Nhà ở là một nhu cầu thiết yếu, hàng đầu, không thể thiếu được của con người. Nó cũng là một bộ phận cấu thành nên văn hoá vật chất của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng người; và cũng là nơi con người tiến hành một số hoạt động sản xuất và hàng loạt hoạt động văn hoá tinh thần. Tùy theo điều kiện tự nhiên, xã hội khác nhau, mỗi cộng đồng người xây dựng cho mình một kiến trúc nhà ở phù hợp nhất. Qua mỗi kiến trúc đó, chúng ta có thể phần nào tiếp cận được những vấn đề thuộc về văn hóa vật chất và tinh thần. Do đó, nghiên cứu về nhà ở và các hoạt động gắn liền với nó là một vấn đề thú vị và cần thiết khi nghiên cứu nhân học, dân tộc học.
Người Triêng ở Việt Nam là một nhóm cư dân sinh sống tập trung ở hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, trên dải biên giới Việt - Lào, cận kề với những người đồng tộc ở Lào. Do những biến cố về lịch sử, kinh tế, chính trị, xã hội, họ đã tách thành hai bộ phận, cư trú ở hai khu vực có điều kiện địa lý, khí hậu ít nhiều không giống nhau, sống cận kề với những dân tộc khác nhau. Điều đó đã và đang tạo ra những khác biệt trong ngôi nhà ở của họ trên hai khu vực cư trú.
Cuốn sách Nhà ở của người Triêng ở Việt Nam của Tiến sĩ Phạm Văn Lợi – hiện đang công tác tại Viện Việt Nam học giúp bạn đọc tìm hiểu thêm những khía cạnh về văn hóa tộc người, đặc biệt là ngôi nhà ở của người Triêng. Cuốn sách tập trung làm rõ hai nội dung cơ bản:
Thứ nhất, mô tả, trình bày những yếu tố vật chất, kỹ thuật tạo nên ngôi nhà, bao gồm: kết cấu bộ khung cột, nóc mái, sàn, vách… và quá trình xây dựng nhà.
Thứ hai, cuốn sách giới thiệu, phân tích những yếu tố xã hội liên quan đến ngôi nhà ở của người Triêng, bao gồm: quan hệ giữa các thành viên trong nhà với nhau; giữa họ với cộng đồng bên ngoài và giữa con người với thần linh cũng như những sinh hoạt đời thời, phong tục, lễ nghi diễn ra trong ngôi nhà...
Bên cạnh đó, nội dung cuốn sách cũng chỉ ra sự tương đồng và khác biệt trong kiến trúc ngôi nhà ở của hai bộ phận người Triêng ở hai khu vực Kon Tum và Quảng Nam, giữa ngôi nhà của người Triêng với ngôi nhà của các dân tộc khác cùng sinh sống trên khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên và miền núi phía Bắc nước ta. Đồng thời, sách phân tích những biến đổi về kiến trúc, những phong tục liên quan đến ngôi nhà ở của người Triêng từ truyền thống đến nay. Tác giả cuốn sách cũng đã có những luận giải và phản biện tương đối rõ ràng cho sự biến đổi này. Hy vọng cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin thực tế và hữu ích.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.