Ngành xuất bản, xu hướng phát triển và vấn đề quản lý
1. Xu hướng phát triển của xuất bản
Sự phát triển đột phá của khoa học công nghệ đã làm cho công nghệ in, nhân bản có những kỳ tích mới và phục vụ đắc lực cho sự tăng trưởng nền kinh tế cũng như đời sống dân sinh. Theo dự báo của Hiệp hội Xuất bản thế giới,“đến năm 2015, sách điện tử chiếm khoảng 50% tổng sách được xuất bản trên thế giới”1. Một tư liệu khác cho biết, “nếu như năm 2004 doanh thu từ ebook của thế giới mới chỉ đạt 464 triệu USD bằng 6,4% thị phần sách thì năm 2013 đã đạt 3,6 tỷ USD, chiếm 49,2% doanh thu của thị phần sách”2. Những thập kỷ tới đây của thế kỷ XXI, các loại sách điện tử, sách nói sẽ là sản phẩm giữ vị trí chủ đạo của ngành xuất bản thế giới. Theo thông tin từ Hiệp hội Xuất bản Hoa Kỳ, “ebook được xuất bản hàng năm tăng theo cấp số nhân và sách truyền thống suy giảm đáng kể ở Mỹ”3.
Ảnh minh họa
Rõ ràng, ebook ngày nay đã và đang là dạng xuất bản phẩm "hot", có tốc độ phát triển chóng mặt và mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà sản xuất, kinh doanh và người sử dụng. Sử dụng ebook ngày nay đã trở thành phổ biến trên thế giới, thậm chí còn là thói quen đọc của nhiều người, nhiều tầng lớp xã hội bởi sự tiện ích của nó. Người đọc có thể mang hàng trăm quyển ebook bên mình trong mọi lĩnh vực và môi trường hoạt động mà lại giảm thiểu thời gian tìm kiếm. Thiết bị đọc ebook có chất lượng cao cho người đọc những cảm giác thoải mái, có thể tiếp thu được đầy đủ, trọn vẹn nội dung.
Quy trình sản xuất xuất bản phẩm sẽ được tự động hóa với sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại với sản phẩm kết hợp hài hòa giữa siêu hình và hữu hình, đáp ứng tốt nhu cầu người sử dụng cả về lượng và chất. Việc buôn bán quốc tế đối với xuất bản phẩm sẽ trở thành phổ biến thông qua hợp tác sản xuất và phân phối lưu thông. Thương mại điện tử đem lại những lợi ích lớn lao cho cả nhà sản xuất, kinh doanh và người sử dụng xuất bản phẩm. Vì thế, xuất bản phẩm của mỗi quốc gia sẽ có mặt trên mọi thị trường thế giới, nếu chúng đáp ứng nhu cầu của khách hàng nơi đó. Khoảng cách giữa sản xuất xuất bản phẩm và sự có mặt của chúng trên thị trường sẽ được tính bằng gang tấc bởi sự hỗ trợ đắc lực và toàn diện của công nghệ sản xuất, lưu thông. Sự tăng tốc nhanh chóng của các chủng loại xuất bản phẩm đã làm cho ngành xuất bản mỗi nước có sự biến động mạnh về lực lượng tham gia cũng như tính chất và quy mô hoạt động. Sự ra đời của các tập đoàn xuất bản xuyên quốc gia và mối liên hệ chặt chẽ trong các khâu sáng tác, biên tập, xuất bản, in, phát hành sẽ là xu hướng tích cực của những năm tới.
