Luật xuất bản sửa đổi và những vấn đề mới được quan tâm

Ngày đăng: 12/12/2012 - 14:12

Luật xuất bản 2004 được Quốc hội khóa XI, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 3-12-2004, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2005. Ngày 3-6-2008, Luật xuất bản đã được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 3 thông qua việc sửa đổi, bổ sung nội dung của 8/46 điều để thực thi cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tăng cường chế tài trong xử lý vi phạm và kịp thời điều chỉnh đối với một số vấn đề thực tiễn đặt ra.  Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, Luật xuất bản (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận để Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ban Soạn thảo chuẩn bị các nội dung báo cáo trình Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, sáng 27-10-2012, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận trên Hội trường những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiêm túc tiếp thu ý kiến các đại biểu để hoàn chỉnh và thông qua Luật. Ngày 20-11-2012, Luật Xuất bản (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với 460 số phiếu tán thành, đạt tỉ lệ 92,37%.

 

Sự cần thiết sửa đổi Luật xuất bản

Sau 7 năm thi hành, Luật xuất bản 2004 và các văn bản quy định chi tiết đã tạo điều kiện cho hoạt động xuất bản phát triển một bước cả về số lượng và chất lượng, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị và góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi, bên cạnh những mặt ưu điểm, tích cực, Luật xuất bản 2004 cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề mới. Một số quy định trong Luật xuất bản 2004 và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật...

Đáp ứng nhu cầu phát triển chung của ngành xuất bản và các đối tượng trong khuôn khổ chịu sự quy định của Luật, Luật xuất bản (sửa đổi) lần này gồm 5 chương, với 50 điều quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động xuất bản; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản…

Trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng ngày 27-10-2012, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật xuất bản (sửa đổi). Với 24 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội tại Hội trường, đa số ý kiến đã nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật do Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo. Ban Soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến thảo luận ở kỳ họp trước. Đồng thời, các đại biểu đã cùng đóng góp ý kiến để làm rõ thêm các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau đối với một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật.

Phát biểu tại Hội trường, các đại biểu đã đi sâu thảo luận các vấn đề chính: Cần quy định rõ thêm về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là trong việc cấp phép, việc thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực xuất bản; cần làm rõ mối quan hệ giữa lĩnh vực xuất bản và lĩnh vực in, phát hành; cần làm rõ và bổ sung thêm các hành vi bị cấm kể cả ba lĩnh vực xuất bản,in, phát hành; về tiêu chuẩn và số liệu biên tập viên; Cần coi trọng thanh tra, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính; Vấn đề liên kết trong xuất bản phải được quan tâm, bổ sung rõ và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý nội dung liên kết xuất bản; Vấn đề kỹ thuật thể hiện câu, chữ để bảo đảm tính thống nhất giữa các luật và điều luật ngay từ trong Dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất giữa các Luật, giữa các điều luật ngay trong Dự thảo Luật, đảm bảo tính minh bạch và đúng thẩm quyền ban hành, làm rõ trách nhiệm cũng như các lĩnh vực đặc thù được xuất bản, in, phát hành...

Luat xuat ban duoc thong qua ngay 20-11-2012

 Luật xuất bản được thông qua ngày 20-11-2012

Một số ý kiến còn khác nhau của Đại biểu Quốc hội về sửa đổi Luật

Tuy nhiên, ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội tại Hội trường còn nhiều ý kiến khác nhau. Về đối tượng thành lập nhà xuất bản, một số ý kiến đề nghị mở rộng đối tượng thành lập và loại hình tổ chức nhà xuất bản, cho phép tư nhân tham gia thành lập nhà xuất bản - để phát huy các nguồn lực xã hội đầu tư cho sự nghiệp xuất bản và tạo điều kiện cho ngành xuất bản phát triển năng động hơn. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, quy định đối tượng thành lập nhà xuất bản như dự thảo Luật là quá rộng sẽ dẫn đến tình trạng thành lập nhà xuất bản tràn lan, khó khăn cho công tác quản lý...

