Đây là kết quả nghiên cứu của hai tác giả trong mấy năm gần đây về lý luận và thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong quá trình đổi mới, hội nhập quốc tế. Cuốn sách đề cập nhiều nội dung tư tưởng nhân văn - tư tưởng cơ bản nhất trong học thuyết Mác mà không ai có thể phủ nhận được; quan niệm của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hóa lãnh đạo và quản lý; thị trường hàng hóa văn hóa,…. Ngoài ra, các tác giả còn bàn đến kinh nghiệm, chính sách của một số nước trên thế giới trong việc xây dựng, phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm áp dụng vào thực tế của nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, cuốn sách còn tập hợp một số bài viết đề cập đến thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong những năm đổi mới cùng những giao lưu của văn hóa Việt Nam với thế giới trong thời kỳ hội nhập.
Cuốn sách được kết cấu gồm ba phần:
Phần I: Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam
Phần II: Kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong xây dựng, phát triển văn hóa và bài học đối với Việt Nam
Phần III: Thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong những năm đổi mới.
Với những nội dung trên, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ.