Luật hóa mã số ISBN để quản lý xuất bản chặt hơn

Ngày đăng: 14/10/2015 - 15:10

Trước tình hình in lậu sách hiện nay, mã số ISBN là một trong những công cụ hữu ích để giúp các nhà quản lý trong việc quản lý sách. TS. Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Nxb. Giáo dục, chuyên gia ISBN, ủy viên Hội đồng tư vấn Mã số mã vạch đã trao đổi về vấn đề này.

luat hoa1 

Các cuốn sách hiện nay có cách ghi mã số ISBN không thống nhất.

Phóng viên (P.V): Xin ông cho biết mã số ISBN giúp ích gì cho xã hội nói chung và việc quản lý sách nói riêng?

TS. Nguyễn Đăng Quang: Cách đây năm năm, ở Việt Nam chưa áp dụng mã số ISBN trong sách, trong khi các nước trên thế giới đã áp dụng rộng rãi mấy chục năm rồi. Bởi vì khi buôn bán sách, người ta căn cứ vào tên sách chỉ một phần, chủ yếu là căn cứ vào mã số ISBN. Thí dụ tên sách: cùng một cuốn sách có tên “Toán 1”, thì sẽ có “Toán 1” - sách cho học sinh, “Toán 1”- sách cho giáo viên, “Toán 1”- sách bài tập. Nếu người đọc không nhìn kỹ thì sẽ lẫn cuốn sách này với cuốn sách khác. Hay như cuốn sách “Marketing”, có thể của nhiều tác giả khác nhau, có thể là giáo trình của các trường đại học khác nhau. Cho nên nếu chỉ căn cứ vào tên thì dễ bị nhầm lẫn. Đó là lý do tại sao trên toàn thế giới người ta quy định với nhau rằng mỗi cuốn sách nên gắn với mã số, chính là ISBN.

ISBN giống như số chứng minh thư của công dân, biển số xe mô tô, ô tô… nhưng mang tính chất quốc tế, có ý nghĩa trên khắp thế giới. Mỗi cuốn sách mang mã số ISBN là riêng lẻ, không trùng lặp, dù sách xuất bản ở Việt Nam, hay ở Mỹ, Australia, mỗi khi đã mang mã số ISBN thì không hề trùng lặp, đây chính là ý nghĩa hay nhất của ISBN. Và mỗi cuốn sách sẽ được định danh một mã ISBN này.

Song song với việc tồn tại của mã số ISBN, việc áp dụng mã vạch theo chuẩn EAN-13 với dãy vạch và 13 con số với ý nghĩa định danh hàng hóa cũng được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Trong khi đó từ 2007 trở về trước, mã số ISBN như đã nói ở trên có 10 con số và được in ở trang xi-nhê (trang ghi thông tin của cuốn sách ở cuối sách) dưới dạng 10 con số.

Như vậy lúc đó trên thế giới có hai hệ thống mã số tồn tại song song là ISBN dùng cho sách và hệ thống mã vạch dùng cho hàng hóa. Đến lúc này, ngành sách trên thế giới mới nhận ra những bất tiện khi mã vạch của hàng hóa khác có thể đọc bằng máy đọc một cách nhanh chóng và thuận tiện. Nhưng mã số ISBN không thuận tiện khi không tích hợp được với máy đọc, muốn đọc phải gõ từng con số vào máy, không thuận tiện và dễ nhầm lẫn. Từ đó, người ta bắt đầu tìm cách đồng bộ mã số ISBN với hệ thống mã vạch bằng cách thêm ba con số trong hệ thống mã ISBN để đồng bộ hóa với hệ thống mã vạch hiện hành và có thể đọc mã ISBN bằng máy đọc mã vạch.

Tổ chức ISBN khi đó đã đàm phán với tổ chức mã số mã vạch quốc tế và đề nghị tổ chức này cấp cho tiếp đầu ba con số. Hai bên nhanh chóng đạt được những thỏa thuận và hợp đồng ký kết với hai bên trị giá 1 đô la. Lúc này, hệ thống mã ISBN được cấp thêm tiếp đầu số 978 và con số dự trữ 979 nếu con số 978 hết. Từ đó hệ thống ISBN chính thức ra đời và tích hợp được với mã vạch quốc tế.

Đến lúc này, tổ chức ISBN đã chủ động mời các nước chưa tham gia tổ chức này tham gia, trong đó có Việt Nam.

P.V: Gần đây nhất việc áp dụng ISBN được đưa vào luật xuất bản, được luật hóa, ông nghĩ gì về điều này?

