Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Người luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và vai trò của đạo đức trong đấu tranh cách mạng. Thấu hiểu đạo đức là nền tảng, là cái gốc của người cách mạng nên suốt đời, Người kiên trì giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên và toàn dân ta. Đối với bản thân, Người luôn thường xuyên tự rèn luyện và là một tấm gương sáng, mẫu mực về đạo đức.
Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng đăng trên Tạp chí Học tập số tháng 12 năm 1958 với bút danh Trần Lực - người viết: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Người cho rằng, mọi thói hư, tật xấu của cán bộ, đảng viên đều xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình. Người cho đó là chủ nghĩa cá nhân vô cùng nguy hiểm, nó sinh ra hàng trăm thứ bệnh trong đó có bệnh: quan liêu, tham nhũng, bè phái, xu nịnh, hiếu danh, kiêu ngạo... Vì vậy ta phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tính tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật...
Nhằm giúp bạn đọc hiểu và tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản lần thứ tư cuốn sách Đạo đức Bác Hồ - Tấm gương soi cho muôn đời của TS. Trần Viết Hoàn.
Cuốn sách gồm nhiều bài viết ngắn gọn, mộc mạc, chân thực nhưng hết sức sinh động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác cũng như những sinh hoạt đời thường của Người. Sự chỉ bảo ân cần cùng những lời dạy thiết thực về đạo đức cách mạng là vũ khí để đấu tranh chống lại các hiện tượng tha hóa về đạo đức trong đời sống xã hội.
Bao năm tháng trôi qua, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang hơi thở của thời đại.