lớp cán bộ đầu tiên của cách mạng nước ta, được trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đồng chí đã trở thành học trò ưu tú của Người.
Đồng chí Lê Hồng Phong là một tấm gương trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Từ lúc lớn lên cho đến lúc hy sinh, đồng chí luôn đặt lợi ích của cách mạng lên trên lợi ích của cuộc sống riêng và hạnh phúc gia đình. Nhiệt huyết và trái tim cộng sản của đồng chí luôn luôn dành cho Đảng và nhân dân. Vì Đảng, vì dân, đồng chí tiếp nhận mọi gian khổ hy sinh, từ biệt gia đình bôn ba đi tìm đường cứu nước. Và cũng vì Đảng, vì dân, đồng chí nhiều lần trở về nước để hoạt đồng, gây dựng phong trào cách mạng, dù biết rằng kẻ thù luôn rình rập, đe dọa tính mạng; và đã hy sinh cả tình riêng, cả bản thân mình. Người đồng chí, người bạn đời yêu dấu của đồng chí – đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nổi tiếng – cũng bị địch bắt và kết án tử hình năm 1941. Hai vợ chồng, hai người đồng chí, hai nhà lãnh đạo của Đảng: Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai đã cùng các đồng chí khác đã viết nên trang sử vàng của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Bốn mươi năm tuổi đời, gần hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí đã để lại tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước, suốt đời phấn đấu hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, son sắt thủy chung với đồng chí, bạn bè, luôn lạc quan tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng. Tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh lẫm liệt của đồng chí Lê Hồng Phong vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản sống mãi trong trái tim, tâm trí các thế hệ người Việt Nam chúng ta.