Nhân đầu năm mới - nghĩ về tuổi trẻ và văn hóa đọc

Ngày đăng: 03/02/2014 - 11:02

Những ngày cuối năm bận rộn nhưng tôi vẫn dành thời gian đến nói chuyện tại 2 trường đại học ở 2 miền: Đại học Thương mại Hà Nội và Đại học Tôn Đức Thắng TP. Hồ Chí Minh. Thực tế là tại Hà Nội, hội trường quá nhỏ bé để gần 100 bạn phải đứng ngoài hành lang nghe. Còn hội trường mới, rất đẹp ở TP. Hồ Chí Minh với 600 ghế ngồi cũng kín chỗ, mặc dù đúng ngày diễn ra chương trình, nhiều lớp đang phải thi.

Vậy thì có ai đó chê văn hóa đọc của lớp trẻ. Ai đó tiêu cực hóa quá mức văn hóa đọc của giới trẻ và đổ hết lỗi cho các em. Tôi mạnh dạn tuyên bố rằng, giới trẻ vẫn rất thích đọc sách và muốn đọc sách. Rằng các em vẫn thấy sách và tri thức là quan trọng.

Nhan dau nam moi

Lỗi tại ai?

Nhưng một thực tế khác là số lượng sách bán ra vẫn rất ít và các em vẫn khá lười đọc sách. Trong những hội thảo như thế này, tôi đã có kết luận rằng, các em không được dạy đọc. Khi còn bé, các em được dạy đánh vần. Lớn lên, đến tận khi là sinh viên chưa em nào được dạy cách chọn sách, cách đọc sách, cách tóm tắt nội dung sách, cách ứng dụng những kiến thức từ sách vào cuộc sống. Chính vì không biết đọc nên các em mới mò mẫm và nản.

Từ ngày đi giảng dạy và nói chuyện về kỹ năng đọc sách siêu tốc cách đây 5 - 6 năm đến nay, tôi phát hiện ra rằng ở Việt Nam ngoài mình ra chưa ai làm nghề này. Do không được dạy nên các em đọc rất chậm. Đã đọc chậm lại không nhớ được nội dung nên đâm ra chán. Thế rồi lười đọc.

Tôi nhớ rằng, hồi học đại học ở nước ngoài, chúng tôi bị các thầy cô bắt đọc mỗi ngày vài trăm trang. Môt số bạn tôi còn bảo, 1 ngày bạn phải đọc trên 1 ngàn trang. Ấy vậy mà sinh viên có những trường, ngày không đọc nổi một trăm trang sách, Ở nước ngoài, không đọc xong số trang quy định, bạn không trả được bài. Ở Việt Nam thì tại phần lớn các trường đều không sao, và các thầy cô ít khi giao sách về nhà đọc. Thế là các em lười và không đọc.

Tôi đã từng nói chuyện với một số thầy cô giáo đủ các cấp (kể cả đại học) và nhiều trong số đó thừa nhận lười đọc sách. Thầy còn không chịu đọc thì nói gì đến trò. Tôi đã từng đến một số ngôi nhà của các thầy cô giáo thì chỉ thấy thưa thớt vài ba cuốn sách. Vậy thì liệu có dám mong các học trò của mình có những tủ sách lớn hay không!

Đọc sách ở nước ngoài

Tôi không bàn đến các nước Âu, Mỹ mà nghĩ ngay đến Indonesia, nơi tôi vừa mới có mặt với tư cách đại diện Ban Chấp hành Trung ương Hội Xuất bản Việt Nam. Trong phiên họp toàn thể Hiệp hội Xuất bản các nước ASEAN và tại những bữa ăn hay các lần tiếp xúc riêng tôi luôn tìm cách hiểu về tình hình xuất bản của các nước trong khu vực cũng như việc xuất bản tại những nước quanh khu vực. Nghe thôi đã thấy cần học họ rất nhiều rồi.

