Lời tuyên thệ về lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo
Ra mắt vào đầu tháng 8 vừa qua, cuốn tiểu thuyết Lời thề của nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã nhanh chóng tạo được tiếng vang trong làng văn học và nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả khắp nơi. Với nội dung mang đậm tính thời sự viết về chủ quyền biển đảo kết hợp với nghệ thuật giàu chất điện ảnh, cuốn tiểu thuyết hiện đang thu hút sự chú ý của giới chuyên gia nói riêng và nhiều người yêu nước luôn quan tâm đến vận mệnh dân tộc nói chung. Phía sau cảm nhận về những yếu tố nghệ thuật kịch tính, hấp dẫn là những trăn trở, băn khoăn về cương giới lãnh thổ; là niềm tự hào dâng tràn về tinh thần của dân tộc, của cha ông từ bao đời…
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh sinh năm 1959 tại thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông là tác giả của hàng trăm kịch bản sân khấu, điện ảnh, phim truyền hình và tiểu thuyết. Đó là các kịch bản phim như Ngã ba Đồng Lộc, Chuyện tình bên dòng sông; kịch bản phim truyền hình nhiều tập như Lập nghiệp, Cô gái mang tên dòng sông; các kịch bản sân khấu như Hồ Chí Minh - hồi ức màu đỏ, Sau cơn giông... Khẳng định tài năng ở nhiều lĩnh vực, Nguyễn Quang Vinh sớm trở thành cái tên được nhắc đến với không ít lời khen ngợi và ngưỡng mộ. Và khi tiểu thuyết Lời thề ra mắt gần đây, tên tuổi của nhà văn càng được biết đến nhiều hơn.
Khúc ca bi tráng về cuộc chiến bảo vệ cương thổ
Với nhà văn Nguyễn Quang Vinh, Lời thề là cuốn sách lớn của cuộc đời và là mở đầu cho cả một dự án quy mô của ông với khao khát được viết về biển đảo - nơi ông cũng như hàng triệu con dân Việt luôn “đau đáu” mỗi lần đứng trước nguy cơ bị xâm lược. Nhà văn từng tâm sự: “…Với trách nhiệm của một người cầm bút, tôi thấy mình phải góp phần cung cấp cho độc giả cách nhìn chân thực hơn về lịch sử. Lời thề là cuốn sách mở đầu cho thiên lịch sử về biển đảo được viết bằng tiểu thuyết của tôi”. Để hoàn thành cuốn tiểu thuyết, Nguyễn Quang Vinh đã dành ba năm đọc sách và tiểu thuyết lịch sử. Những điều này cho thấy nhà văn thực sự rất tâm huyết với tác phẩm của mình, đồng thời những gì ông viết ra là những chiêm nghiệm từ thực tiễn lịch sử. Có thể nói, bằng tài năng và tấm lòng, Nguyễn Quang Vinh đã cho chúng ta tiếp cận lịch sử một cách mới mẻ, sâu sắc hơn qua cuốn tiểu thuyết đầy sức hấp dẫn.
Lời thề là câu chuyện kể về những người đi đánh dấu cương thổ và quyết tâm bảo vệ đảo Cát Vàng của nước Đại Việt (đời sau đổi tên thành đảo Hoàng Sa). Bối cảnh truyện diễn ra vào thời Lý. Khi nghe tin trình báo và được biết đến một dải đảo ngoài khơi xa cách đất liền mấy trăm dặm, Hoàng đế nước Việt lập tức sai các sử quan xem xét trong thư tịch và bản đồ thì biết dải đảo đó đã được ghi rõ với tên Cát Vàng. Ông liền cử đội quân do Đô tướng Lý Nhất dẫn đầu gồm 200 người cùng 5 phụ nữ ra đảo Cát Vàng để cắm mốc biên giới, khẳng định chủ quyền biển đảo của Đại Việt.
