Ngành xuất bản tìm hướng đi mới
Nếu nhìn vào những con số, tình hình xuất bản, in, phát hành (gọi chung là xuất bản) trong nước năm qua có thể đánh giá là “vẫn bình thường”. Số sách tăng nhẹ, số bản sách in giảm nhẹ, phát hành tăng vừa, in ổn định… Thế nhưng, đằng sau sự ít thay đổi đó lại là một sự chuyển động mạnh mẽ, báo hiệu một giai đoạn mới của ngành xuất bản.
Kẻ cười, người khóc
Trong năm 2015, 60 nhà xuất bản trong nước đạt tổng mức lợi nhuận khoảng hơn 100 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng 4 nhà xuất bản gồm: Giáo dục, Chính trị quốc gia - Sự thật, Kim Đồng, Trẻ đạt trên 83 tỉ đồng. Một số nhà xuất bản có mức doanh thu khoảng trên 1 tỉ đồng, một số khác từ vài trăm triệu đồng đến… chỉ cân đối được thu chi, số còn lại là lỗ, mà lỗ nặng nhất vào khoảng 1 tỉ đồng.
Hội Xuất bản Inđônêxia trao đổi kinh nghiệm với Hội Xuất bản Việt Nam
Trong số 4 nhà xuất bản đứng đầu cả nước thì có đến 2 nhà xuất bản mang tính đặc thù là Nhà xuất bản Giáo dục và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật. Đây là những đơn vị mà việc làm sách, kinh doanh sách có nhiều nét khác biệt với các đơn vị xuất bản khác. Như vậy, thị trường chỉ có 2 nhà xuất bản trong cả nước có thể xem là thành công về doanh thu. Có ý kiến cho rằng, 2 nhà xuất bản trên thành công là do họ chuyên làm mảng sách thiếu nhi, truyện tranh vốn đứng đầu về số lượng sách bán ra. Thực tế, không chỉ có 2 nhà xuất bản này làm sách thiếu nhi, còn rất nhiều nhà xuất bản khác cũng thực hiện mảng sách này nhưng không đơn vị nào thành công.
“Hãy nhìn vào Hội sách TP. Hồ Chí Minh, bạn sẽ thấy thực trạng ngành xuất bản Việt Nam”, đó là nhận xét của giám đốc một nhà xuất bản lớn. Hội sách quy mô lớn nhất nước, có đến 172 đơn vị tham gia nhưng chỉ có 3 nhà xuất bản của TP. Hồ Chí Minh (Trẻ, Tổng hợp, Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh) và Nhà xuất bản Kim Đồng tham gia. Có thể nói, Hội sách TP. Hồ Chí Minh đã thể hiện một hình ảnh trái ngược trong lĩnh vực xuất bản ở Việt Nam. Một bên là sự im ắng, lạnh lẽo của khối nhà xuất bản, dù cả 4 đơn vị xuất bản tham gia đều nỗ lực tạo ấn tượng, nhất là Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ. Nhưng sự đơn độc của họ là điều ai cũng dễ dàng thấy được. Bên còn lại là sự sôi động, náo nhiệt đến mức gần như là cuồng nhiệt của các nhà làm sách, phát hành sách tư nhân. Có gian sách một ngày ba cuộc giao lưu (sáng, chiều và tối); có nơi thì đủ loại hình từ giảm giá đến tặng quà. Chỉ tính số đầu sách mới ra mắt đúng dịp hội sách của các nhà làm sách tư nhân, đã có khoảng gần 200 tựa sách. Có tựa sách đến từ những đơn vị đã thành danh từ lâu, có tựa sách của các nhà làm sách lần đầu tiên xuất hiện.
Tương lai của liên kết xuất bản
Nhắc đến sai phạm trong xuất bản hiện nay, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản nhấn mạnh đến hai dạng sai phạm nghiêm trọng. Đầu tiên là tình trạng chưa nộp lưu chiểu đã phát hành, điều này dẫn đến việc khi có sự cố, Cục không thể thẩm tra, xác định, thậm chí là không thể xác nhận tác phẩm bị phản ánh có đúng là của đơn vị xuất bản hay không. Một sai phạm khác là tình trạng xuất bản không đúng với nội dung đăng ký xuất bản. Theo ông Hòa, các đơn vị nhiều khi đánh đố với những miêu tả về tác phẩm vô cùng chung chung, nhiều nghĩa để tạo thuận lợi cho việc chỉnh sửa tác phẩm xuất bản chính thức. Điều đáng nói là cả hai sai phạm nói trên cùng với một số sai phạm phổ biến khác hầu hết đều tập trung vào những tác phẩm liên kết xuất bản.