Trong khuôn khổ chuyến đi Jakarta gần một tuần lễ, chúng tôi có may mắn tham dự hội sách Indonesia lần thứ 33. Thật bất ngờ khi Hội sách được tổ chức tại sân vận động trong nhà và lượng bạn đọc đến đông đến bất ngờ. Cái mà ấn tượng với tôi nhất là phần lớn bạn đọc đến tham quan và mua sách là các bạn trẻ. Mà giá sách bên Indonesia cao hơn hẳn Việt Nam. Tôi cũng tranh thủ phỏng vấn và các bạn trẻ xứ sở vạn đảo cho biết, họ có một con đường đã lựa chọn - tri thức. Vậy nên phải đầu tư cho việc mua và đọc sách. Về khách sạn tôi nghĩ đến các bạn trẻ Việt Nam: bao nhiêu phần trăm nghĩ rằng mua sách là một sự đầu tư cao quý và xứng đáng? Bao nhiêu phần trăm nghĩ rằng họ bị mất tiền khi được sở hữu những tài sản trí tuệ tuyệt vời này.

Cũng phải nói thêm rằng, Indonesia có tổ chức Hội sách quốc gia hằng năm do Hiệp hội Xuất bản đứng ra tổ chức. Ngoài ra cái mà tôi rất thích là reading tour. Ngay tại lễ khai mạc Hội sách lần thứ 33, tiết mục được chú ý mà họ đã mời một vị diễn giả nổi tiếng đến kể chuyện sách. Hơn nữa mỗi năm họ đều mời một quốc gia và một bang làm khách mời danh dự (năm nay là Ảrập Xêút với sự có mặt của Đại sức Đặc mệnh toàn quyền và bang Kalimantan với sự hiện diện của Phó Thống đốc).

Bạn trẻ Việt Nam đọc sách chứ?

Câu hỏi có vẻ buồn cười. Bởi dĩ nhiên là các em có đọc (và phải đọc). Nhưng vấn đề là bạn trẻ mới chỉ đọc sách giáo khoa như một sự bắt buộc. Thời giờ các em đọc để học thuộc lòng đã ngốn quá nhiều rồi.

Qua các buổi hội thảo hay nói chuyện tôi biết các em rất khao khát đọc. Các em đọc nhiều sau khi nhận ra giá trị của sách và văn hóa đọc. Tôi nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại ý rằng cách đọc sách tốt và hiệu quả nhất là lấy ý chứ không bám vào câu chữ, rằng chỉ khi biết và tìm được từ khóa để rồi biết nội dung của từng chương, từng cuốn sách (thậm chí từng trang, từng đoạn) mới tạo cảm hứng để các em đọc và phát triển kỹ năng và thói quen đọc.

 Năm nay, ngoài 2 thành phố lớn, tôi có về Thái Bình, Hưng Yên, Đà Nẵng,… để nói chuyện về sách. Bạn trẻ rất háo hức. Về các tỉnh mới biết rằng hiếm sách lắm. Tại các hiệu sách vẫn chỉ thấy sách giáo khoa cùng một ít sách biên soạn chứ sách nghiêm túc, có hàm lượng tri thức cao rất ít. Người dân thì nghèo mà lại chưa được hướng dẫn về đọc hay chưa mấy ai về khuấy động văn hóa đọc nên thật thương các bạn trẻ. Ngay tại thị xã Sơn Tây, nơi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND TP. Hà Nội chọn làm nơi khai mạc “Tuần lễ học tập suốt đời” đầu tháng 10 vừa qua mà tôi được mời làm diễn giả, nhiều em vẫn thắc mắc “Đến bao giờ chúng em mới không phải về tận trung tâm Thủ đô Hà Nội để mua sách?” làm tôi và bao vị quan chức giật mình.

Tôi thấy chúng ta đang tập trung xây dựng và phát triển văn hóa đọc, nhất là cho giới trẻ khá tốt. Tuy nhiên, để thật sự đột phá và trên cả nước, cần sự chung tay góp sức của rất nhiều cơ quan, ban ngành. Nhưng trước mắt, mỗi chúng ta, nhất là những người đang đọc những dòng chữ này, làm một cái gì đó vì văn hóa đọc: mua vài cuốn sách, tặng ai đó lấy một cuốn, dành vài phút mỗi ngày để đọc. Nên đọc cho mình và để làm gương. Các bạn trẻ đang rất cần chúng ta.

Năm mới đến thật rồi, tôi rất tin rằng các bạn trẻ có một tinh thần mới, một khí thế mới, một tâm trạng mới để “gom kiến thức khắp thế gian về cho chính mình”. Tôi biết rằng, các em đã nhận ra giá trị của sách và tri thức. Chắc chắn!

TS. Nguyễn Mạnh Hùng

 

Bình luận