Ở Việt Nam, toàn cầu hóa xuất bản lan mạnh đã tạo cơ hội cho quá trình sản xuất và lưu thông xuất bản phẩm ở Việt Nam phát triển nhanh chóng, đa dạng và phong phú. Cơ hội và điều kiện làm việc được đổi mới căn bản thông qua đầu tư công nghệ tiên tiến. Vì thế ngành xuất bản Việt Nam đã đáp ứng khá tốt nhu cầu xuất bản phẩm của nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện định hướng tư tưởng và giáo dục. Hàng năm, lượng xuất bản phẩm đưa ra thị trường đã tăng không ngừng. Xét về mặt kinh tế, ngành xuất bản đã có hướng đi đúng đắn, mang lại lợi ích đáng kể cho chính mình và đất nước. “Năm 2013, Việt Nam nhập khẩu 50 triệu bản xuất bản phẩm, bằng 17,8 triệu USD, tăng 1% so với năm trước và xuất khẩu 371.000 bản bằng 3,7 triệu USD, tăng 0,5% so với năm trước… Tổng số xuất bản phẩm được sản xuất trong nước năm 2013 là 279.720.000 bản, bình quân đầu người 3,2 bản sách”4. Tuy nhiên, xã hội càng phát triển thì nhu cầu xuất bản phẩm của nhân dân ngày càng cao hơn. Chẳng hạn, các loại xuất bản phẩm hiện đại như ebook, sách nói đang là xu hướng phát triển của xã hội, song mới chiếm 1,5% so với tổng thị phần xuất bản phẩm Việt Nam. Đây cũng là nguyên nhân làm cản trở việc thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội về xuất bản phẩm làm suy giảm năng lực cạnh tranh, phát triển và hòa nhập quốc tế của ngành.
2. Những bất cập của quản lý xuất bản trong bối cảnh toàn cầu hóa
Trong gần 10 năm gia nhập thị trường thế giới, ngành xuất bản là đối tượng được quan tâm đặc biệt của quản lý nhà nước. Nhà nước đã coi xuất bản là một hoạt động kinh tế đặc thù, vừa làm kinh tế vừa thực hiện mục tiêu văn hóa tư tưởng. Vì thế Nhà nước đã có những chính sách nhằm động viên, khích lệ ngành phát triển đúng định hướng. Hàng năm, cơ quan quản lý nhà nước đã thực thi giám sát, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm xuất bản. “Năm 2013 Nhà nước xử lý 124 xuất bản phẩm, đối với 72 cá nhân, tổ chức vi phạm luật. Những xuất bản phẩm này có nội dung phản cảm, thiếu giáo dục và nhạy cảm về chính trị”5. Việc làm đó đã góp phần làm suy giảm các hiện tượng vi phạm luật.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống pháp luật và chính sách của Nhà nước đối với xuất bản còn nhiều bất cập, chưa tiến kịp với nhu cầu và xu hướng phát triển của thời đại. Đó là “quy định của Luật đối với việc sản xuất, kinh doanh ebook - một loại xuất bản phẩm đang phát triển như vũ bão hiện nay còn chưa cụ thể và đầy đủ; chưa có quy định về quản lý thị trường sách điện tử hữu hiệu”6. Đây là loại hàng hóa đặc biệt, về quá trình sản xuất, phân phối lưu thông và sử dụng, nên cần có các quy định riêng, cụ thể và quản lý gắt gao. Hiện tại, Nhà nước chưa có các quy định cụ thể về người nước ngoài tham gia sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm ở Việt Nam. Trong khi đó, vấn đề này đang diễn ra và cạnh tranh thuần túy theo quy luật thị trường, gây bất cập cho cả việc sản xuất và người sử dụng xuất bản phẩm; chưa có quy định cụ thể, phù hợp về năng lực những người quản trị trong doanh nghiệp xuất bản, in, kinh doanh xuất bản phẩm. Đặc biệt là còn thiếu các quy định, đòi hỏi về năng lực hoạt động của nhà xuất bản (NXB), doanh nghiệp in, phát hành xuất bản phẩm để tránh hiện tượng hoạt động không đúng chức năng hoặc không theo hiệu quả mong muốn.
