Nhà xuất bản loay hoay trong cấp đổi giấy phép
Đến nay, đã quá thời hạn bốn tháng, nhưng theo quy định của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP và việc xét cấp đổi giấy phép thành lập, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) mới chỉ cấp đổi cho 27 trong số 60 nhà xuất bản (NXB) (chiếm 45%); vẫn còn 33 NXB chưa được cấp đổi, trong đó 26 NXB chưa đủ các điều kiện cơ bản, đặc biệt là yêu cầu bảo đảm kinh phí hằng năm có ít nhất năm tỷ đồng.
Thị trường xuất bản lành mạnh góp phần nâng cao văn hóa đọc
Tiếp tục “vượt sóng”
2015 vẫn là một năm nhiều khó khăn của ngành xuất bản, song hoạt động xuất bản đã có những nỗ lực và chuyển biến tích cực. Lượng sách xuất bản có tổng số 73.597 cuốn được Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận đăng ký xuất bản; 29.120 cuốn nộp lưu chiểu với 363.012 triệu bản. Nội dung xuất bản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội; nhiều xuất bản phẩm phục vụ kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, có nhiều xuất bản phẩm về địa lý, lịch sử, chính trị có giá trị, liên quan đến bảo vệ chủ quyền quốc gia; là những tư liệu, bằng chứng xác đáng, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biển đảo Việt Nam. Riêng sách văn học xuất bản được khoảng 3.400 cuốn với 7.199 triệu bản, chiếm 12% tổng số sách toàn ngành.
Sự chấn chỉnh kịp thời của cơ quan quản lý đối với một số NXB trong việc xuất bản loại sách ngôn tình, đam mỹ không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đã tạo được sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo sách văn học với sự ra đời nhiều hơn những tác phẩm hướng người đọc đến những giá trị nhân văn cao đẹp. Nhìn chung, các đối tượng tham gia hoạt động xuất bản chấp hành ngày càng nghiêm túc quy định của Luật Xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; công tác quản lý nhà nước đã có bước phát triển hiệu quả chiều sâu; các cơ quan chủ quản có sự quan tâm hơn trong chỉ đạo, định hướng hoạt động của NXB, đặc biệt là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tư tưởng trong nội dung xuất bản phẩm.
Công tác quy hoạch, kiện toàn bộ máy tổ chức và bổ nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo được chú trọng với tổng số 56 NXB có đầy đủ chức danh lãnh đạo theo quy định của Luật Xuất bản. Một số cơ quan chủ quản ý thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm trong việc tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của NXB để đáp ứng quy định mới của Luật Xuất bản năm 2012 như cấp thêm diện tích trụ sở, đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung kinh phí hoạt động. Đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan chủ quản NXB với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc rà soát, tháo gỡ khó khăn; đặc biệt trong xử lý kịp thời các sai phạm…
Có nhất thiết bảo đảm kinh phí năm tỷ đồng?
Vào thời điểm này, vấn đề nổi cộm của ngành là việc thực hiện cấp đổi lại giấy phép thành lập NXB, khi theo quy định, một trong những điều kiện hết sức quan trọng là cơ quan chủ quản và NXB phải bảo đảm kinh phí hằng năm ít nhất năm tỷ đồng để NXB thực hiện nhiệm vụ xuất bản. Số lượng 27 trong số 60 NXB được cấp đổi giấy phép, 26 NXB không đủ điều kiện và vấn đề làm thế nào để NXB có được số tiền năm tỷ đồng đang là câu hỏi lớn.
Tại Hội nghị công tác cơ quan chủ quản NXB vừa diễn ra tại Hà Nội, vấn đề này được đặt ra với nhiều băn khoăn, lo lắng của cả đơn vị xuất bản và cơ quan quản lý. Khó khăn về vốn hoạt động là lý do nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện cơ quan chủ quản NXB Hội Nhà văn lý giải về những sai phạm đã xảy ra liên tiếp trong thời gian qua và việc chưa được cấp đổi giấy phép của NXB này. Ông thừa nhận lâu nay, việc bán giấy phép để “nuôi” NXB và không kiểm soát được nội dung dẫn đến sai phạm là một thực tế. Nếu bắt buộc phải có số vốn năm tỷ đồng thì Nhà nước nên cho cổ phần hóa NXB hoặc hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi. Giám đốc NXB Đại học Sư phạm Nguyễn Bá Cường cho biết, NXB chỉ có ba tỷ đồng cho nên phải vay thêm nhà trường hai tỷ đồng; thực hiện xong thủ tục cấp đổi giấy phép lập tức trả lại vì không sử dụng đến, nếu để sẽ phải… trả lãi (!).
