Trong các thời kỳ lịch sử, các triều đại Việt Nam đều có ý thức mở mang lãnh thổ. Thế kỷ XI, lãnh thổ Đại Việt mở rộng đến Quảng Trị, phần Biển Đông mở rộng đến biển Chămpa. Năm 1306, lãnh thổ, lãnh hải mở rộng đến vùng Thừa Thiên - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam; năm 1402 mở rộng đến Quảng Ngãi; năm 1471 mở rộng đến đèo Cù Mông (bắc Phú Yên). Một dấu mốc quan trọng cho việc mở cõi về phương Nam đó là việc nhà Lê giao cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa năm 1558 và từ đây, công cuộc mở cõi về phương Nam diễn ra liên tục để chúng ta có một lãnh thổ rộng lớn bao gồm cả đất liền, hải đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Biển Đông như lãnh thổ Việt Nam hiện nay.
sách triều Nguyễn trước đây đều rất đề cao vai trò của chúa Nguyễn Hoàng, nhưng từ sau 1945, việc đánh giá về nhân vật lịch sử này chưa thống nhất trong giới sử học: giữa công và tội, giữa chia cắt và phát triển đất nước, giữa hận thù và ơn nghĩa với chúa Trịnh - vua Lê… Năm 2008, Hội thảo khoa học cấp quốc gia Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ giữa thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX, do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đồng tổ chức và năm 2013, Hội thảo khoa học Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức, đã đánh giá lại “công và tội” của chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn; phân tích một cách khách quan, trung thực, công bằng những thành tựu và hạn chế của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trước khi thực dân Pháp sang xâm lược nước ta. Trong đó có đánh giá rõ những đóng góp của chúa Tiên Nguyễn Hoàng trong công cuộc mở đất phương Nam.
Để giúp bạn đọc hiểu sâu sắc hơn về chúa Tiên Nguyễn Hoàng và vùng đất Quảng Trị - nơi chúa Tiên khởi đầu dựng nghiệp mở cõi, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản lần đầu cuốn sách Nguyễn Hoàng - Người mở cõi do GS. VSTT. NGND. Phan Huy Lê và PGS.TS. Đỗ Bang đồng chủ biên, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan tổ chức bản thảo.
Cuốn sách tập hợp gần 30 bài viết được lựa chọn từ Hội thảo khoa học Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) và một số bài viết đăng trên tạp chí Huế - Xưa và Nay.
Sau khi xuất bản, cuốn sách nhận được sự quan tâm tìm đọc của độc giả, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, những người yêu thích tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Nhân kỷ niệm 410 năm ngày mất của Nguyễn Hoàng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản cuốn sách có nhiều giá trị này.
Đây là công trình khoa học có nhiều đóng góp về tư liệu và nhận thức mới về nhân vật lịch sử Nguyễn Hoàng. Mặc dù cho đến nay vẫn còn những tồn nghi chưa được làm sáng tỏ liên quan đến chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhưng qua nội dung cuốn sách, chúng ta phần nào hiểu được tương đối đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách và những đóng góp của ông đối với lịch sử dân tộc.
Về những đóng góp của chúa Nguyễn Hoàng đối với công cuộc mở cõi đất phương Nam, các bài viết về cơ bản đều thống nhất đánh giá tổng quát những công lao, cống hiến của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn tiếp theo trên ba khía cạnh:
Một là, Nguyễn Hoàng là người khởi nghiệp, trong một thời gian ngắn đã biến đất Thuận Hóa, Quảng Nam thành cơ ngơi, thành bàn đạp cho toàn bộ sự nghiệp phát triển của vùng Đàng Trong.
Hai là, Nguyễn Hoàng đã đẩy mạnh sự phát triển về mọi mặt để cho Thuận Quảng vốn là một nơi hoang sơ, lạc hậu, nơi biên viễn xa xôi của quốc gia nhanh chóng trở thành một vùng kinh tế - xã hội phát đạt.
Ba là, công lao lớn nhất là sự nghiệp mở cõi về phương Nam. Nguyễn Hoàng chỉ mới mở đất đến Phú Yên, nhưng đó là bước khởi đầu rất quan trọng để các chúa Nguyễn sau đó tiếp nối, đến giữa thế kỷ XVIII thì mở cõi vào đến tận đồng bằng sông Cửu Long, khi toàn bộ vùng đất Nam Bộ được sáp nhập vào đất Đàng Trong năm 1757. Đến đây lãnh thổ của nước Đại Việt bao gồm Đàng Trong và Đàng Ngoài, về cơ bản gần như lãnh thổ Việt Nam hiện nay kể cả đất liền, hải đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Có thể nói, đây là mốc xác lập lãnh thổ quốc gia - dân tộc của nước Đại Việt - Việt Nam.
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng cung cấp những tư liệu mới về vùng đất Quảng Trị, những di tích liên quan đến thời Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị. Những dấu tích này cho đến nay gần như đã bị xóa nhòa, đặt ra cho chúng ta cũng như tỉnh Quảng Trị những vấn đề cần làm để nhận thức và tôn vinh thật xứng đáng đối với chúa Nguyễn Hoàng và những người cộng sự thân cận của ông.