Sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội ở miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương xây dựng và phát triển các nông trường quốc doanh, đại diện cho hình thức sở hữu Nhà nước (sở hữu toàn dân). Nông trường quốc doanh bắt đầu được xây dựng ở miền Bắc từ năm 1955, đã huy động lực lượng lao động to lớn, với kỳ vọng là “đầu tàu” đưa nền nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; là “tấm gương”, là “trường học” đối với hợp tác xã; là lực lượng chính đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể.
Trong suốt 20 năm (1955 - 1975), việc phát triển nông trường quốc doanh mặc dù còn nhiều hạn chế, nhất là tình trạng sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, nhưng đã có những đóng góp rất lớn về mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn khu vực nông thôn, miền núi; góp phần tạo nên những vùng kinh tế tổng hợp; ổn định tình hình chính trị; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; trở thành những trung tâm văn hóa - xã hội ở nông thôn miền Bắc; góp phần “hồi sinh” nhiều vùng đất “chết” sau chiến tranh.
Cuốn sách Nông trường quốc doanh ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1975 của TS. Phạm Thị Vượng đã làm rõ quá trình hình thành, xây dựng và hoạt động của nông trường quốc doanh ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1955 đến năm 1975; phân tích, nhận xét về thành tựu và đóng góp của nông trường quốc doanh trên nhiều lĩnh vực; thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém của nông trường quốc doanh; rút ra những kinh nghiệm cho vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay nói chung, cũng như trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nông trường quốc doanh (nay là các công ty nông nghiệp). Qua đó, cuốn sách góp phần lý giải sâu sắc hơn tại sao mô hình nông trường quốc doanh ra đời ở miền Bắc Việt Nam từ năm 1955 và sự tồn tại, tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh của nông trường quốc doanh từ năm 1955 - 1975 như thế nào? Những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng hiện nay mô hình nông trường quốc doanh không còn tồn tại, mà hầu hết đã giải thể hoặc phải chuyển đổi sang hình thức các công ty nông nghiệp; qua đó, cuốn sách cũng góp phần lý giải tại sao Đảng, Nhà nước Việt Nam phải chủ trương thực hiện đường lối đổi mới vào năm 1986.