Mối quan hệ giữa xuất bản với các lĩnh vực của xã hội
Xuất bản ra đời theo yêu cầu của xã hội, phản ánh trình độ phát triển của xã hội, đồng hành và phản ánh trình độ phát triển của xã hội, đồng thời tác động trở lại sự phát triển của xã hội. Đảng và Nhà nước ta khẳng định quan điểm, xuất bản "là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là 1 bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ tích lũy và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội, xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập". Như vậy, hoạt động xuất bản có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội như: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật...
1. Mối quan hệ giữa xuất bản và chính trị
Mối quan hệ giữa xuất bản và chính trị thể hiện tập trung ở việc định hướng dư luận xã hội và giáo dục tư tưởng.
Ở nước ta, Đảng và Nhà nước lãnh đạo toàn diện hoạt động xuất bản. Thông qua các nghị quyết, chỉ thị, hệ thống các văn bản pháp luật, Đảng và Nhà nước định hướng phát triển, ban hành các chính sách và quản lý hoạt động xuất bản. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; Thông báo kết luận số 19-TB/TW, ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; Luật Xuất bản năm 2012; Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT, ngày 29/12/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản; Quyết định số 115/QĐ-TTg, ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;... là những văn bản liên quan trực tiếp tới hoạt động xuất bản. Bên cạnh đó là các quy định pháp luật có liên quan tới hoạt động xuất bản như: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật sở hữu trí tuệ,…
Ngoài chức năng truyền bá thông tin, tri thức, xuất bản phẩm còn phổ biến, tuyên truyền quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, những định hướng, xu thế phát triển mới có thể tác động đến những thay đổi của xã hội. Trong hơn 30 năm đổi mới, hoạt động xuất bản đã cung cấp cho xã hội nhiều xuất bản phẩm với nhiều thể loại phong phú, đa dạng, tạo ra luồng tư tưởng, khuynh hướng dư luận tích cực, góp phần truyền bá, bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giới thiệu tri thức, kinh nghiệm có giá trị của các nước, của nhân loại; góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, giáo dục, nâng cao trình độ và bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tuyên truyền các điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt góp phần xây dựng con người mới, nếp sống mới; thúc đẩy đổi mới tư duy tạo những mặt tích cực trong xã hội, dẫn dắt mọi người hăng hái học tập, lao động và sản xuất, đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái.
Hoạt động xuất bản là trung tâm của hệ thống giáo dục, phổ biến kiến thức và nuôi dưỡng một nền trí tuệ độc lập. Nếu hoạt động xuất bản không phát triển, hệ thống giáo dục bị tổn hại và gặp nhiều khó khăn trong việc trao đổi kiến thức, từ đó xã hội khó có thể phát triển. Từ khi đổi mới đến nay, hoạt động xuất bản và các xuất bản phẩm đã liên tục cung cấp nội dung phong phú cho giáo dục tư tưởng, có vai trò quan trọng trong việc định hướng lập trường, quan điểm và tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; làm rõ yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất nhằm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tuyên truyền phương hướng và những thay đổi tiến bộ của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với lợi ích căn bản của đông đảo nhân dân. Hoạt động xuất bản ngày càng khẳng định là phương thức hiệu quả trong việc dẫn dắt mọi người xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan và quan niệm giá trị đúng đắn; có nhiều cố gắng tuyên truyền tiến bộ, phản đối lạc hậu, phê phán sai trái, trang bị cho mọi người tri thức khoa học để trở thành công dân xã hội chủ nghĩa có lý tưởng, phẩm chất, đạo đức, văn hóa, ý thức tổ chức, kỷ luật, sống và làm việc theo pháp luật.
Những năm gần đây, xuất bản từng bước đổi mới, tiếp cận khoa học, công nghệ hiện đại và thực sự đóng vai trò to lớn trong việc định hướng dư luận xã hội, giáo dục tư tưởng, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; bảo vệ, củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh chống các tư tưởng, luận điệu sai trái, thù địch, phản động; loại bỏ những phong tục, tập quán, lối sống lỗi thời, lạc hậu, không lành mạnh; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;… góp phần tích cực vào những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.
