Patrick Deville: "Tôi muốn làm nhà văn từ thủa nhỏ"
Hai tiếng đồng hồ dường như vẫn rất ngắn ngủi đối với độc giả trong buổi giao lưu với nhà văn Pháp nổi tiếng Patrick Deville. Ông đã hào hứng chia sẻ với độc giả Việt Nam về những quan điểm trong sáng tác văn chương và thổ lộ, ông đã muốn làm nhà văn từ thủa nhỏ.
Đây là lần thứ hai nhà văn Patrick Deville đến lại Việt Nam. Các đây vài tháng, ông đã đặt chân tới đây, và lần trở lại này đã cho ông những cảm xúc thật mới mẻ. Nhân dịp ra mắt cuốn sách Viễn vọng và Yersin: dịch hạch và thổ tả (nói về bác sĩ - nhà khoa học nổi tiếng Alexandre Yersin (1863 - 1943), cuộc tọa đàm giữa Patrick Deville, nhà văn Nguyễn Việt Hà và độc giả Hà Nội được Công ty Nhã Nam tổ chức.
Hai tác phẩm Viễn vọng và Yersin: dịch hạch và thổ tả tiêu biểu cho hai thể loại văn học khác nhau của Patrick Deville. Trước đây, ông đã từng viết năm cuốn tiểu thuyết theo thể loại thuần hư cấu, điển hình là Viễn vọng với tính hư cấu được đẩy lên cực điểm. Sau một thời gian, nhà văn quyết định chuyển sang viết tiểu thuyết phi hư cấu, và Yersin: dịch hạch và thổ tả là một trong những tác phẩm phi hư cấu thành công nhất của ông.
Patrick Deville chia sẻ, ngay từ hồi còn rất nhỏ, ông đã luôn có ý niệm trong đầu rằng sau này lớn lên sẽ trở thành nhà văn, và chỉ có thể làm nhà văn. Ông kể: “Tôi đã đọc rất nhiều, nghiên cứu văn học, triết học, để phục vụ cho công việc viết văn của mình”.
Nhà văn chia sẻ: “Quyết định chuyển sang viết tiểu thuyết phi hư cấu là một quyết định mang tính lý trí của tôi, dù viết ở thể loại nào cũng phải hết mình và không thay đổi phong cách”. Nhà văn cho biết thêm, văn học hư cấu rất coi trọng hình thức thể hiện, giống như thơ ca, hội họa… Viết tiểu thuyết hư cấu mặc dù có thể đẩy trí tưởng tượng lên đến cực điểm, nhưng lại không cho nhà văn đề cập đến những vấn đề mà ông quan tâm.
Patrick Devill cho biết, khi chuyển sang thể loại mới, ông có thể tiếp cận với nhiều lĩnh vực khác nhau, khác với tiểu thuyết thuần hư cấu. Ông nói: “Tôi nghiên cứu triết học, lịch sử, mỹ thuật, âm nhạc, thơ ca… Còn trong một cuốn tiểu thuyết, tôi có thể thay đổi thể loại tùy thích, từ văn xuôi chuyển sang thơ ca, và Yersin: dịch hạch và thổ tả là thí dụ điển hình của việc tổng hợp nhiều thể loại: cả văn học, thơ ca”.
Khi viết tiểu thuyết phi hư cấu, không chỉ phải chuẩn bị cho trí tưởng tượng của mình, mà còn phải tính đến yếu tố thực tế, xác thực của thông tin trong từng diễn biến của tác phẩm. Các tác phẩm phi hư cấu cũng được ấn hành bởi các nhà xuất bản khác với tiểu thuyết hư cấu.
Nhà văn cho biết, khi viết cuốn Yersin: dịch hạch và thổ tả, ông đã vào viện Pasteur đọc kỹ từng trang tiểu sử của Yersin, từng lá thư ông gửi về cho gia đình đều đặn hằng năm trời, rồi quá trình làm việc, nghiên cứu của ông, và tìm đến những nơi ông từng đi qua như Đức, Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ và Việt Nam.
Đối với Patrick Deville, viết văn giống như xây dựng một kế hoạch. Ông nói: “Tôi có những dự án khác nhau với những khoảng thời gian khác nhau. Cùng một lúc tôi có thể viết rất nhiều cuốn, chuẩn bị tư liệu rất nhiều: ghi chép, đi thực tế, chia chương hồi. Và khi viết thì tôi bắt tay viết thật nhanh. Cuốn Yersin: dịch hạch và thổ tả tôi chỉ viết trong một vài tuần, lần lượt tại ba khách sạn ở Đà Lạt, Nha Trang và TP. Hồ Chí Minh. Khi viết, tôi không muốn bị gián đoạn”.
Nói về văn hóa đọc và thói quen đọc sách của người trẻ, Patrick Deville cho rằng, việc đọc là do tự thân mỗi người, khuyến khích hay ép buộc đều góp phần “giết chết sách”. Cũng có những yếu tố xã hội, văn hóa, kinh tế ảnh hưởng đến thói quen đọc sách, tuy nhiên bản thân mỗi người là quan trọng nhất.
Nhà văn nói: “Mỗi một nhà văn, trước khi trở thành người viết thì đã là một độc giả. Trước khi viết, tôi đã phải đọc rất nhiều, thậm chí đọc đi đọc lại nhiều lần một vài cuốn sách, mỗi lần đọc có khi cách nhau hàng năm trời. Mỗi lần đọc lại đó lại thấy khác. Một tác phẩm thành công 50% do nhà văn, và 50% còn lại là do người đọc”. Phương châm của nhà văn là “Càng đọc nhiều, càng có vốn sống, càng cảm thụ được tác phẩm hay hơn”.
T.L
Theo Nhân dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Bùi Bằng Đoàn với sự nghiệp cách mạng của Đảng và đất nước
- Xuất bản hai cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
- Tái bản một số ấn phẩm tiêu biểu nhân kỷ niệm 133 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xuất bản bộ sách về lịch sử ngành Công Thương
- Đề cương về văn hóa Việt Nam – Khởi nguồn và động lực phát triển
- Sách tương tác góp phần đánh thức tiềm năng của trẻ
- Xây dựng, phát triển hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng
- Đổi mới hoạt động thư viện, phát triển kỹ năng đọc cho thiếu nhi
- Cần tăng đầu tư cho đúng tầm vóc Giải thưởng Sách quốc gia
- Những điều cần biết khi xây dựng tủ sách cho trẻ em
- Sách nói và cuộc đụng độ giữa các nền tảng
- Các xu hướng sách nói trong năm 2023