Nước Mỹ nổi giận – Cuộc chia rẽ chính trị sâu sắc

Ngày đăng: 12/03/2021 - 09:03

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, tin tức có thể được dễ dàng tìm thấy ở khắp nơi, từ mạng xã hội, các phương tiện phát thanh - truyền hình phát sóng và trực tuyến, truyền hình cáp đến sách, báo, tạp chí truyền thống và điện tử, khẳng định vai trò và ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của truyền thông đối với công chúng. Việc lựa chọn kênh truyền thông chính thống hay không chính thống để tiếp nhận, xử lý và chọn lọc thông tin phụ thuộc vào sự thông thái và sáng suốt của độc giả. Nhờ thành tựu vượt bậc về công nghệ, thông tin được phổ biến và lan truyền với tốc độ nhanh chưa từng có, tạo ra cả hiệu ứng tích cực và tiêu cực cho lĩnh vực truyền thông hiện đại. Nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng: Báo chí, truyền thông là một trận địa thực sự trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ và nó đặc biệt thể hiện sức mạnh trong thời đại công nghệ, với sự lên ngôi của mạng xã hội. Trong rất nhiều trường hợp, truyền thông, mạng xã hội mang cho chúng ta thông tin, song, cũng trong rất nhiều trường hợp, nó mang đến nhiều cạm bẫy. Chúng ta thấy được hai mặt của vấn đề, một mặt là sự tham gia của một lực lượng đông đảo báo chí chính thống và tất nhiên báo chí chính thống cũng chia ra rất nhiều định hướng khác nhau: có bên thiên tả, bên thiên hữu, mặt khác là sự tham gia của mạng xã hội, mặt này bây giờ rất đồ sộ. Theo dõi cuộc bầu cử Tổng thống của Mỹ năm 2016, cũng như cuộc bầu cử 2020, chúng ta sẽ không có câu trả lời thỏa đáng nếu chỉ nghiêng về một mặt. Nếu chỉ thiên về báo chí chính thống hoặc chỉ thiên về mạng xã hội thì chúng ta sẽ bị hỗn loạn, không xác định được bản chất thật sự của những luồng dư luận, những quan điểm khác nhau. Ví dụ như ai ủng hộ ai, cơ hội của ai cao hơn, ai gần chiến thắng hơn, lúc đó chúng ta hoàn toàn có thể bị đánh lạc hướng. Nếu chúng ta nói rằng báo chí chính thống phải trung lập thì không hoàn toàn là như thế. Một cơ quan truyền thông nào cũng có lăng kính riêng của mình. Mặc dù các hãng truyền thông phương Tây đều cố gắng đi theo cái gọi là “phi định kiến” nhưng đó có lẽ chỉ là sự nỗ lực của họ mà thôi.

Cùng chủ đề này, cuốn sách Nước Mỹ nổi giận - Cuộc chia rẽ chính trị sâu sắc của Alison Dagnes, Giáo sư ngành Khoa học chính trị, Trường Đại học Shippensburg, Mỹ, đi sâu phân tích về truyền thông chính trị Mỹ trong thế giới phân cực, nguyên nhân sụp đổ không gian giữa chính trị và văn hóa, được kích thích bởi các phương tiện truyền thông xuất hiện khắp nơi. Theo tác giả, công chúng Mỹ chưa bao giờ có nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn dữ liệu, phân tích và quan điểm đa dạng như bây giờ, nhưng đây không hề là nguồn cảm hứng, trái lại, người Mỹ luôn ngờ vực các bản tin với các định hướng chính trị rõ rệt. Thậm chí, trong mắt cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, báo chí Mỹ là “kẻ thù quốc gia”. Như đổ thêm dầu vào lửa, công chúng Mỹ càng mất niềm tin, tức giận và bất đồng trước lực lượng truyền thông gây chia rẽ sâu sắc của Mỹ.