Đoàn thủy binh ra đi trong khí thế hừng hực. Thế nhưng, một trận bão biển dữ dội gần như đã nhấn chìm tất cả. Khi đến nơi, cả đoàn chỉ còn lại Đô tướng Lý Nhất, hai thủy binh và một người phụ nữ tên là Lý Thắm. Những hoảng sợ, lo lắng ban đầu là không tránh khỏi. Nhưng chính lòng quyết tâm của người chỉ huy (trên đó là Hoàng đế và toàn bộ con dân Đại Việt) đã vực dậy tất cả. Họ ở lại đảo, khám phá sự giàu có của nơi này và bất chấp mọi gian nguy để ở lại giữ đảo, giữ đất cho Tổ quốc.
Nội dung chính của cuốn tiểu thuyết là viết về công cuộc bảo vệ chủ quyền ở đảo Cát Vàng đầy gian nan, quyết liệt và kịch tính, đặc biệt là khi quân Tề Ngôi (Bắc triều) luôn dùng mọi âm mưu xâm chiếm. Không khí hừng hực khí thế bao trùm lên toàn bộ người Việt: Hoàng đế sáng suốt, có tấm lòng thiện bao dung; các vị tướng tài giỏi, dốc hết tâm sức vì vua vì nước (tiêu biểu là Lý Nhất, Lý Vân, Lý Đạt); những người phụ nữ cũng kiên cường và sẵn sàng dâng hiến khi Tổ quốc cần (Lý Thắm, Huệ Hương và những người phụ nữ trẻ trung xung phong ra đảo)… Thậm chí, ngay đến kẻ đã nhiều lần bán nước như Lý Bật cuối cùng cũng tỉnh ngộ và hy sinh cho nước. Có thể nói, toàn bộ nước Việt hừng hực khí thế, đoàn kết một lòng trong cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ biển đảo quê hương.
Xen giữa tính hào hùng, bi tráng của cuộc chiến bảo vệ cương thổ là mối tình của Lý Nhất và Lý Thắm. Đây không thuần túy là mối tình nam nữ thông thường mà trong đó là tình yêu Tổ quốc, tình yêu biển đảo. Vẫn có những hờn ghen, vẫn có những phút lãng mạn riêng tư rất đời, rất người. Nhưng vượt lên tất cả là sự hy sinh cái ích kỷ của tình yêu nhỏ bé để cống hiến cho tình yêu Tổ quốc vĩ đại. Bởi vậy mà mới có câu nói của Lý Nhất lặp đi lặp lại: “Tất cả con nàng đều là con của ta, con của anh em trên đảo”. Kết thúc tác phẩm là một trận đánh khốc liệt đã hủy diệt tất cả, trên đảo chỉ còn lại hai người là Lý Nhất và Lý Thắm trong giây phút một bé trai chào đời. Đứa bé sẽ ở đảo, tiếp tục sống, gìn giữ cương thổ nơi đây. Đó là một cái kết mở gợi ra ý chí và quyết tâm bảo vệ biển đảo của đời đời con cháu nước Việt, thật thiêng liêng và xúc động.
Với nội dung viết về biển đảo, trong Lời thề, tác giả Nguyễn Quang Vinh đã khéo léo đưa vào nhiều sự kiện mang tính thời sự nóng bỏng: biển đảo quê hương luôn đứng trước nguy cơ rình rập từ bên ngoài bởi thứ “nước lửa” thần kỳ (chính là dầu mỏ), dã tâm mang tính “di truyền” của ngoại quốc khi không ngừng nhòm ngó nước Việt, kẻ bán nước hèn hạ vì lợi ích riêng (mặc dù cuối cùng đã biết tỉnh ngộ)… Tất cả tạo nên tiếng nói đầy sức nặng ám ảnh mỗi người đọc, gợi lên sự suy tư, trăn trở về vận mệnh quốc gia…
Ảnh minh họa. Tác giả: Minh Lý
Đưa kỹ xảo điện ảnh và chất thơ vào tiểu thuyết
Lời thề ám ảnh và thôi thúc người đọc bởi nghệ thuật viết độc đáo, ấn tượng. Nếu nói đó là “nghệ thuật dựng” cũng đúng. Vốn là tác giả của hàng trăm kịch bản sân khấu, điện ảnh lớn, nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã đưa chất kịch và nghệ thuật dựng tài tình vào trong tác phẩm. Bởi vậy, khi đọc tiểu thuyết Lời thề, ta có cảm giác như đây là một kịch bản điện ảnh hoàn chỉnh.
