Bộ ba cuốn sách Nhân - Lễ - Nghĩa do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản đầu tháng 6-2016. Với nội dung phong phú, ý nghĩa sâu sắc cùng với cách trình bày ấn tượng, đẹp mắt, bộ sách đã phân tích, lý giải khá đầy đủ những tư tưởng, giá trị Nho giáo về đức Nhân, Lễ, Nghĩa.
Bộ sách Nhân - Lễ - Nghĩa với nội dung rất sâu sắc, đa dạng về các giá trị đạo đức trong Nho giáo hấp dẫn người đọc bởi lối dẫn dắt vấn đề, đưa các lời giảng dạy của bậc thánh hiền, điển tích và cả những quan niệm để các giá trị đó trở nên phù hợp với thời hiện đại. Bộ sách thực sự được coi là một công trình khoa học được các tác giả dày công sắp xếp, biên soạn. Bạn đọc có nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về các giá trị đạo đức Nho giáo sẽ tìm thấy nhiều kiến thức từ kho tư liệu mà bộ sách mang lại.
NHÂN: GIÁ TRỊ CỐT LÕI CỦA HỌC THUYẾT NHO GIÁO
Cuốn sách Nhân đề cập sáu nội dung lớn, tương ứng với sáu cách hành xử để trở thành một con người có đức Nhân.
I. Chú trọng tu dưỡng tâm tính. Tư tưởng chủ đạo là chính bản thân mỗi con người cần phải vượt qua được những ý niệm tư tưởng sai trái của chính mình, dựa vào cảm nhận của con tim, chú ý việc tu dưỡng tâm tính để đạt đến cảnh giới cao nhất của đức “Nhân”. Con người chính là nhân tố quyết định việc tu dưỡng của chính mình, nếu thấy có sai sót thì cần biết tự sửa chữa. Vi nhân vị kỷ - thành người được hay không là do bản thân mình.
II. Dùng chuẩn mực đạo đức để nghiêm khắc kiểm soát bản thân. Đức “Nhân” là chuẩn mực cao nhất của Nho giáo, bao hàm những đức tính như: lễ, nghĩa, trí, dũng, cung, khoan, tín, mẫn, huệ, lương, kiệm, nhượng. Để có được đức “Nhân” thì trước tiên con người phải đạt được yêu cầu về những đức tính thuộc nội hàm của đức “Nhân” và phải kiềm chế bản thân một cách nghiêm túc bằng các chuẩn mực xã hội.
III. Chuẩn mực hành vi trong đối nhân xử thế. Con người khi muốn trở thành một người tốt, một người có chỗ đứng vững chắc trong xã hội thì trước hết là phải biết giúp đỡ người khác hướng đến những mục tiêu, lợi ích tốt đẹp như bản thân mình. Hiểu một cách rộng hơn chính là khi mình đã có được điều mình mong muốn, tu dưỡng được tâm đức của mình thì đồng nghĩa mình cũng đã giúp và sẽ giúp được nhiều người thấy được lợi ích tích cực từ việc làm của mình, lan tỏa những điều tốt đẹp đến toàn xã hội.
IV. Giao tiếp xã hội để đạt đến đạo lý của đức “Nhân”. Yêu thương người khác chính là điều nhân, hiểu người khác là người có trí. Đạo lý nghe tưởng chừng đơn giản ấy nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được. Qua phân tích, diễn giải, chứng minh, các tác giả nhấn mạnh rằng: “Con người muốn có được những người bạn tốt, việc đầu tiên là phải có tấm lòng nhân ái, gần gũi với mọi người, kết giao với bạn bè; điều thứ hai là phải có khả năng nhận biết. Như vậy mới có thể kết giao được với người bạn tốt. Có được hai điều trên, chúng ta đã có được cơ sở căn bản nhất để có được tình bạn chân thành”[1].
V. Phép tắc nhân tính trong khắp chốn quan trường. Để trở thành người vừa có đức “Nhân” vừa “công thành, danh toại” thì việc đối nhân xử thế tại chốn quan trường - nơi làm việc cũng là vấn đề cần chú tâm. Tư tưởng “vi nhân” của Nho giáo bao hàm ý nghĩa: mọi việc có suôn sẻ hay không đều phụ thuộc vào việc bản thân có thành tâm hay không, chứ không phụ thuộc vào việc lợi dụng, cầu cạnh, nịnh bợ người khác để tư lợi cho mình. Có vậy thì mới thành bậc quân tử, có vậy thì tài sản, công danh có được mới chính đáng và hưởng thụ trong vinh quang.