Cuốn sách có cấu trúc gồm 06 chương, Chương 1: Hai sự thật, mô tả hai phe truyền thông dòng chính và truyền thông cánh hữu đối lập, tách rời nhau về tư tưởng nhưng lại có cách thức hoạt động giống nhau: cả hai đều chạy đua để trở thành kênh đầu tiên truyền tải một tin, bài, vì như vậy nghĩa là sẽ có được nhiều sự chú ý hơn và nhiều lợi nhuận hơn, tác giả nỗ lực giải thích cơn bão tiền bạc, công nghệ và tinh thần đảng phái đã tạo ra hai thái cực thông tin hoàn toàn tách biệt: một vòng tròn nhỏ, khép kín cho cánh hữu và một khu vực rộng mở, ngổn ngang cho những người còn lại. Điều này hình thành hai thực tế, hai câu chuyện và hai phe phái chính trị bất đồng quan điểm với cơn giận dữ khủng khiếp thường trực khắp nơi. Chương 2: Tăng cường chống đối: 50 năm hạ thấp giới trí thức, chính phủ và ngành truyền thông. Ở chương này tác giả khám phá những điều chỉ trích, quay lại truy tìm nguồn gốc, diễn biến các lập luận để chứng minh vì sao chúng góp phần gây ra thái độ phẫn nộ chính trị. Jay Rosen, Giáo sư ngành Truyền thông tại Đại học New York viết: “Tổng thống Mỹ đang dẫn đầu một phong trào thù địch chống lại báo chí, và với những người ủng hộ trung thành của ông, phong trào đó đang thành công. Họ từ chối báo chí như một nguyên tắc của họ. Nguồn thông tin hàng đầu của họ về Trump chính là Trump, tức là một hệ thống tin tức độc tài dành cho hoạt động của họ”; Chương 3: Tiền + Công nghệ = Vấn đề: Bước phát triển công ghệ đòi hỏi cấp bách về tài chính và bối cảnh truyền thông phát sinh từ đó. Trên cơ sở nắm bắt các khía cạnh sâu xa của thế giới truyền thông, tác giả đã tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn chuyên sâu với các nhân vật truyền thông và chính trị gia hàng đầu nước Mỹ, phân tích từng bước phát triển của cỗ máy truyền thông, đưa ra những gợi ý về cách khôi phục đối thoại quốc gia, trong khi vẫn bảo vệ quyền thể hiện thái độ bất đồng một cách phù hợp. Tác giả cũng xem xét tình trạng phân cực của người Mỹ hiện đại để chỉ ra vì sao điều này vừa duy trì, vừa tiếp sức cho giới truyền thông phân cực. Chương 4: Chúng ta - chúng nó: Phân cực chính trị và chính trị hóa mọi thứ. Tác giả phân tích tình trạng phân cực chính trị đã góp phần hình thành ngành truyền thông chính trị phân hóa như hiện nay. Theo tác giả, hạn chế về tài chính và tiến bộ công nghệ của giới truyền thông là hai lý do cho mối bất hòa về chính trị. Thực trạng này đã lan rộng ra ngoài phạm vi chính trị và ảnh hưởng lớn đối với nền văn hóa; Chương 5: Mục tiêu tiêu cực: Giới truyền thông cánh hữu và bất kỳ ai khác, ở chương này, tác giả cho rằng, giới truyền thông cánh hữu, trước đây từng là một tập hợp các hãng truyền thông mang tư tưởng bên lề (cực hữu), giờ đây là một tập hợp các hãng tin tức được hợp pháp hóa, nổi bật và đầy quyền lực. Tổng thống Trump là người chống cánh tả và có một đội ngũ các hãng tin tức ủng hộ ông. Những người ủng hộ Trump có thể đã đứng về phía ông trong tình trạng đã giận dữ trước rồi, nhưng Trump đã thúc đẩy và làm gia tăng cơn thịnh nộ này bằng cách tạo kén cho bản thân và những người ủng hộ ông trong vũ trụ truyền thông đan xen. Kết quả là, nền chính trị Mỹ ngày nay mang đầy tính bộ lạc, chia rẽ và giận dữ. Chương 6: Hậu quả, rắc rối và có lẽ có thể giải quyết được, ở chương này tác giả khám phá ngành truyền thông chính trị đang bị lợi dụng ra sao và bằng cách nào các công dân có thể thích nghi với môi trường hiện tại; các cuộc phỏng vấn, nghiên cứu dữ liệu và bài báo đều được sử dụng để phân tích bối cảnh và giải thích vì sao trong thế kỷ XXI, nền chính trị đã trở nên ồn ào đến vậy và do đâu công chúng Mỹ lại phẫn nộ đến thế.

Văn hóa chính trị Mỹ là chủ đề quan trọng và rất phức tạp, tập trung vào cuộc đối thoại chính trị khởi nguồn từ những biến đổi trong văn hóa chính trị Mỹ suốt nhiều thập kỷ qua, song bằng cách lập luận chặt chẽ với nhiều dẫn chứng thực tế, tác giả Alison Dagnes đã làm “mềm” nội dung sách, khiến nó trở nên dễ tiếp cận. Nhiều ý kiến, nhận định của tác giả có giá trị tham khảo tốt, nhưng cũng có những nhận định cần tiếp tục nghiên cứu, trao đổi. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tôn trọng những quan điểm đó, giữ nguyên các luận chứng và nguồn thông tin tư liệu mà tác giả thể hiện, coi đó là quan điểm riêng của tác giả. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu; giảng viên, sinh viên chuyên ngành quốc tế và những độc giả quan tâm tới vấn đề này.

Bình luận