Tác giả: Đỗ Thị Ngọc Lan (Chủ biên)
Số trang: 190 trang
Giá tiền: 43.000đ
Xét về nguyên tắc, có thể hiểu đạo đức công vụ là những giá trị đạo đức và chuẩn mực pháp lý được áp dụng cho cán bộ, công chức, đó là phép tắc về quan hệ giữa công chức với công chức, giữa công chức với tập thể và xã hội trong hoạt động công vụ. Việt Nam mới chính thức xây dựng hệ thống quản lý đạo đức công vụ chưa đầy 7 năm, tính từ thời điểm ban hành Luật phòng, chống tham nhũng, do đó còn rất nhiều việc phải làm, từ hoàn thiện khung pháp lý, khung tổ chức, các tiêu chí đánh giá đạo đức công chức, vấn đề văn hóa tổ chức…
Cuốn sách chọn cách tiếp cận so sánh để nghiên cứu về hệ thống quản lý đạo đức công vụ giữa các quốc gia, với trọng tâm nghiên cứu là so sánh các bộ quy tắc ứng xử của một số quốc gia với nước ta, từ đó đưa ra những khuyến nghị cho hệ thống quản lý đạo đức công vụ của Việt Nam. Chương 1 nêu ba thành tố của bộ quy tắc ứng xử là: giá trị cốt lõi, nguyên tắc, hành động ứng xử, cung cấp thông tin về giá trị cốt lõi của nền công vụ của một quốc gia. Chương 2 là chương trọng tâm cung cấp thông tin so sánh các quy định hiện hành về đạo đức công vụ của một số quốc gia, gồm những so sánh về: mục đích, giá trị cốt lõi, những nguyên tắc chung và những nội dung cụ thể của bộ quy tắc ứng xử. Trên cơ sở 12 nguyên tắc quản lý đạo đức công vụ do tổ chức OECD đề xuất, chương 3 chọn ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, đó là xác định giá trị cốt lõi của nền công vụ Việt Nam; làm rõ các nguyên tắc đạo đức công vụ; cụ thể hóa các quy tắc ứng xử cho phù hợp với từng địa phương, từng ngành, từng tổ chức hành chính; công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến bộ quy tắc ứng xử cho công chức; vấn đề hành vi nêu gương của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý; gắn đạo đức công vụ với phòng, chống tham nhũng; các biện pháp kiểm soát nên được bổ sung bằng sự tự giác cam kết, chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của từng công chức, viên chức.