Niềm tin xã hội là thành tố quan trọng của ý thức xã hội, thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng của nhóm, xã hội đối với cá nhân, nhóm, tổ chức, thể chế nào đó về những sự kiện, hiện tượng, quá trình, kết quả có thể xảy ra, góp phần định hướng nhận thức, thái độ, tình cảm và hoạt động của nhóm, xã hội phù hợp với sự tin tưởng, kỳ vọng đó. Có thể nói, niềm tin xã hội là động lực tư tưởng, tinh thần, đạo đức của sự phát triển đất nước. Vì vậy, trong quản lý và phát triển xã hội, cần quan tâm xây dựng và phát huy vai trò của niềm tin xã hội.
Dưới góc độ chính trị - xã hội, niềm tin xã hội thực chất là mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, với chế độ. Xây dựng niềm tin xã hội là xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, củng cố và tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước thông qua hệ thống chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo ra sự đồng thuận, đoàn kết trong xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy nhiên, trước tác động mặt trái của phát triển và hội nhập, một bộ phận người dân có biểu hiện suy giảm niềm tin, đó là sự thờ ơ, hoài nghi, không quan tâm đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tình trạng tham nhũng, lãng phí diễn biến phức tạp, sự bất bình đẳng trong phân bổ và thụ hưởng các nguồn lực xã hội… đã và đang tác động tiêu cực đến niềm tin của một bộ phận nhân dân. Chính vì vậy, xây dựng và củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, tạo ra sự đồng thuận xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài của Đảng và nhân dân ta hiện nay, như phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Cuốn sách Niềm tin xã hội - Lý luận và thực tiễn là công trình khoa học nghiêm túc, công phu, tâm huyết của PGS.TS. Đoàn Triệu Long - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là sản phẩm trực tiếp của đề tài khoa học cấp Nhà nước “Niềm tin xã hội trước thách thức của hội nhập và phát triển ở vùng Trung Bộ” đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xuất sắc năm 2020. Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận chung về niềm tin và niềm tin xã hội; phân tích thực trạng niềm tin xã hội qua nghiên cứu trường hợp vùng Trung Bộ, cuốn sách luận giải các nhân tố tác động cùng những biểu hiện của niềm tin xã hội cũng như dự báo xu hướng phát triển của niềm tin xã hội, bước đầu đề xuất một số giải pháp và kiến nghị.