Năm "sóng gió" của ngành xuất bản
Năm 2015 có thể nói là một năm khá “sóng gió” với ngành xuất bản. Bên cạnh những thành công của các hội sách, đường sách, là những vụ lùm xùm về đạo thơ, về cấp đổi giấy phép…
Đường sách, hội sách và thẻ hành nghề
Một trong những dấu ấn đáng nhớ của năm 2015 là dự án khởi công xây dựng Đường sách trên đường Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP. HCM vào trung tuần tháng 10-2015. Bên cạnh các gian hàng sách, tại đây còn có không gian cà phê sách dành cho bạn đọc và du khách thư giãn, là nơi tổ chức các sự kiện, giới thiệu tác phẩm mới, giao lưu tác giả, các phiên chợ sách cũ… Việc hoàn thành đưa vào sử dụng đường sách sẽ góp phần nâng cao bộ mặt văn hóa và thúc đẩy văn hóa đọc ở Việt Nam.
Khách tham quan các gian Triển lãm - Hội chợ Sách quốc tế - Việt Nam lần thứ 5
Năm 2015, là năm “được mùa” của các hội sách. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, có rất nhiều hội sách được tổ chức như hội sách Quốc tế, hội sách Hoàng Thành, hội sách Mùa Xuân, hội sách Mùa Thu… thu hút sự chú ý của độc giả và nhiều đơn vị trong ngành xuất bản. Trước đó, nhân Ngày sách Việt Nam, các hội sách cũng được tổ chức ở khắp ba miền. Riêng hội sách tổ chức tại công viên Thống Nhất - Hà Nội với chủ đề “Sách xưa và nay”, đã thu hút đông đảo bạn đọc và bán được 3 triệu bản, đạt doanh thu khoảng 12 tỷ đồng.
Năm 2015 cũng được đánh giá là năm thành công của sách Việt. Nổi bật nhất là cuốn truyện tranh dành cho thiếu nhi mang tên The First Journey của hai tác giả Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên đạt giải thưởng châu Á. Hai cuốn Cà phê cùng Tony và Trên đường băng của Tony Buổi Sáng đều đạt số lượng tiêu thụ lên đến hơn 100.000 bản. Phân khúc truyện tranh Việt cũng nổi lên với hàng loạt ấn phẩm như Địa Ngục Môn, Quan trọng là phải đẹp trai, Học sinh chân kinh, Tạp chí Truyện tranh Việt…
Sự lên ngôi của dòng sách tô màu cho người lớn cũng được coi là tâm điểm của làng xuất bản Việt năm 2015. Xuất hiện từ đầu mùa hè với bộ bốn cuốn của tác giả Valentina, đến khi cuốn sách Khu vườn bí mật, Thiên đường nhiệt đới ra mắt độc giả Việt thì dòng sách tô màu thực sự tạo thành cơn sốt trên thị trường, thậm chí, nhiều cửa hàng bán đồ gia dụng, thực phẩm, siêu thị cũng trưng bày sách bán.
Năm 2015 đánh dấu những bước phát triển và hoàn thiện vượt bậc của ngành xuất bản, khi tổ chức cấp thẻ hành nghề biên tập viên cho các nhà xuất bản. Để đáp ứng quy định, từ ngày 1-1-2016, sách chỉ được nhận lưu chiểu khi biên tập viên cuốn sách có chứng chỉ hành nghề, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã phối hợp với Trường Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ quản lý Thông tin và Truyền thông mở được 8 lớp “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ biên tập” cho các biên tập viên của các nhà xuất bản, và đã cấp chứng chỉ hành nghề biên tập cho 804 biên tập viên. Đặc biệt, trong năm 2015, Cục cũng đã rất “mạnh tay” trong việc yêu cầu các nhà xuất bản phải rà soát, chấn chỉnh quy trình biên tập, xuất bản, đồng thời có công văn yêu cầu đơn vị xuất bản không đăng ký xuất bản sách ngôn tình, đam mỹ có nội dung thô tục, phản cảm, sách tâm linh, phong thủy, lịch vạn sự, tử vi với nội dung không có cơ sở khoa học…
Chuyện đạo thơ, nhà xuất bản không đủ điều kiện
Bên cạnh những tin vui liên quan đến hội sách, đường sách… năm 2015, những người yêu sách không khỏi buồn vì những chuyện không hay trong làng thơ Việt Nam. Đó là 2 trường hợp “đạo thơ” gây xôn xao dư luận. Vụ việc bài thơ Bạch lộ trong tập Sẹo độc lập của nhà thơ Phan Huyền Thư phát hành năm 2014, đã đạo bài Buổi sáng của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, in trong tập Đếm cát phát hành vào năm 2003 khiến người đọc thất vọng, dù sau đó Phan Huyền Thư đã gửi lời xin lỗi đến nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan thừa nhận việc này, khép lại vụ việc ầm ĩ.