TS. Nguyễn Đăng Quang: Kể từ khi được chấp nhận vào năm 1970, mã số ISBN đã được thừa nhận trên bình diện quốc tế là hệ thống phân định cho ngành công nghiệp xuất bản và thương mại sách. ISBN có mặt cùng với xuất bản phẩm chuyên khảo từ khâu in ấn đến các quá trình tiếp theo suốt chuỗi cung ứng và phân phối.

Hệ thống ISBN được dùng như là một yếu tố chủ chốt trong hệ thống đặt hàng và kiểm kê đối với nhà xuất bản, nhà sách, thư viện và các tổ chức khác. Nó là cơ sở để thu thập dữ liệu về các lần xuất bản mới và tiếp nối của các xuất bản phẩm chuyên khảo đối với các danh mục dùng trong ngành thương mại sách. Việc sử dụng ISBN thậm chí còn tạo thuận lợi cho việc quản lý và giám sát quyền bán dữ liệu cho ngành công nghiệp xuất bản.

Trước đây, mã số ISBN không phải là điều quy định nhất thiết phải có trong hoạt động xuất bản, các đơn vị làm sách có thể áp dụng mã số này hoặc không. Việc mã số ISBN được đưa vào luật xuất bản sẽ là một điều kiện thuận lợi và tạo nhất quán trong việc quản lý sách.

Thông qua mã ISBN, cơ quan quản lý có thêm công cụ để quản lý sách. Thêm nữa, sách của Việt Nam có thêm cánh cửa để bước ra thế giới thông qua mã số ISBN.

Luat hoa2 

In mã cùng tông màu với bìa sách sẽ khó nhận mã.

P.V: Ông đánh giá như thế nào về thực trạng việc sử dụng mã số ISBN hiện nay tại Việt Nam?

TS. Nguyễn Đăng Quang: Ở Trung Quốc tất cả sách được xuất bản đều được gắn với mã số ISBN, người ta căn cứ vào ISBN để tính thuế. Đối với sách gắn với mã số 978 thì sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi dành cho sách. Ở Việt Nam không áp dụng như vậy, tuy nhiên, sách được quản lý tương đối chặt chẽ so với nhiều nước trên thế giới.

Trước đây, khi Việt Nam chưa tham gia tổ chức ISBN toàn cầu, và kể từ khi tham gia năm 2007 đến nay, ISBN chưa phải là quy định bắt buộc nên các nhà xuất bản áp dụng chưa thống nhất, chưa đúng chuẩn và đúng quy cách. Nhiều nhà xuất bản in mã ISBN cho sách lẫn lộn với mã EAN-13.

Việc in màu cho mã ISBN, một số nhà xuất bản cũng làm không đúng quy định. Thí dụ có nhiều cuốn sách có bìa màu xanh, được in mã ISBN màu đen trên font màu trắng, máy đọc không thể nhận dạng được. Điều này chứng tỏ nhiều nhà xuất bản chưa nắm vững quy cách của các loại mã. Việt Nam đã tham gia Tổ chức Mã số mã vạch quốc tế và ISBN quốc tế, những quy cách đó cần được tôn trọng.

Cục Xuất bản, In và Phát hành trước đây có tổ chức tập huấn về mã ISBN, nhưng có thể những người đang làm mã hiện nay chưa được dự. Những kiến thức cơ bản về mã lẽ ra những người được đào tạo cơ bản về xuất bản, in ấn phải được cập nhật, song hiện nay chưa có nơi nào dạy cả.

P.V: Theo ông, nên có những hướng dẫn nào về việc sử dụng mã số ISBN để thống nhất trong cách sử dụng?

TS. Nguyễn Đăng Quang: Nên có những quy cách in mã vạch để các nhà xuất bản in mã được thống nhất. Thí dụ mã số ISBN dạng có mã vạch được in trang bìa bốn của cuốn sách, trong khi tại trang xinhê cũng in ISBN ở dạng số.

Một cuốn sách có thể xuất bản dưới nhiều định dạng khác nhau, bìa cứng, bìa mềm, sách điện tử. Các định dạng khác nhau cùng một cuốn sách thì trên trang xinhê cũng được liệt kê ghi hết các mã số ISBN của các định dạng khác. Một cuốn sách nhiều tập, mỗi tập cũng được ghi ISBN của các tập còn lại trên trang xi-nhê, trong khi bìa bốn chỉ in ISBN dạng mã vạch của chính tập đó.

Ngoài ra nên có hướng dẫn cụ thể cho các nhà xuất bản trong việc áp dụng ISBN cho sách. Nếu làm được như vậy sẽ giúp cho các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn nhưng đồng thời giúp cho bạn đọc có được thông tin đầy đủ hơn về xuất bản phẩm đó và những thông tin liên quan.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

THANH NHÀN

(Theo Nhân dân)

Bình luận