Trước hết, kịch bản ấy dồn dập, thôi thúc với những câu văn ngắn gọn, lời văn cô đọng và hàng loạt đoạn hội thoại đầy kịch tính. Ta gần như bắt gặp hội thoại khắp mọi nơi trong tác phẩm và mỗi đoạn hội thoại ấy giống như một màn kịch được vén ra, còn các nhân vật là những diễn viên tài ba, sống động. Trong đó, đáng chú ý hơn cả là những hội thoại giữa đại thần Lý Vân của nước Việt và Hoàng đế Tề Ngôi. Trước lời lẽ xảo trá và âm mưu thôn tính đến lộ liễu của vị vua một nước lớn, Lý Vân luôn tỏ ra điềm tĩnh và đưa ra những lời khôn khéo, có lý có tình, nhờ đó vừa vạch rõ âm mưu của kẻ địch, vừa thể hiện khí chất của dân tộc. Mỗi lời đối đáp của Lý Vân đều như chất chứa tinh thần Việt, quyết tâm Việt trong việc giữ gìn non sông gấm vóc, biển đảo quê hương. Có thể nói, tác giả Nguyễn Quang Vinh đã rất thành công khi xây dựng ngôn ngữ đối thoại của nhân vật.
Đối thoại trong tác phẩm còn có một điểm nổi bật nữa là kiểu xây dựng lối đối đáp bằng câu hỏi, lý lẽ dồn dập chỉ bằng một câu. Và đó đều là những câu khẳng định, nhấn mạnh tinh thần, cốt cách người Việt như: “Vì đàn bà Việt là phải vậy”… Bên cạnh những đoạn đối thoại đầy kịch tính, cuốn tiểu thuyết còn làm xúc động lòng người bởi những dòng trữ tình ngoại đề tha thiết và cứng cỏi khẳng định chủ quyền, viết về đất, về Tổ quốc: “Tổ quốc hiện ra chói ngời, trong vắt, rừng rực lửa trong mắt người Việt… Tổ quốc đôi khi chỉ là con còng gió, chạy trên cát vàng, trong ráng chiều… Tổ quốc đôi khi như những vạt rau muống biển, nở hoa màu tím, mọc dày trên cát… Tổ quốc là cát, là đá, là những con sóng trào vỗ bờ trắng xóa…”. Và có lẽ xúc động nhất là những dòng viết về Lời thề “hằn vào trái tim của anh em”: “…lời thề không âm thanh, lời thề sâu thẳm, lời thề nặng trĩu, truyền từ đời này sang đời khác, trong máu, trong khí huyết, trong hơi thở”. Thật vậy, lời thề gìn giữ non sông, bảo vệ biển đảo ấy sẽ còn vang vọng và hằn sâu mãi trong muôn đời thế hệ người Việt Nam yêu nước!
Được khởi nguồn từ lời trích: “Đường biển ấy là nơi quan yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu bất cẩn, sẽ phạm trọng tội…” (Trích sắc chỉ Vua Minh Mạng ra lệnh thủy binh ra trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa), cuốn tiểu thuyết Lời thề đã viết về thân phận người Việt đã sống, đã chết, đã tồn tại đời đời kiếp kiếp trên đảo Cát Vàng (Hoàng Sa). Qua tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã khẳng định một cách kiên quyết mà xúc động về quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đồng thời khẳng định đất nước Việt nhỏ bé đấy, người Việt chuộng hòa hiếu đấy, nhưng nếu cần cũng sẽ mạnh mẽ và quyết liệt chống ngoại xâm. Lịch sử đã khẳng định sự chiến thắng của chính nghĩa và mãi mãi sẽ là như vậy.
Mai Hương
(Theo Tạp chí Nhịp cầu Tri thức)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023