2. Mối quan hệ giữa xuất bản và kinh tế
Mối quan hệ tác động qua lại giữa xuất bản và kinh tế thể hiện tập trung ở những điểm sau: việc xuất bản tác động mạnh mẽ tới giáo dục, từ đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực lao động, thúc đẩy thay đổi tư duy kinh tế và truyền thông; ngược lại, đời sống kinh tế tạo động lực thúc đẩy cho hoạt động xuất bản phát triển; trình độ của mỗi nền kinh tế sẽ chi phối đến quy mô và tốc độ phát triển của hoạt động xuất bản.
Trong phát triển kinh tế, con người là nguồn lực quan trọng nhất. Ảnh hưởng lớn nhất của xuất bản đối với sự phát triển kinh tế chính là cung cấp công cụ giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực lao động đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Thông qua nội dung các xuất bản phẩm, các sách giáo khoa, giáo trình, học sinh, sinh viên, người lao động không ngừng được học tập, rèn luyện nâng cao năng lực, trình độ tư tưởng, văn hóa, khoa học kỹ thuật, kỹ năng lao động, làm việc, giúp cho con người phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, hoạt động xuất bản còn bồi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước, giáo dục đạo đức, tình cảm, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, tích cực, tự giác lao động và học tập của con người. Như vậy, lực lượng sản xuất tiềm năng sẽ trở thành lực lượng sản xuất hiện thực và ngày càng được bổ sung dồi dào, thúc đẩy kinh tế xã hội tăng trưởng nhanh và bền vững.
Sự phát triển kinh tế đòi hỏi phải có tư duy kinh tế đúng đắn để chỉ đạo và tổ chức các hoạt động kinh tế. Mặt khác, sự phát triển liên tục, không ngừng của xã hội có thể làm cho các tư duy đúng trước đây trở nên lỗi thời, gây cản trở đến sự phát triển. Vì vậy, thay đổi kịp thời tư duy kinh tế là một trong những vấn đề mấu chốt của phát triển. Thông qua các xuất bản phẩm, mọi người có thể tiếp cận và tiếp thu những tư duy kinh tế tiên tiến, hiện đại, từ đó tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế phát triển.
Hoạt động xuất bản là hoạt động lưu thông có tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế. Nhờ vào sự lưu thông của xuất bản phẩm, các tầng lớp nhân dân tiếp cận, nắm bắt kịp thời, rộng rãi và vận dụng có hiệu quả những thông tin mới có lợi trong hoạt động thực tiễn, những thành tựu khoa học kỹ thuật thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động xuất bản góp phần thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng hệ thống thông tin nhiều chiều, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả kinh tế. Việc kinh doanh xuất bản phẩm đóng góp tích cực vào thu nhập quốc doanh, tăng nguồn tích lũy đầu tư cho sản xuất.
3. Mối quan hệ giữa xuất bản và khoa học kỹ thuật
Mối quan hệ giữa xuất bản và khoa học kỹ thuật thể hiện ở việc xuất bản phát hiện và thúc đẩy truyền bá những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, làm cho chúng trở thành lực lượng sản xuất hiện thực, đồng thời nâng cao tố chất khoa học và năng lực kỹ thuật cho lực lượng lao động.
Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đã và đang thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, làm thay đổi mạnh mẽ đời sống của con người và xã hội. Những bước tiến về công nghệ thông tin cho phép người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin. Việc xuất bản những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội và các ngành khoa học kỹ thuật có liên quan. Các xuất bản phẩm khoa học đã phát huy vai trò tích cực trong việc nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho con người, chuyển hóa các thành tựu khoa học kỹ thuật thành lực lượng sản xuất, hình thành quan niệm xã hội coi trọng khoa học, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, việc truyền bá những thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ cũng đem đến cơ hội nâng cao tố chất khoa học và năng lực kỹ thuật cho lực lượng lao động.