Về việc thành lập nhà xuất bản và cấp giấy phép hoạt động xuất bản, có ý kiến cho rằng việc tách hai khâu thành lập nhà xuất bản và cấp phép hoạt động xuất bản là chưa chặt chẽ, có thể tạo kẽ hở khó quản lý được…

Về liên kết xuất bản (Ðiều 23) được khá nhiều đại biểu quan tâm đóng góp ý kiến, trong đó có ý kiến đề nghị bỏ quy định đối tác liên kết được tham gia biên tập sơ bộ bản thảo. Nhiều ý kiến cho rằng, việc liên kết xuất bản thời gian qua có nhiều kẽ hở, nhiều sai sót về nội dung, rồi tình trạng bán giấy phép xuất bản cho đối tác liên kết để đối tác lợi dụng in sai trái cho nên lần này cần phải khắc phục. Các ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn trách nhiệm của giám đốc nhà xuất bản và của đối tác xuất bản, không nên quy định chung chung là chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động liên kết và xuất bản phẩm liên kết…

Một số ý kiến đề nghị bỏ quy định ưu tiên đầu tư quỹ đất và kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống cơ sở phát hành xuất bản phẩm tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Đối với vấn đề quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, nhiều ý kiến cho rằng, xuất bản là hoạt động văn hóa, tư tưởng, thông qua việc sản xuất, phổ biến các xuất bản phẩm đến nhiều người, ảnh hưởng của xuất bản phẩm lan truyền rất nhanh và rộng rãi trong xã hội đến tâm lý, tư tưởng của mọi người. Vì vậy, xuất bản phẩm là hàng hóa đặc biệt. Nếu xuất bản phẩm là sản phẩm có giá trị sẽ có tác dụng ảnh hưởng rất lớn nhưng ngược lại nếu là một sản phẩm độc hại thì hậu quả để lại trong xã hội rất khôn lường… Quản lý nhà nước đối với hoạt động này nhằm chấn chỉnh việc một số nhà xuất bản không đủ các điều kiện, bảo đảm kỷ cương, góp phần nâng cao chất lượng công tác xuất bản.

Về tiêu chuẩn của biên tập viên (Ðiều 19), có ý kiến cho rằng quy định tiêu chuẩn biên tập viên: Có kiến thức cơ bản về chuyên môn nghiệp vụ, có nghĩa là phải có chứng chỉ của khóa bồi dưỡng kiến thức về nghiệp vụ xuất bản và biên tập. Cần quy định rõ phạm vi hoạt động của biên tập viên được đăng ký hoạt động ở bao nhiêu nhà xuất bản, tránh làm ảnh hưởng chất lượng xuất bản phẩm khi một biên tập viên làm việc nhiều nhà xuất bản.

 Đối với vấn đề đọc, kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu và thẩm quyền xử lý xuất bản phẩm vi phạm (Khoản 1, Khoản 2 Điều 29), có một số ý kiến cho rằng, theo quy định của dự thảo Luật thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ cấp phép xuất bản phẩm không kinh doanh như kỷ yếu, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh thiên tai... còn các xuất bản phẩm để kinh doanh vẫn do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức đọc, kiểm tra…

Về vấn đề xuất bản điện tử, nhiều đại biểu lo ngại có những rào cản nhất định cho xuất bản điện tử tại Việt Nam, đòi hỏi có những giải pháp phù hợp nhằm phát triển xuất bản điện tử để trong tương lai, sách điện tử sẽ chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp xuất bản…

 Luat xuat ban sua doi se gop phan nang cao viec huong thu van hoa doc cho cong chung

Luật xuất bản sửa đổi sẽ góp phần nâng cao việc hưởng thụ văn hóa đọc cho công chúng

Những nội dung mới được sửa đổi, bổ sung trong Luật xuất bản 2012

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan khác có liên quan nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh dự án Luật.

Theo đó, về đối tượng thành lập nhà xuất bản và loại hình tổ chức nhà xuất bản (Điều 12), về vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, để đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động xuất bản, dự thảo Luật đã mở rộng hợp lý sự tham gia của tư nhân trong các khâu khác nhau của hoạt động xuất bản. Tuy vậy, vì hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, cho nên để bảo đảm điều kiện có thể quản lý, kiểm soát được nội dung văn hóa - tư tưởng của xuất bản phẩm, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chưa cho phép tư nhân thành lập nhà xuất bản.