Việc quy định các chế tài xử phạt còn quá nhẹ, khi xử lý thì xuê xoa, cả nể khiến các vụ việc vi phạm luật gia tăng, gây nhức nhối xã hội. Đó là các việc xuất bản không giấy phép, xuất bản thay đổi nội dung quy định trong giấy phép, in, nhân bản lậu, vi phạm bản quyền, kinh doanh xuất bản phẩm ngoài luồng, xuất bản phẩm có nội dung độc hại. Trong đó các xuất bản phẩm điện tử, các loại văn hóa phẩm nhạy cảm có tính đặc thù về sản xuất như băng đĩa chiếm phần lớn…
Các chính sách đặc thù đối với xuất bản chưa được nghiên cứu kỹ và ban hành cụ thể khiến cho hoạt động của nhiều cơ sở lúng túng và thiên về kinh doanh chụp giật. Nhiều NXB sống bằng liên kết, nhưng lại không kiểm soát được đối tác, làm cho thị trường xuất bản phẩm rối loạn, cạnh tranh không cân sức giữa các thành phần, giữa người làm ăn chân chính, tuân thủ pháp luật với kẻ vi phạm luật. Mục tiêu kinh doanh xuất bản phẩm bị xa rời ở cơ sở, nhất là đã làm biến dạng các hiệu sách ở nhiều vùng, miền, làm cho cả mục tiêu kinh tế và văn hóa, tư tưởng của ngành đều khó đạt được.
Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình trạng đóng băng, ngừng hoạt động và phá sản, thì các doanh nghiệp xuất bản cũng gặp muôn vàn khó khăn, chưa tìm được cách tháo gỡ. “Phần lớn các doanh nghiệp này chưa có một tầm nhìn và những chiến lược hoạt động tương ứng. Có điều đó là do năng lực của nhân sự ở hầu hết các doanh nghiệp đều chưa ngang tầm với nhiệm vụ họ đảm nhiệm, chưa có tầm nhìn chiến lược trong sản xuất, kinh doanh”7. Chúng ta vẫn cho rằng trình độ học vấn của hầu hết cán bộ NXB đã đạt chuẩn, tuy nhiên, năng lực hoạt động của họ lại rất yếu, lúng túng, bị động trước các tình huống kinh doanh diễn ra trên thị trường. Đó là kết quả của quá trình đào tạo nặng về lý luận mà kém kỹ năng, đào tạo cái mình có chứ chưa đào tạo cái thị trường cần. Quá trình đào tạo chưa tạo nênchất riêng biệt với tính thích ứng cao của nhân sự kinh doanh xuất bản phẩm, chưa gắn với quy chuẩn quốc tế và xu hướng phát triển xuất bản... Thực tế đó đã làm cho hoạt động xuất bản phát triển rất phức tạp, song quản lý xuất bản chưa tiến kịp và chưa có giải pháp quản lý phù hợp.
Ảnh minh họa
3. Một số giải pháp quản lý xuất bản hiện nay
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xuất bản
Cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật và chính sách đối với xuất bản theo hướng đầy đủ và phù hợp. Bổ sung, sửa đổi một số điều khoản trong Luật Xuất bản8 và văn bản dưới luật.
Luật cần chú trọng vấn đề quyền tác giả trên nguyên tắc: Nhà nước bảo hộ quyền tác giả như thế nào, xuất bản phẩm khác nhau được bảo hộ ở mức độ nào, các dạng vi phạm cụ thể được xử lý ra sao?
Luật cần làm rõ hơn những quy định cấm cụ thể đối với NXB, công ty in, phát hành xuất bản phẩm. Cần phân loại các dạng vi phạm ứng với các mức độ xử phạt khác nhau để cả cơ quan quản lý và người bị xử lý không lúng túng khi có vụ việc xảy ra.
Luật quy định, chỉ có cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội mới được thành lập NXB. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, cần chú ý đến tính chất cũng như quy mô và năng lực của họ ra sao. Thực tế cho thấy không ít đơn vị “đủ điều kiện” để thành lập NXB, nhưng lại yếu kém về năng lực hoạt động, từ đó đã nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc cho liên kết xuất bản.
Mức vốn pháp định khi thành lập NXB cần được tăng lên, bởi lẽ thiếu vốn, khả năng sinh lợi yếu sẽ là một nguyên nhân dẫn đến sai sót trong hoạt động của NXB. Luật nên quy định điều khoản về cổ phần hóa NXB. Nhà nước chỉ nên giữ lại một số NXB phục vụ cho công tác tuyên truyền của Đảng. Tuy nhiên, trong các NXB cổ phần, Nhà nước phải giữ phần trăm chi phối để đảm bảo định hướng chặt chẽ quá trình hoạt động. Nhà nước cần quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm sách NXB được phép liên kết cũng như quy trình và loại sách liên kết; quy định về sách điện tử, sách nói và quản lý thị trường loại sách này chặt chẽ, hữu hiệu hơn.