Thế nhưng, không phải liên kết xuất bản là nguyên nhân chính của các sai phạm trên. Có một điểm cần chú ý là trừ 4 nhà xuất bản đứng đầu kể trên thì hầu hết các nhà xuất bản còn lại đều có tỷ lệ liên kết xuất bản cao, thậm chí có đơn vị còn gần như sống dựa hoàn toàn vào liên kết xuất bản. Nói như vậy để thấy rằng tỷ lệ sách liên kết xuất bản trong thị trường sách trong nước hiện nay là rất cao và dĩ nhiên trong số lượng lớn đó, không thể tránh khỏi những sai phạm, những cá nhân thiếu trách nhiệm. Trên thực tế, nhìn nhận một cách khách quan, tình hình xuất bản thời gian qua đã có dấu hiệu giảm bớt các sai phạm.
Một trong những định hướng chính của ngành xuất bản 2016 là nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập, lãnh đạo của các nhà xuất bản, nhất là những nhà xuất bản yếu kém. Hiện nay có đến 25 nhà xuất bản đang trong tầm ngắm ngừng hoạt động do chưa đáp ứng các yêu cầu theo luật định. Tuy nhiên, trên thực tế, việc hồi phục năng lực kinh doanh cho các nhà xuất bản không mang nhiều ý nghĩa bởi thị trường sách trong nước đang ở tình trạng gần như bão hòa, khả năng cạnh tranh để thu lợi kinh doanh của các nhà xuất bản vốn thiếu kinh nghiệm thương thảo bản quyền, ít khả năng đầu tư dài hơi các tác phẩm… là rất thấp.
Tuy nhiên, nếu trước đây thường có ý kiến cho rằng, nên xóa bỏ những nhà xuất bản không lợi nhuận, lỗ thường xuyên thì trong tình hình thực tế hiện nay, một quan điểm khác đang thành hình. Các nhà xuất bản được thành lập như một lưới lọc, người gác cửa của sách, nếu đơn vị đã không có khả năng kinh doanh thì hãy chuyển hẳn về vai trò chính của họ, nâng cao chất lượng biên tập, ý thức trách nhiệm, tư duy chính trị… để những nhà xuất bản này có thể làm tốt công việc người gác cửa hơn là nỗ lực để làm thêm vai trò đóng góp cho ngân sách. Điều này đặc biệt phù hợp với những nhà xuất bản ở các địa phương, vừa đảm bảo sự lành mạnh của thị trường sách trong vùng, vừa hỗ trợ các đơn vị làm sách tại chỗ.
Năm bản lề của xuất bản
Năm 2016 theo đánh giá của Hội Xuất bản Việt Nam sẽ là một năm bản lề của ngành xuất bản. Nói là bản lề vì đây sẽ là một năm khó có các đột biến về xuất bản do các đơn vị vừa có dấu hiệu phục hồi sau ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, sự phục hồi lại đồng nghĩa hứa hẹn một sự phát triển mạnh mẽ sau đó. Chính vì thế, năm 2016 được xem là sẽ đóng vai trò là năm tìm kiếm những hướng đi mới cho ngành xuất bản trong nước.
Nhưng trước mắt lại chưa mấy lạc quan, nhu cầu đọc sách của bạn đọc hiện phân tán, chưa hình thành những xu hướng cụ thể để có thể tập trung đầu tư. Việc xuất khẩu sách vẫn chưa khởi sắc, tình trạng nhập siêu vẫn khó có thể thay đổi trong vòng vài năm tới. Sách điện tử (ebook) lâm vào bế tắc là một điều được dự báo do đây là tình trạng chung của thế giới.
Cũng chính vì điều đó, ngay từ những ngày đầu năm đến nay, ngành xuất bản trong nước đang nỗ lực tìm giải pháp. Một trong những giải pháp đang được hướng đến là sự liên kết với ngành xuất bản các nước mà mở đầu là những nước trong khu vực, quen thuộc. Vừa qua, Hội Xuất bản đã ký ghi nhớ hợp tác với Hội Xuất bản Inđônêxia, đây là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á trở thành khách mời danh dự tại Hội sách uy tín nhất thế giới Frankfurt năm 2015 và nhờ đó xuất bản Inđônêxia đã được các nhà xuất bản thế giới để ý đến với hàng trăm đầu sách giao dịch bản quyền. Bài học kinh nghiệm của Inđônêxia đang được kỳ vọng sẽ giúp xuất bản Việt Nam mở rộng cánh cửa ra thế giới. Ngoài ra, Hội Xuất bản còn bắt tay với hai nền xuất bản khá mạnh trong khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự kiến vào tháng 10 tới, một cuộc giao lưu sách lớn sẽ được tổ chức giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hầu hết những sai phạm trong ngành xuất bản được dư luận, báo chí phát hiện thời gian qua đều là ở những ấn phẩm đã xuất bản thời gian trước đây. Tác phẩm mới trừ những tranh chấp về bản quyền, tranh luận về tính khoa học của nội dung thì những sai phạm phản cảm, vô lý đã giảm hẳn. |
TƯỜNG VY
Theo SGGP online
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023