Một vụ tranh chấp tác quyền bài thơ Tổ quốc gọi tên giữa nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai và một người tên Ngô Xuân Phúc cũng khiến dư luận quan tâm. Hiện nay, việc tranh chấp này vẫn chưa đi đến hồi kết, trong khi dư luận có hai luồng ý kiến. Một bên cho rằng bài thơ được biết tới như tác phẩm của Nguyễn Phan Quế Mai và vẫn là của chị, vì nữ tác giả đưa ra được các bằng chứng. Ngược lại, một luồng dư luận khác lại cho rằng lời giải thích và những lập luận của ông Ngô Xuân Phúc hợp lý và tin đây là bài thơ do ông sáng tác.
Năm 2015 là năm ngành Xuất bản thực hiện các quy định tại Điều 13 Luật Xuất bản năm 2012 và Điều 8 Nghị định số 195/2013/NĐ-CP, về việc xét cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản. Song, cho đến nay, đã quá thời hạn cấp đổi giấy phép thành lập theo quy định gần 3 tháng, nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông mới thực hiện cấp đổi giấy phép thành lập cho 26/63 nhà xuất bản (chiếm tỷ lệ 41,3%). Ngoài 3 Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, Âm nhạc và Văn hóa dân tộc đang trong quá trình sáp nhập, hiện vẫn còn tới 34 nhà xuất bản chưa được cấp đổi giấy phép thành lập.
Trong số đó, có tới 23 nhà xuất bản chưa đủ nguồn kinh phí (ít nhất 5 tỷ đồng) để duy trì hoạt động xuất bản. Theo lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành, một trong những nguyên nhân của việc chậm trễ cấp đổi giấy phép này là do trong Luật Xuất bản năm 2012 và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21-11-2013 của Chính phủ, không quy định rõ về nguồn kinh phí để hoạt động xuất bản của các nhà xuất bản, mà chỉ quy định: “Cơ quan chủ quản và nhà xuất bản bảo đảm kinh phí hằng năm ít nhất 5 tỷ đồng để nhà xuất bản thực hiện nhiệm vụ xuất bản”. Vì vậy, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản chưa có cách hiểu và thống nhất để thực hiện quy định này. “Chính những vướng mắc trong việc xem xét nguồn kinh phí của các nhà xuất bản là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc cấp đổi giấy phép thành lập chưa tiến hành theo đúng tiến độ”, vị lãnh đạo này cho biết.
Cả nước hiện có 63 nhà xuất bản, được tổ chức hoạt động theo 2 loại hình: Loại hình đơn vị sự nghiệp công lập (44 nhà xuất bản) và loại hình Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước (19 nhà xuất bản). Tổng số lao động khoảng 5.500 người, trong đó, có khoảng 1.200 biên tập viên. Tính đến thời điểm này, toàn ngành đã xuất bản được hơn 24.000 cuốn sách với hơn 270 triệu bản; xuất bản 375 loại văn hóa phẩm với hơn 22 triệu bản, trong đó, xuất bản trên 200 loại mẫu lịch với hơn 16 triệu bản. Tổng doanh thu ước đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành |
Theo TTXVN
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023