VI. Tư tưởng nhân đạo trong quản lý. “Nhân” có hai mục tiêu là tu thân và an thân. “Tu thân” được nhìn nhận từ góc độ cá nhân, chính là cách thức để hình thành nên tính cách của người quân tử. “An nhân” được nhìn nhận từ góc độ quản lý xã hội, chính là việc thực hiện phương thức quản lý hiệu quả đối với xã hội và đất nước. Có nghĩa là người làm công tác quản lý cần phải biết vận dụng tư tưởng luân lý lấy con người làm gốc vào công tác quản lý, tổ chức. Qua đó, bồi dưỡng được nhiều người tốt, tăng cường sự đoàn kết, phát triển đơn vị một cách hài hòa và có trình tự, kế hoạch.
LỄ: QUY PHẠM ĐẠO ĐỨC VÀ HÀNH VI
Cũng với sáu phần nội dung, cuốn Lễ đề cập những quy phạm đạo đức và hành vi cần thiết để trở thành người biết “Lễ” trong xã hội.
I. Dùng lễ để tu thân, chú trọng tu dưỡng đạo đức cá nhân. Có nghĩa là nếu con người không hiểu được nghi lễ thì sẽ khó lập thân trong xã hội. Với cách đưa lễ từ một phong tục cúng tế trở thành hạt nhân tinh thần trong việc giáo dục đạo đức xã hội truyền thống của Trung Quốc, Khổng Tử đã đặt ra yêu cầu: “Lễ” phải lấy “Nhân” làm nền tảng, “Lễ” phải xuất phát từ đức “Nhân”, có nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện giá trị Người trong mỗi con người về khía cạnh hiểu và hành động đúng lễ nghi, quy phạm.
II. Dùng lễ để xử lý công việc, giải quyết việc khó trong thiên hạ. “Lễ” được coi là quy phạm đạo đức, hành vi của con người, để từ đó thấy rõ việc nào nên làm, việc nào không nên làm.
III. Dựa vào lễ để kết giao bạn bè, áp dụng đạo Trung dung trong các mối quan hệ giao tiếp. Trung dung tổng hợp những tư tưởng, đạo lý tinh hoa của học thuyết Nho giáo thành một bộ phương pháp, chuẩn mực trong ứng xử, hành vi của con người. Trong các mối quan hệ giao tiếp, “trung dung” và “trung hòa” được biểu hiện ra bằng “Lễ”. Lễ là hình thức biểu hiện công bằng, chính trực nhất trong quan hệ giao tiếp xã hội.
IV. Tất cả mọi lễ tiết trong thiên hạ đều bắt đầu từ đạo hiếu trong gia đình. Trong cuộc đời, mỗi con người đều phải học rất nhiều nghi lễ, nhưng lễ nghi đầu tiên mà ai cũng cần tu dưỡng chính là lễ nghi đối với cha mẹ, gọi là hiếu. Do vậy, hiếu là điểm xuất phát của lễ. Muốn là người biết lễ nghi với thiên hạ thì trước hết phải biết hiếu lễ, kính trọng với chính bậc sinh thành ra mình. Kẻ bất hiếu sẽ không thể trở thành người có lễ tiết được, bởi hiếu chính là lễ tiết quan trọng, cơ bản nhất của mỗi con người.
V. Dùng đạo đức để dẫn dắt bách tính, dùng lễ chế để cảm hóa dân chúng; phát huy và gìn giữ lễ pháp, người quản lý phải học lễ, hiểu lễ. Bằng cách đề cập và xử lý vấn đề khéo léo, cách dẫn dụ, minh họa hợp lý, các tác giả đã khiến bộ sách không đơn thuần là tổng tập diễn giải tư tưởng triết học của Nho giáo cổ xưa, mà còn là cẩm nang về nghệ thuật sống, nghệ thuật ứng xử và tu dưỡng của con người trong cuộc sống hiện đại ngày nay: người làm công tác quản lý phải là người “học lễ, hiểu lễ”, “sống và làm việc theo lễ”.
VI. Ở chốn quan trường, người hiểu “lễ” sẽ có được thiên hạ. Chính trường từ xưa đến nay luôn là nơi đòi hỏi các ứng xử phải đạt mức độ khéo léo nhất, thông minh nhất. Người có sự nghiệp thành công phải là người luôn biết kiên trì chữ “lễ”, phải biết đối nhân xử thế sao cho đạt được đến mức cứng rắn trong hành động và mềm mỏng về trí tuệ. Có như vậy mới đạt được những bước tiến cao, “hóa hung thành cát”.
NGHĨA: NGUỒN GỐC CỦA “LỄ”, XUẤT PHÁT TỪ “NHÂN”
Người có đức “Nhân”, sống chan hòa, nhân ái, biết trân trọng giá trị bản thân và yêu thương đồng loại; khéo léo trong hành xử, luôn biết cân nhắc tiết tháo trong mọi lễ nghi nhưng không trọng đạo nghĩa thì vẫn là khuyết thiếu.