Thứ trưởng Tài chính Vũ Thị Mai, đại diện cơ quan chủ quản NXB Tài chính cho biết, mỗi năm NXB cũng chỉ được đặt hàng số tiền khoảng một tỷ đồng; vậy kinh phí bắt buộc hằng năm là năm tỷ đồng có cần thiết? Quy định trong Nghị định 195 không nêu rõ nguồn để có năm tỷ đồng là từ ngân sách nhà nước hay từ những nguồn huy động khác như xã hội hóa, vì thế vẫn còn khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Đến nay, NXB Tài chính vẫn nằm trong số hơn 30 NXB chưa được cấp phép lại vì chưa đáp ứng được điều kiện này. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ tham gia với Bộ TT&TT thực hiện sắp xếp, phân loại để tái cơ cấu các NXB; xem xét sửa đổi, không ràng buộc điều kiện về số vốn năm tỷ đồng trong cấp đổi giấy phép cho các NXB.
Bên cạnh đó, chính sách ưu tiên, hỗ trợ tiền thuê nhà đất cho các NXB; việc áp dụng cơ chế đấu thầu trong đặt hàng xuất bản cũng được đặt ra, khi xuất bản là ngành kinh doanh đặc thù thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ TT&TT và các bộ chủ quản của NXB đề xuất, trình Thủ tướng xem xét.
Trách nhiệm lớn thuộc cơ quan chủ quản
Mặc dù lượng sách xuất bản tăng hơn so với năm trước, nhưng chất lượng xuất bản phẩm chưa tương ứng; một số xuất bản phẩm còn có nội dung vô bổ, nhảm nhí, thậm chí sai lệch. Đó là nhận xét của Cục Xuất bản, In và Phát hành. Trong năm 2015, Cục đã xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 1,2 tỷ đồng; đình chỉ hoạt động có thời hạn hai tổ chức vi phạm; buộc thu hồi, tiêu hủy 10.394 bản xuất bản phẩm vi phạm; chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự hai vụ việc. Trong số 323 xuất bản phẩm vi phạm bị xử lý, có 128 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung như sai sót về sự kiện, thời gian, nhân vật lịch sử; nhận định, đánh giá về hiện thực xã hội không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng; nội dung dung tục, phản cảm, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; thể hiện không đầy đủ chủ quyền biên giới, lãnh thổ Việt Nam…
Theo Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo T.Ư, nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, yếu kém của ngành xuất bản là ở nhận thức chưa đúng về vị trí, vai trò của NXB trong nhiệm vụ chung của cơ quan chủ quản; dẫn tới không ít cơ quan còn lúng túng, thiếu chủ động, linh hoạt trong phương án đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp; để NXB hoạt động trong tình trạng vừa thiếu, vừa yếu cả về điều kiện vật chất kỹ thuật và đội ngũ cán bộ. Chính vì vậy mà các NXB đánh mất quyền tự chủ, bị đối tác liên doanh, liên kết chi phối cho nên không kiểm soát được nội dung, dẫn đến sai phạm.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành xuất bản năm qua là tổ chức khóa học “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản và nghiệp vụ biên tập” cho lãnh đạo, biên tập viên của NXB nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc buông lỏng trách nhiệm, để xảy ra sai phạm. Đến nay, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tổ chức được 11 lớp học cho 1.144 học viên và cấp chứng chỉ hành nghề biên tập cho 970 biên tập viên của các NXB. Nhưng theo Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành Chu Hòa, trong quá trình triển khai thực hiện còn không ít khó khăn; dù đã có nhiều công văn gửi các NXB đốc thúc, nhưng hiện không phải tất cả lãnh đạo và biên tập viên đã tham gia khóa học hoặc được cấp chứng chỉ.
2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng vào cuộc sống; năm đầu tiên của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Trách nhiệm của ngành xuất bản khá nặng nề, đòi hỏi những nỗ lực sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ góp phần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm của đất nước. Vì vậy, các NXB cần đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, biên tập viên. Cơ quan chủ quản quan tâm chỉ đạo, định hướng NXB xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển trung và dài hạn; tăng cường phối hợp cơ quan quản lý trong việc thẩm định nội dung xuất bản; chấn chỉnh tổ chức, điều hành hoạt động của NXB và phát hiện, xử lý sai phạm. Các cơ quan quản lý cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần chấn chỉnh hoạt động xuất bản; tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản; phối hợp các cơ quan có thẩm quyền trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm…
Cần xem xét lại quy định “cơ quan chủ quản và NXB bảo đảm kinh phí hằng năm ít nhất năm tỷ đồng để NXB thực hiện nhiệm vụ xuất bản” tại Nghị định số 195/2013/NĐ-CP. Cần thiết có thể kiến nghị để sửa đổi Nghị định, hoặc vận dụng sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất để các NXB triển khai thực hiện và hoạt động.
Trương Minh Tuấn Thứ trưởng Bộ TTTT
Các cơ quan chỉ đạo, quản lý sẽ tiếp tục cùng các cơ quan liên quan tích cực nghiên cứu, tham mưu Đảng và Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách phù hợp; thực hiện theo Quy hoạch phát triển Xuất bản, In, Phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt; tích cực phối hợp các cơ quan chức năng đề xuất điều chỉnh chính sách thuế nhà đất cho các NXB; xây dựng cơ chế đặt hàng xuất bản phẩm bằng ngân sách nhà nước hiệu quả.
Nguyễn Thế Kỷ Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư
NGUYỄN PHƯƠNG LIÊN
Theo Báo Nhân dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023