Nâng cao công tác quản lý đối với các cơ sở in sử dụng vốn nhà nước
Hoạt động in nước ta luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là hoạt động sản xuất ra các sản phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng nhằm truyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng của đất nước; đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân; thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hội nhập quốc tế.
Hội nghị Công tác quản lý đối với cơ sở in sử dụng vốn nhà nước
Trước xu thế đổi mới và hội nhập, để đáp ứng yêu cầu phát triển của hoạt động xuất bản, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25-8-2004 về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Trên cơ sở định hướng của Đảng, các cơ chế quản lý, chính sách đã được thể chế hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật xuất bản năm 2004, 2008, 2012; Nghị định số 105/2007/NĐ-CP ngày 21-6-2007; Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19-6-2014 quy định về hoạt động in. Với hệ thống văn bản quản lý đồng bộ này, Nhà nước đã từng bước thay đổi phương thức quản lý sang cơ chế quản lý mới, tạo điều kiện cho hoạt động in phát triển với phương châm thu hút được nhiều nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hiện nay, ngành in đang từng bước được hiện đại hóa công nghệ, chất lượng sản phẩm in ngày một nâng cao đáp ứng nhu cầu in trong và ngoài nước. Các cơ sở in gia công sản phẩm cho nước ngoài ngày một phát triển. Hoạt động in đã từng bước chuyển đổi theo xu hướng xã hội hóa, nhiều cơ sở in Nhà nước đã thực hiện cổ phần hóa. Các cơ sở in tại các địa phương đã thực hiện cổ phần hóa 100%; một số cơ sở in thực hiện cổ phần hóa nhưng giữ lại một phần vốn nhất định của Nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo số liệu báo cáo (chưa đầy đủ) của các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương thì số cơ sở in 100% vốn nhà nước trước năm 2004 là khoảng trên 200 cơ sở in, đến nay giảm xuống còn 145 cơ sở in, trong đó 64 cơ sở in do địa phương quản lý, 81 cơ sở in do các bộ, ban, ngành quản lý. Hiện nay, cả nước có khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp, trong đó số cơ sở in nhà nước chiếm khoảng 10%. Hoạt động của các cơ sở in này được tổ chức theo hai loại hình là doanh nghiệp và sự nghiệp công lập. Đối với cơ sở in là doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp bao gồm loại hình: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty cổ phần. Các cơ sở in hoạt động theo loại hình sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ được tổ chức hoạt động theo 1 trong 3 loại hình là cơ sở in sự nghiệp không có thu (in phục vụ nội bộ), hoặc cơ sở in sự nghiệp có thu tự đảm bảo chi phí một phần, cơ sở in sự nghiệp có thu tự đảm bảo chi phí toàn phần. Trong 3 loại hình này thì có 2 loại hình vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của cơ quan chủ quản, vừa tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh như một doanh nghiệp. Trong thời gian qua, các cơ sở in sử dụng vốn nhà nước có sự đầu tư, phát triển tương đối tốt, đảm bảo phục vụ nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan chủ quản và đáp ứng nhu cầu in của xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi các cơ sở in này cũng đang đứng trước những khó khăn như nhiều cơ sở in là đối tượng được hưởng ưu đãi của Nhà nước, nhưng chưa được thực hiện và coi như các đơn vị sản xuất, kinh doanh thương mại khác. Những năm gần đây, do nhiều quy định của Nhà nước có sự thay đổi theo cơ chế quản lý mới, do đó, việc đầu tư của Nhà nước cho các cơ sở in chưa đồng bộ. Một số cơ sở in được quan tâm đầu tư tốt, thiết bị hiện đại, nhà xưởng rộng rãi nhưng không khai thác sử dụng hết hiệu quả, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Một số cơ sở in được đầu tư hạn chế, thiết bị cũ, đã sử dụng nhiều năm, chưa được thay đổi, hạn chế đến khả năng hoạt động và phát triển sản xuất. Quy hoạch phát triển cơ sở in nhà nước nhìn chung chưa hợp lý, bất cập. Một số bộ, ngành có nhiều cơ sở in cùng tập trung trên một địa bàn, dẫn đến sự đầu tư nguồn lực, giao nhiệm vụ khi thực hiện sản phẩm in bị phân tán, gây bất cập ngay trong việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chủ quản. Một số sản phẩm in của cơ quan chủ quản không được đặt in tại cơ sở in nội bộ, dẫn đến không phát huy được hiệu quả đầu tư, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Một số doanh nghiệp in nhà nước không còn vai trò phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng chưa thực hiện cổ phần hóa hoặc thực hiện cổ phần hóa một phần không được đầu tư, đổi mới thiết bị, sản xuất kinh doanh không phát triển sẽ là nguyên nhân dẫn đến việc tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật để tồn tại...
Tại Hội nghị Công tác quản lý đối với cơ sở in sử dụng vốn nhà nước mới diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức, đồng chí Trương Minh Tuấn - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết: Hoạt động in nước ta luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, coi đây là hoạt động sản xuất ra các sản phẩm thuộc lĩnh vực văn hóa - tư tưởng nhằm truyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng của đất nước; đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân; thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hội nhập quốc tế. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ, lãnh đạo Bộ sẽ tập trung chỉ đạo, giải quyết một cách cụ thể, trên tinh thần hỗ trợ hoạt động này phát triển, tuân thủ các quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các cơ sở in thuộc mọi thành phần kinh tế. Đối với những sản phẩm in phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng sẽ có một cơ chế riêng phù hợp với nhiệm vụ của sản phẩm. Tập trung triển khai thực hiện các quy định pháp luật mới về hoạt động xuất bản đến các bộ, ngành, địa phương và các chủ thể tham gia hoạt động này một cách có hiệu quả. Yêu cầu các chủ thể tham gia hoạt động này của Nhà nước phải chủ động và gương mẫu thực hiện các quy định pháp luật về hoạt động xuất bản...
(Theo trithucthoidai)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023