I. Chú trọng làm phong phú nội hàm của đạo nghĩa. Người có đạo nghĩa chính là người trọng nghĩa khí, trọng tình nghĩa; khiêm tốn học hỏi mọi người xung quanh, nhất là bậc hiền tài; nghiêm khắc kiểm điểm và sửa chữa những thiếu sót của bản thân; biết việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Đạo nghĩa phải thể hiện bằng những hành động cụ thể để đạt tới tầm cao nhất của chân - thiện - mỹ.
II. Đạo nghĩa - con đường chân chính của loài người. Câu nói trên vốn có hàm ý rất rộng, từ “nghĩa” trong câu nói này có nghĩa là “quy tắc”, “trật tự”. Để trở thành người hiểu và có lễ nghĩa, cần phải giữ nguyên tắc quy chuẩn về hành vi để luôn biết tự kiềm chế bản thân trong giao tiếp, ứng xử. Bên cạnh đó, con người còn cần phải biết tôn trọng người khác. Có vậy mới làm cho “trật tự” được hình thành và thể hiện cụ thể trong sự hài hòa, biểu hiện cụ thể ở chỗ: trong công việc phải chí công vô tư, không bị dao động bởi quyền lực, lợi ích, biết kiên trì đạo nghĩa.
III. Nói đạo nghĩa, trọng đạo nghĩa trong giao tiếp giữa người với người. Người quân tử chân chính cần phải biết trọng tình nghĩa, nói lời nghĩa khí. Để làm được điều đó, đòi hỏi “chúng ta phải nắm bắt cách ứng xử nhất định trong giao tiếp như: thể hiện rõ chủ ý, để người khác hiểu mình; “mất lòng tin sẽ không thể đứng vững”; rắp tâm hại người là điều không nên làm; kết giao bạn bè phải học cách tán dương bằng hữu, đồng thời phải có nghệ thuật tiếp xúc khéo léo, biết cách quan sát lời ăn, tiếng nói, hành vi của người tiếp xúc; luôn nghĩ cho bạn bè, không làm điều gì trái đạo nghĩa; khi thành đạt không xa lánh, thờ ở với bạn bè gặp hoạn nạn”[2].
IV. Làm giàu trước hết phải làm việc nghĩa. Tư tưởng Nho giáo luôn nhấn mạnh “tuân thủ đạo nghĩa rồi mới hưởng lợi”, có giàu sang, phú quý thì vẫn làm việc nghĩa. Trong xã hội mà chủ nghĩa sùng bái đồng tiền đang lấn lướt, xu hướng “ham muốn vật chất”, chạy theo lợi ích đang len lỏi vào từng ngõ ngách của cuộc sống ngày nay, việc noi theo tư tưởng “trọng nghĩa khinh lợi” của Khổng Tử và các bậc thánh hiền khác để điều tiết, quy chuẩn hành vi, cách ứng xử trở thành điều cốt yếu, cần phải tu dưỡng, rèn luyện đối với những người ham muốn làm giàu, muốn xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa đạo nghĩa và danh lợi.
V. Người quản lý cần có đủ trí tuệ. Trong phương diện chính sự, “Nghĩa” được các bậc Nho gia nói tới bao hàm hai ý, tức là uốn nắn bản thân và quản lý người khác. Vì thế, trong mọi giai đoạn của lịch sử, mọi thăng trầm của xã hội thì vai trò của người làm công tác quản lý luôn có những yêu cầu nhất định. Tuy nhiên, yêu cầu luôn được đặt lên hàng đầu chính là người quản lý cần có đủ trí tuệ và phải là người biết làm tấm gương cho người khác. Khổng Tử đã nói: “Chính giả, chính nghiệp. Tử soái dĩ chính thục cảm bất chính” (Người đứng đầu chính trực thì không cần ra lệnh người khác cũng làm theo. Thầy chính trực, trò nào dám không theo)[3].
VI. Xây dựng quan niệm giá trị đúng đắn. Khổng Tử một người thầy tài giỏi của mọi thời đại, ông đã khởi xướng ra quan niệm nhân sinh tích cực, dạy con người biết tự tin, tự tôn, tự cường và tự lập. Chất lượng cuộc sống được quyết định chính bằng thái độ của con người và cuộc sống có hạnh phúc và viên mãn hay không do chính chúng ta quyết định.
Chú thích:
1, 2. Tần Tại Đông; Trần Hoa Châu: Nhân, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 5, 235.
3, 4. Hạng Cửu Vũ; Chiêm Dật Thiên: Lễ, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 97, 144-145.
5. Tiêu Hồng Quân; Nghê Diệc Trinh: Nghĩa, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 273.