Luật xuất bản 2012: Đặt tiền đề cho một giai đoạn phát triển mới của ngành xuất bản, in và phát hành

Ngày đăng: 21/01/2014 - 09:01

Luật xuất bản số 30/2004/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 3 tháng 12 năm 2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2005. Đến năm 2008, để thực thi cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản 2004. Qua gần 8 năm thi hành, Luật xuất bản và các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản phát triển cả về số lượng và chất lượng, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân.

Luat Xuat ban

Tuy vậy, bên cạnh những mặt ưu điểm, một số quy định trong Luật xuất bản và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan và thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, gây ra những khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật. Đặc biệt là sự hình thành, phát triển mạnh mẽ của hoạt động xuất bản điện tử đã tác động không nhỏ đến hoạt động xuất bản và công tác quản lý.

Trước thực tiễn đó, để tạo hành lang pháp lý ổn định cho hoạt động xuất bản phát triển trong giai đoạn mới, ngày 20 tháng 11 năm 2012, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật xuất bản số 19/2012/QH13 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đặt tiền đề cho giai đoạn phát triển mới của hoạt động xuất bản, in và phát hành với những nội dung cơ bản là:

Thứ nhất, Luật xuất bản 2012 tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng tại Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản và Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật hiện hành và giải đáp thỏa đáng những vấn đề đặt ra của thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành sách trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thứ hai, tiếp tục khẳng định vị trí, mục đích của hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa, tư tưởng nhằm phổ biến, giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ ba, để tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản, in và phát hành có bước phát triển toàn diện, bền vững, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, văn hóa và nhiệm vụ kinh doanh, Luật đã quy định Nhà nước có chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật cho hoạt động xuất bản; có chính sách cụ thể đối với từng lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, như: Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng, hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng, chuyển giao công nghệ - kỹ thuật tiên tiến đối với nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh - quốc phòng, thông tin đối ngoại tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo; chính sách đặt hàng mua bản quyền đối với tác phẩm trong nước và nước ngoài có giá trị phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, v.v..

Thứ tư, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể trong hoạt động xuất bản, bao gồm: nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chủ quản, giám đốc, tổng biên tập, biên tập viên của nhà xuất bản, trách nhiệm của chủ thể trong liên kết xuất bản. Để thực thi tốt nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, Luật còn quy định tiêu chuẩn chức danh giám đốc, tổng biên tập và biên tập viên.

Đây là những điều kiện đảm bảo cho hoạt động xuất bản đúng định hướng của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần củng cố, kiện toàn tổ chức và tăng cường đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực cho nhà xuất bản; bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý của nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm và đối tác liên kết làm căn cứ cho việc xây dựng chế tài để ngăn chặn và xử lý những sai phạm trong hoạt động xuất bản.

Thứ năm, Luật đã bổ sung quy định về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, một hình thái mới của hoạt động xuất bản đang phát triển ở nhiều nước trên thế giới và nước ta. Để tạo điều kiện cho hoạt động này phát triển, phục vụ tốt nhu cầu của xã hội đi đôi với quản lý tốt, Luật chỉ quy định một số điều có tính nguyên tắc về phương thức xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử và dẫn chiếu các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính linh hoạt trong việc quản lý hoạt động xuất bản điện tử trong bối cảnh phát triển nhanh của công nghệ thông tin và truyền thông hiện nay.

Với tinh thần đó, Luật xuất bản 2012 là tiền đề quan trọng cho hoạt động xuất bản phát triển cả về số lượng và chất lượng trong giai đoạn mới, xứng đáng với vai trò là công cụ sắc bén trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng, góp phần tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

TS. NGUYỄN BẮC SON

Ủy viên Trung ương Đảng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

 

Bình luận