Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Cuốn sách Những điểm mới trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng chắt lọc, tổng hợp những nhận thức mới trong các văn kiện Đại hội XIII và trình bày thành 14 vấn đề, trong đó phân tích những điểm mới về: bối cảnh, quá trình chuẩn bị Văn kiện, tầm nhìn và chủ đề của Đại hội; phương pháp tiếp cận; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và tiến trình đổi mới; dự báo tình hình, quan điểm và định hướng phát triển đất nước 10 năm 2021-2030; nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá chiến lược; cùng những điểm mới trong định hướng phát triển các lĩnh vực cụ thể trong giai đoạn 5 năm 2021-2025 gồm: kinh tế; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; văn hóa, xã hội, con người; quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh; đối ngoại và hội nhập quốc tế; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xây dựng Đảng.
Những quan điểm, nội dung cốt lõi, những chủ trương mới trong các văn kiện Đại hội XIII từ tầm bao quát, mục tiêu tổng quát, các định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, các chỉ tiêu chủ yếu, các khâu đột phá chiến lược cho thấy rõ sự kế thừa, bổ sung, phát triển tư duy lý luận của Đảng, nắm vững những bài học kinh nghiệm từ thành tựu 35 năm đổi mới đất nước, nhất là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, nhận diện đầy đủ những thuận lợi, thời cơ, khó khăn, thách thức và nhiệm vụ trong thời gian tới, liên hệ vận dụng phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị để xác định và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong nhiệm kỳ 2021-2025; xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.
Cán bộ, đảng viên, nhân dân cũng thấy được những điểm mới thể hiện từ quá trình chuẩn bị các văn kiện, tầm nhìn và xác định chủ đề của Đại hội, phương pháp tiếp cận, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và tiến trình đổi mới cho tới những điểm mới nổi bật trong dự báo tình hình, quan điểm và định hướng phát triển đất nước nói chung cũng như định hướng phát triển đối với từng lĩnh vực trong từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, đáng chú ý là một số điểm mới nổi bật sau:
Về chủ đề Đại hội: chủ đề Đại hội XIII bổ sung “chỉnh đốn” và “hệ thống chính trị” vào nội dung xây dựng Đảng thành “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”; nêu “khát vọng phát triển đất nước”; xác định mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Về cách tiếp cận xác định mục tiêu: đồng thời với việc xác định mục tiêu tổng quát trong chặng đường phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI “trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, Văn kiện lần này còn nêu các mục tiêu cụ thể cho 5 năm, tới năm 2025; mục tiêu cho 10 năm, tới năm 2030; và tầm nhìn đến năm 2045.
Về đánh giá, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và tiến trình đổi mới: Văn kiện Đại hội XIII không chỉ đổi mới cách trình bày, mà phạm vi đánh giá cũng rộng hơn: tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII; 10 năm thực hiện Cương lĩnh năm 2011; 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; đồng thời nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991.
Về dự báo tình hình thế giới và trong nước: Văn kiện Đại hội XIII đưa ra những dự báo mới như: trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn; đại dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…; trong khu vực là vấn đề tranh chấp chủ quyền, đặc biệt là chủ quyền biển đảo...; trong nước, nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém; xu hướng già hóa dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp...
Về quan điểm: Một trong những điểm mới nổi bật của Văn kiện Đại hội lần này là xây dựng hệ quan điểm chỉ đạo trong Báo cáo chính trị và hệ quan điểm phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030: Văn kiện đưa ra 12 định hướng về: xây dựng, hoàn thiện thể chế; phát triển kinh tế; phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; phát triển con người và xây dựng nền văn hóa; quản lý phát triển xã hội; thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc; đối ngoại; đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Nhà nước; xây dựng Đảng; các mối quan hệ lớn.
Về xác định những định hướng phát triển trên các lĩnh vực chủ yếu trong 5 năm tới, đáng chú ý là: Trên lĩnh vực kinh tế, những điểm mới tập trung chủ yếu vào nội dung đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Trên lĩnh vực văn hóa và con người, Văn kiện thể hiện nhận thức mới khi yêu cầu gắn bó chặt chẽ giữa “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người” với “hệ giá trị gia đình Việt Nam” trong thời kỳ mới. Trên lĩnh vực xây dựng Đảng, ngoài 4 nội dung đã được xác định tại Đại hội XII là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức, Đại hội XIII bổ sung nội dung thứ năm là xây dựng Đảng về cán bộ…
Về xác định nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược: Văn kiện Đại hội XIII cũng nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm như Văn kiện Đại hội XII, nhưng được kết cấu lại và có những nội dung mới: tích hợp các trọng tâm về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, về phát triển kinh tế, về tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, về phát triển văn hóa, xã hội, con người; tách để nhấn mạnh trọng tâm về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; bổ sung trọng tâm về bảo vệ tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, nội dung từng nhiệm vụ trọng tâm cũng có những điểm mới. Về đột phá chiến lược, ba đột phá chiến lược do Đại hội XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị, sẽ được cụ thể hóa phù hợp với điều kiện, yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể.
Với những điểm mới được kết tinh trong nội dung các văn kiện, điểm nhấn nổi bật là nêu cao tinh thần đổi mới, sáng tạo, nhất định Đại hội XIII của Đảng sẽ khơi dậy, “đánh thức” khát vọng Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023