Về việc thành lập nhà xuất bản và cấp giấy phép hoạt động xuất bản, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã nhập hai khâu cấp phép thành lập nhà xuất bản và cho phép hoạt động xuất bản. Theo đó, cơ quan chủ quản trình hồ sơ xin thành lập nhà xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định và cấp giấy phép thành lập nhà xuất bản; cơ quan chủ quản ra quyết định thành lập nhà xuất bản và hoàn thành các thủ tục cần thiết khác theo quy định của pháp luật; sau khi có quyết định thành lập, nhà xuất bản được hoạt động phù hợp với nội dung ghi trong giấy phép thành lập nhà xuất bản.

Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định rõ trong Luật những trường hợp bị đình chỉ hoạt động xuất bản, thu hồi giấy phép thành lập hoặc bị giải thể nhà xuất bản theo quy định của pháp luật, nhằm chấn chỉnh việc cho thành lập nhà nhà xuất bản không đủ các điều kiện, bảo đảm kỷ cương, góp phần nâng cao chất lượng công tác xuất bản.

Vấn đề liên kết trong hoạt động xuất bản (Điều 23), theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, vấn đề liên kết xuất bản nêu trong dự thảo Luật đã được nghiên cứu kỹ, các quy định đủ chặt chẽ, một mặt tăng cường vai trò của nhà xuất bản đối với hoạt động liên kết, mặt khác khẳng định trách nhiệm của đối tác liên kết. Việc cho phép liên kết biên tập sơ bộ bản thảo là nhằm xác lập cơ sở để quy trách nhiệm chuyên môn và pháp lý của đối tác liên kết đối với một hoạt động mà trên thực tế họ đã thực hiện một cách không chính thức trong thời gian qua. Mặt khác, việc quy định trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh bản thảo vẫn thuộc về nhà xuất bản đảm bảo kiểm soát chặt chẽ nội dung, nhất là nội dung văn hóa - tư tưởng của xuất bản phẩm, đồng thời khẳng định chủ trương không tư nhân hóa lĩnh vực xuất bản. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội đề nghị quy định chặt chẽ hơn trách nhiệm của nhà xuất bản, các nội dung cơ bản của hợp đồng liên kết xuất bản tạo cơ sở cho việc tổ chức thực hiện trong thực tế, dự thảo Luật đã bổ sung quy định các nội dung cơ bản của hợp đồng liên kết tại điểm b, khoản 3 và bổ sung trách nhiệm của tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản trong liên kết xuất bản tại điểm e khoản 5 (Điều 23)...

Đối với một số ý kiến đề nghị bỏ quy định ưu tiên đầu tư quỹ đất và kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho hệ thống cơ sở phát hành xuất bản phẩm tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc thực hiện các chính sách ưu tiên nói trên là nhằm tạo điều kiện để bảo đảm cung cấp thông tin, tri thức qua xuất bản phẩm đến với người dân các địa bàn khó khăn, thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đời sống tinh thần của nhân dân và tăng cường công tác văn hóa - tư tưởng ở các địa bàn đặc thù nói trên. Việc thực hiện chính sách này sẽ được triển khai phù hợp với thực tiễn theo từng giai đoạn phát triển của hoạt động xuất bản. Tiếp thu một phần ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị áp dụng các chính sách ưu tiên nói trên đối với những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Về vấn đề xuất bản điện tử, đang có những lợi thế và ưu điểm phù hợp thời đại phát triển công nghệ thông tin như vũ bão hiện nay và sách điện tử có nhiều triển vọng phát triển. Luật xuất bản sửa đổi đã dành một chương với những quy định tương đối chặt chẽ về quản lý xuất bản điện tử…

Luật xuất bản sửa đổi 2012 với những quy định cụ thể sẽ giúp các nhà xuất bản, cơ sở in, phát hành, công ty sách và cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra xuất bản nghiêm túc thực thi, lập lại trật tự trên lĩnh vực xuất bản, góp phần vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, phục vụ cho công tác văn hóa và giáo dục, cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của nước ta.

Bài VIỆT HÀ - Ảnh LAN HƯƠNG

Bình luận