Các điều khoản quy định về xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm cần xem xét lại dạng vi phạm, mức độ, và hình thức xử phạt sao cho hợp lý, đủ sức răn đe. Cần xử lý nghiêm cả cán bộ quản lý để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Văn bản dưới luật cần ban hành kịp thời, hướng dẫn và giải thích cụ thể, rõ ràng hơn.
Xuất bản là ngành đặc thù, cần xây dựng chính sách đầy đủ, hợp lý: quy định rõ chính sách đặt hàng của Nhà nước đối với NXB cho các đối tượng và các vùng, miền cụ thể; mở rộng đối tượng trực tiếp xuất, nhập khẩu xuất bản phẩm và có chính sách khuyến khích hợp lý thông qua thuế, cước phí vận chuyển hàng hóa; hỗ trợ 50% vốn mua bản thảo của nước ngoài cho NXB, nhằm làm cho chất lượng và chủng loại hàng hóa xuất bản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng hơn.
Nâng cao năng lực cán bộ quản lý xuất bản
Cần nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước thông qua việc xác định địa vị pháp lý đúng của các cấp quản lý. Không chồng chéo nhiệm vụ giữa cấp trung ương và địa phương khi quản lý và xử phạt các vụ việc vi phạm. Có biện pháp kích thích cơ quan này phát triển, tự chủ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong phạm vi của mình.
Kiện toàn bộ máy tổ chức của cơ quan quản lý theo hướng xuất phát từ yêu cầu công việc để quản lý và bố trí cán bộ. Điều này đòi hỏi thiết kế các bộ phận với nhân sự hợp lý, mang tính chuyên nghiệp để phát huy tính sáng tạo và nâng cao hiệu quả công việc, nhất là cán bộ quản trị doanh nghiệp.
Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo kiến thức quản lý cho cán bộ quản lý các cấp một cách thường xuyên, chú ý đến rèn kỹ năng chuyên môn, nâng cao tư cách đạo đức chuẩn mực cho người quản lý doanh nghiệp xuất bản phẩm.
Đổi mới phương pháp kiểm tra, thanh tra trong xuất bản
Việc vi phạm trong hoạt động xuất bản đã là tiếng chuông báo động cho các cơ quan quản lý và gây nhức nhối đối với xã hội. Vì thế cần có biện pháp tổ chức thanh tra các đơn vị sản xuất kinh doanh xuất bản phẩm thường xuyên, kiểm tra đột xuất để tạo sự bất ngờ và kiểm soát được tình hình thực tế của đối tượng kiểm tra. Cần kết hợp đồng bộ các ban ngành chức năng để tạo sức mạnh và uy thế trấn áp kẻ vi phạm pháp luật. Khi phát hiện các đối tượng vi phạm luật cần xử lý kịp thời, đúng mức với các khung hình phạt thỏa đáng để đủ sức răn đe. Trong quá trình xử lý các vụ việc vi phạm, không chỉ nhằm vào đơn vị, cá nhân trong doanh nghiệp mà còn cả các cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước khi lơ là công việc, không thực hiện đúng chức năng, bỏ sót hay cố tình bỏ sót các trường hợp vi phạm…
Tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất bản phẩm hợp tác sâu hơn với thế giới
Nhìn chung các doanh nghiệp xuất bản phẩm hiện nay ở Việt Nam có nhiều khó khăn (cả sản xuất và lưu thông), nhất là về vốn hoạt động và năng lực nhân viên. Đây là hai yếu tố làm cản trở đơn vị xuất bản gia nhập thị trường xuất bản phẩm quốc tế và xúc tiến thương mại quốc tế. Trước tình hình đó, Nhà nước cần quan tâm hơn để các đơn vị này có thể nhanh chóng hội nhập, cho phép các doanh nghiệp được trực tiếp thực hiện nhập khẩu xuất bản phẩm (không qua ủy thác); đầu tư để xuất bản một số loại sách có ý nghĩa giáo dục cao; đầu tư hoặc ưu tiên một phần hạ tầng cơ sở để đơn vị mở rộng và nâng cao năng lực hoạt động kinh doanh như: cấp đất, cho thuê nhà giá ưu đãi, giảm một số loại thuế để doanh nghiệp tái đầu tư kinh doanh.
Nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ xuất bản
Hiện tại, vấn đề đào tạo của cả ba khâu trong xuất bản còn nan giải, mới chú ý hình thức, nhưng chất lượng, nội dung và phương pháp để đạt hiệu quả chưa được coi trọng. Do đó cần có một tầm nhìn thoáng đạt với chiến lược đào tạo phù hợp và hướng đích là: đào tạo cán bộ cho ai, họ sẽ làm gì, làm như thế nào, từ đó sẽ tìm ra giải pháp thông minh cho vấn đề bơi ra đại dương và thay thế cho tư duy thiển cận, cục bộ bản vị ao nhà bấy lâu nay. Chúng ta đang theo xu thế chung - đào tạo theo tín chỉ, một phương pháp đào tạo hữu hiệu mà thế giới và các trường đại học lớn trong nước cũng đã thực hiện. Tuy nhiên nếu không cẩn thận sẽ làm suy giảm chất lượng đào tạo khi thực hiện máy móc, rập khuôn mà không nhìn nhận vấn đề thực tại và năng lực của cơ sở đào tạo. Mấu chốt là cần có một chương trình, với các tín chỉ và nội dung phù hợp, cắt bỏ vấn đề không cần thiết để tránh đào tạo nhiều mà người học ra ngành không dùng đến; cần thay đổi thuật ngữ đã lạc hậu bằng thuật ngữ hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển; cần một đội ngũ giảng viên giỏi, có chuyên môn sâu, đủ sức tư vấn, nêu vấn đề, rèn kỹ năng, đánh giá và kích thích người học; hợp tác rộng, sâu để thu hút nhân tài xã hội và tạo điều kiện cho giáo viên học tập, tự học; cần có hệ thống giáo trình và tài liệu tham khảo để sinh viên thả sức tìm kiếm tri thức. Quản lý đào tạo sát sao hơn nhưng nên hướng vào nâng cao chất lượng giờ học, và những người quản lý đào tạo các khoa chuyên ngành cũng cần có chuyên môn hóa theo các chuyên ngành đó.
Thực tế đang đòi hỏi ngành xuất bản phải nỗ lực để tiến kịp xu hướng thời đại và nhu cầu xuất bản phẩm của nhân dân. Việc đón trước nhu cầu xuất bản phẩm, sự tăng tốc của công nghệ xuất bản, các hành vi kinh doanh phù hợp với xu thế thị trường... đang là đòi hỏi bức thiết đối với xuất bản Việt Nam hiện nay. Đây là những bước đi không dễ dàng đối với ngành xuất bản (bao gồm cả các đơn vị biên tập xuất bản, in và phát hành) trong bối cảnh toàn cầu hóa, đòi hỏi phải có sự quản lý dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn xuất bản, đảm bảo sự phát triển hài hòa các mối quan hệ trong nước và quốc tế.
Phạm Thị Thanh Tâm - Thái Thu Hoài
(Theo Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật)
_______________
1. Hiệp hội xuất bản quốc tế: Báo cáo tình hình xuất bản thế giới, Hội chợ sách quốc tế tại Đức, 10-2013.
2, 4, 5. Cục Xuất bản Bộ Thông tin và Truyền thông: Báo cáo tổng kết công tác quản lý xuất bản năm 2013.
3. Hiệp hội xuất bản Hoa kỳ: Tình hình xuất bản ở Hoa kỳ, Hội chợ sách quốc tế tại Đức, 10-2013.
6, 7. Cục Xuất bản Bộ Thông tin và Truyền thông: Tình hình hoạt động xuất bản 9 tháng đầu năm 2012,Tạp chí Tri thức thời đại, 10-2012.
8. Luật xuất bản nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2012.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023