4. Mối quan hệ giữa xuất bản và văn hóa
Bản chất của hoạt động xuất bản là truyền bá văn hóa, tri thức thuộc các lĩnh vực đời sống xã hội, các tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại để nâng cao dân trí, xây dựng đạo đức và lối sống lành mạnh, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, tích lũy văn hóa, mở rộng giao lưu văn hóa, phát triển văn hóa đọc. Xuất bản giúp lan tỏa những nhân tố tích cực, những mô hình hiệu quả, việc làm tốt đẹp, biểu dương người tốt, việc tốt để khơi dậy sức mạnh của Nhân dân, đồng thời đấu tranh chống lại mọi hoạt động, biểu hiện phi văn hóa, làm tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Các xuất bản phẩm mang trong nó những tài sản văn hóa tinh thần của nhân loại, đồng thời được lưu truyền rộng rãi đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Hoạt động xuất bản liên tục chuyển những thành quả văn hóa có giá trị trong đời sống xã hội thành các hình thức xuất bản phẩm, làm cho tài sản văn hóa tinh thần của nhân loại ngày càng phong phú cùng với sự phát triển của lịch sử. Đó chính là hoạt động tích lũy văn hóa của xuất bản. Thông qua xuất bản, các thành quả văn hóa tinh thần của con người từ trước đến nay được lưu truyền một cách liên tục, hình thành kho tàng văn hóa tinh thần to lớn tạo điều kiện hưởng thụ tốt hơn cho con người. Mặt khác, giữa tích lũy văn hóa và sáng tạo văn hóa có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Việc tích lũy văn hóa sẽ thúc đẩy sự sáng tạo văn hóa; đến lượt mình, sáng tạo văn hóa lại làm tăng thêm sự tích lũy văn hóa mới. Vì vậy, thúc đẩy sáng tạo văn hóa là một thuộc tính của hoạt động xuất bản. Theo các nguyên tắc và chuẩn mực xã hội, hoạt động xuất bản có trách nhiệm sàng lọc, lựa chọn những nội dung văn hóa phù hợp để xuất bản nhằm giới thiệu với công chúng những xuất bản phẩm có giá trị, thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Hoạt động xuất bản cũng là một hoạt động truyền thông, có tác động đến nhận thức, từ đó tác động đến hành động và cách ứng xử của mỗi người dân, hình thành chuẩn mực xã hội. Xuất bản phẩm chính là công cụ, phương tiện truyền thông. Thông qua việc phổ biến, lưu truyền rộng rãi các xuất bản phẩm, văn hóa của các dân tộc và quốc gia khác nhau sẽ được giao lưu, bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Trong quá trình đó, giao lưu, hội nhập văn hóa, như một lẽ tất nhiên, mặt tích cực là cơ bản song cũng xuất hiện mặt tiêu cực. Hơn nữa, mặt trái của kinh tế thị trường khiến nhiều giá trị văn hóa xuống cấp, xuất hiện xu hướng chạy theo đồng tiền, thu lợi bất chính qua các hoạt động văn hóa, dẫn đến xem nhẹ tính giáo dục, định hướng thẩm mỹ. Hoạt động xuất bản có trách nhiệm định hướng văn hóa, phát huy tốt nhất sự bồi đắp, làm giàu văn hóa dân tộc và khắc chế tối đa những hệ lụy, tiêu cực.
Xuất bản phẩm có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Sử dụng xuất bản phẩm là nhu cầu của mỗi người, là cách thưởng thức văn hóa sang trọng và có chiều sâu, là phương thức tốt nhất để làm giàu tri thức. Xuất bản phẩm mang lại cho con người biết bao lợi ích (giá trị). Đó là nâng cao sự hiểu biết, trí tưởng tượng và tầm trí tuệ, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, giúp con người hình thành, phát triển nhân cách và tự hoàn thiện bản thân, xây dựng cho mình thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn, làm giàu hành trang trí tuệ của con người.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của xuất bản đối với phát triển xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương, các nhà xuất bản, các doanh nghiệp in và phát hành cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản; Thông báo kết luận số 19-TB/TW, ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, từ đó xác định trách nhiệm của mình trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện để xuất bản phát triển đúng định hướng, nhanh và bền vững, góp phần phát triển xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
1. Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Xuất bản năm 2012.
2. Văn bản quy phạm về Báo chí - Xuất bản, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.
Quang Duy
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023